Năm ngoái, giữa học kỳ thứ hai, con trai tôi thông báo cháu sẽ chuyển chương trình toán từ chương trình toán ứng dụng sang toán cơ sở. Tôi nói là thông báo, vì cháu chỉ báo cho bố mẹ để biết như vậy, và trường nơi cháu học, cũng chuyển ngay cháu qua lớp học toán cơ sở. Cháu dù thích học toán, nhưng sau một học kỳ, thấy giáo viên dạy toán ứng dụng không mang lại hứng thú để học, nên quyết định chuyển sang học toán cơ sở. Kết quả học toán sau đó của cháu tốt lên nhiều, và hứng thú hơn.
Con trai lớn của tôi, khi học chương trình trung học quốc tế mấy năm trước, đến năm cuối, cháu cũng quyết định giảm bớt thời lượng của một môn học, để cháu tập trung vào một môn học khác mà cháu thú vị hơn.
Ở những trường hợp cụ thể của các con tôi, hệ thống giáo dục và trường học của các cháu đã hoàn toàn linh hoạt để các cháu có thể có lựa chọn tốt nhất cho việc học, và chuyển đổi linh hoạt, phù hợp giữa các chương trình để các cháu có thể tập trung vào môn học, ngành học có hứng thú và quyết định theo đuổi lâu dài.
Tôi nhớ đến câu chuyện của các con tôi, khi đọc trả lời của ông Phạm Xuân Chung, hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Vinh về việc em Ng. từng xin chuyển lớp và không được chấp thuận. Trả lời báo chí hôm 17.4, ông Chung cho biết trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em Ng. có lên gặp thầy để xin chuyển sang một lớp khác cùng khối xã hội, với lý do là "muốn sang lớp cô giáo này chủ nhiệm để học".
Đề nghị của em Ng. Không được chấp nhận, theo lời ông Chung, vì ""Em Ng. hiện đang học lớp thứ 3 theo phân hóa của nhà trường từ đầu năm học. Nếu chuyển từ lớp mức độ thấp lên mức độ cao hơn phải có kết quả học tập nhất định. Tôi đã trao đổi, phân tích cho em Ng. tiếp tục phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt thì sẽ xem xét chuyển lớp cho em. Sau đó em Ng. không có ý kiến gì khác".
Trình bày của ông Chung với báo chí cho thấy, đối với ông Chung và nhà trường, dường như chỉ có mục tiêu giáo dục kiến thức, mục tiêu "chuyên môn" là cao hơn cả, và khi nghe các ý kiến của học sinh, ông và trường đã gần như không có hành động nào. Có lẽ, bởi vì ở trường ông, cũng như nhiều cơ sở giáo dục khác hiện nay, việc ngăn chặn và phòng ngừa những hậu quả của bạo lực học đường không được coi là một nhiệm vụ chuyên môn quan trọng.
Mẹ của em Ng. từng gặp Ban giám hiệu hai lần để xin chuyển lớp cho con, trong đó có một lần gặp ông Chung. Cô Đặng Việt Hà, chủ nhiệm lớp em Ng. học, thì coi em "là một học sinh ngoan ngoãn, thực hiện tốt các nội quy trường lớp, đạt học lực giỏi học kỳ 1".
Cô Hà cũng cho biết, trước ngày 20/11/2022 cô biết tin Ng. không còn chơi với một nhóm bạn trong lớp như thời gian trước và đã gặp gỡ riêng, tìm hiểu tâm tư các em thì được các em trả lời lý do là "không hợp nhau" và "Trước khi Ng. mất, có một thời gian Ng. nghỉ học nhiều buổi, nhưng không liên tục vì một số lý do sức khỏe. Tôi cũng nhận được tin nhắn của Ng. có ý định xin chuyển lớp nhưng em không nói lý do gì".
Khi nghe phản ánh của gia đình về việc em Ng. gặp các vấn đề với một nhóm bạn trong lớp, cô đã từng cho em ngồi riêng, rồi sau đó lại ngồi chung với nhóm bạn đó. Trả lời báo chí "về thông tin em Ng. bị cô lập, cô Hà cho biết, học sinh có một số nhóm chat riêng trên mạng xã hội, nhưng vì nhóm kín nên cô không biết được câu chuyện và nội tình".
Hôm 15.4 vừa rồi, em Ng. đã tự tử ở nhà.
Việc em Ng tự tử, rất tiếc, lẽ ra là việc có thể tránh được, nếu trường học và giáo viên có cách tiếp cận khác, quan tâm thật sự đến đời sống tinh thần của học sinh.
Học sinh đến trường, không phải chỉ để học kiến thức, các cháu còn đến trường để được học về cách cư xử, về các mối quan hệ trong xã hội, và ở độ tuổi trung học, có rất nhiều diễn biến tâm lý phức tạp của học sinh đòi hỏi sự quan tâm đúng mực và can thiệp kịp thời của nhà trường và gia đình.
Trường hợp của em Ng. chắc chắn nên và phải được xem xét như một trường hợp của nạn nhân bạo lực học đường, và cái chết của em không chỉ và không nên chỉ được nhà trường giải trình bằng các quy định cứng nhắc.
Rõ ràng, em Ng. đã là một nạn nhân của bạo lực học đường, mà theo định nghĩa tại điều 2, Nghị định 80/2017/NĐ-CP, là "hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập".
Cũng theo các điều 5 và 6 của Nghị định này, thì rõ ràng Trường PTTH Chuyên Đại học Vinh đã không làm đúng, đủ các trách nhiệm của trường học trong việc đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, và không có các biện pháp phòng chống bạo lực học đường theo quy định của pháp luật.
Cái chết của em Ng. là rất đáng tiếc, không chỉ bởi vụ việc xảy ra ngay tại cơ sở giáo dục thuộc một trung tâm sