Dân Việt

Bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng: Đâu là giải pháp "trị tận gốc?" (bài 3)

Tào Nga 19/04/2023 07:24 GMT+7
Trao đổi với PV báo Dân Việt, các chuyên gia, lãnh đạo ngành Giáo dục nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng của tình trạng bạo lực học đường đồng thời đưa ra những giải pháp giải quyết hiệu quả.

Bạo lực học đường: Hậu quả nặng nề

Chia sẻ về hậu quả để lại của bạo lực học đường, TS. Đặng Văn Cường, Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em cho biết: Bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của học sinh. 

Trong những năm qua không ít trường hợp học sinh, sinh viên bị đánh nhập viện, nhiều em bị tử vong do bị bạo lực học đường. Nhiều em bị đánh, bị đe dọa uy hiếp tinh thần nhưng không dám báo cáo với nhà trường, cũng không dám bảo với bố mẹ dẫn đến bị dồn ép tâm lý, có thể trầm cảm, uất ức mà thực hiện những hành vi dại dột như tự tử, bỏ học, bỏ nhà ra đi...

Hậu quả của bạo lực học đường có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em. Nạn nhân lớn lên khi thường xuyên bị ức hiếp, bắt nạt, bị đe dọa sẽ khiến những suy nghĩ, quan niệm, lối sống lệch lạc, tiêu cực và đề cao giá trị của bạo lực, có thể ảnh hưởng lâu dài đến đời sống, tương lai hạnh phúc. Không ít những đứa trẻ khi đi học bị bạn bắt nạt, đánh đập, đe dọa, trong lòng nuôi dưỡng sự hận thù, nung nấu ý định trả thù và sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, trở thành những đối tượng lầm lỳ, bất hảo.

Bạo lực học đường: Giải pháp tận gốc cho bạo lực học đường (bài 3) - Ảnh 1.

Một vụ bạo lực học đường gây chú ý ở TP.HCM. Ảnh: CMH

Đấu tranh với bạo lực học đường là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Trách nhiệm bảo vệ học sinh, ngăn chặn tình trạng học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà cần có sự chung tay của gia đình, của cộng đồng xã hội và của các cơ quan chức năng.

Trước vấn nạn nhức nhối này, nhiều Sở GDĐT đã có văn bản khẩn chấn chỉnh và yêu cầu có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. Sở GDĐT TP.HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên năm học 2022-2023. Theo đó, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu, các trường phải xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. 

Nhà trường đồng thời có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của học sinh, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật; tổ chức can thiệp, trợ giúp hoặc kết nối với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng. 

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, đơn vị nào để xảy ra bạo lực học đường trong phạm vi mình quản lý thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước địa phương, cơ quan quản lý và cấp trên. 

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng vừa ký văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh. Hiệu trưởng các trường sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bạo lực học đường...

Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội

Về phía phụ huynh, chuyên gia Hoàng Thị Thu Nhiên, Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds tư vấn: "Khi con chia sẻ về rắc rối đang gặp phải ở trường, sẽ không ít bố mẹ nói rằng "Chắc tại con như thế nào nên mới bị như thế". Cũng có rất nhiều bố mẹ phản ứng là kệ con và không can thiệp vào chuyện quan hệ với các bạn hoặc dạy con méo mó cấm không được chơi. Tuy nhiên, đó là sai lầm, là hành động tự ngắt kết nối cha mẹ với con và những câu chuyện tiếp theo. 

Khi thấy con chia sẻ câu chuyện, cha mẹ cần lắng nghe để nắm và sau đó hãy nói với con "Rất vui vì con đã chia sẻ", đồng thời thể hiện sự ghi nhận, thấu hiểu những điều tích cực của con trước sự việc bằng cách đưa ra đánh giá "Rất mừng vì con đã xử lý sự việc như thế này"... Sau đó, cha mẹ cần hỏi để con tự đưa ra phương án giải quyết vấn đề rồi bày tỏ ý kiến đề xuất với con. Bên cạnh đó, việc trao đổi, tương tác với thầy cô để giải quyết vấn đề của con là điều rất cần thiết.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: "Nhà trường một lần nữa phải lập tức rà soát, thiết lập lại kế hoạch để phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt và bạo lực ở trường; củng cố lại các quy tắc ứng xử quy định hành vi chấp nhận và không thể chấp nhận trong nhà trường. Bên cạnh đó là các biện pháp kỷ luật tương ứng, thiết lập một hệ thống gửi khiếu nại về các hành vi liên quan đến bắt nạt và bạo lực; đưa ra một quy trình chi tiết từ việc nhận khiếu nại đến xử lý người bắt nạt và hành vi bắt nạt một cách khoa học; phê duyệt một quy trình sơ cứu tâm lý và hỗ trợ nạn nhân của bắt nạt tái hòa nhập lại môi trường học tập một cách an toàn.

Khi một vụ việc bạo lực học đường được thông báo tới thì cần làm các bước theo một sơ đồ chung như sau: Nhận thông tin bạo lực học đường -> Giao cho phòng tư vấn học đường tìm hiểu -> Có kế hoạch bảo vệ cho học sinh bị bạo lực -> Làm việc với kẻ gây ra bạo lực và phụ huynh để đưa ra một hợp đồng cam kết đảm bảo không được tiếp diễn -> Giám sát cả nạn nhân và cả người bắt nạt trong một khoảng thời gian để đảm bảo các hành vi bạo lực không tái diễn.

Chúng ta cần nghiên cứu để sớm xây dựng và đưa vào đào tạo cho giáo viên và học sinh một khóa đào tạo phòng chống bắt nạt và bạo lực học đường theo cấu trúc đã được nhiều chương trình phòng ngừa bắt nạt thành công trên thế giới. Ví dụ với những chủ đề và nội dung cơ bản như bắt nạt là gì; Phòng ngừa bắt nạt và bạo lực trong lớp học; Đánh giá để ngăn chặn bạo lực học đường; Bắt nạt trực tuyến...

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Mọi phương án xử lý chỉ là phần ngọn. Phòng tránh bạo lực học đường cần phải giải quyết tận gốc rễ của vấn đề là tăng cường các hoạt động ngoại khóa, thể thao, kỹ năng sống, đọc sách... để cho học sinh giải tỏa năng lượng tích cực, thay vì kìm kẹp trong môi trường chỉ biết học khiến cuộc sống nhàm chán và lệch lạc".

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GDĐT cho biết: Ngành Giáo dục có khoảng trên 25 triệu người học, với số lượng người học là trẻ em chiếm khoảng trên 23 triệu người, tương đương 1/4 dân số cả nước. Bộ GDĐT luôn ý thức và thực hiện công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính trị, cốt lõi.

img

Ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GDĐT. Ảnh: Tào Nga

Theo số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022, với tổng hợp báo cáo của 49/63 tỉnh/thành phố cho thấy, số các vụ việc năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 cao nhất và giảm dần vào các năm gần đây, số đối tượng tham gia cũng có chiều hướng giảm.

Ông Đạt cho hay, để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, cần sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đã và đang thực hiện các giải pháp như tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ đạo lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường...

Nói về hình thức kỷ luật học sinh gây bạo lực học đường đang khiến dư luận tranh cãi chưa đủ tính răn đe, theo Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên, hình thức kỷ luật được cân nhắc kỹ trên cơ sở đảm bảo quyền học tập của các em. Tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT quy định: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm hoặc tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT.

Trong Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Độc giả theo dõi tuyến bài về bạo lực học đường gây nhức nhối hiện nay:

Bài 1: Nữ sinh xé áo bạn, nam sinh mang dao đến lớp: Phụ huynh đau đầu vì bạo lực học đường 

Bài 2: Bạo lực học đường: Học sinh ám ảnh vì 1 tháng 10 lần bị "chị đại" lớp trên đòi đánh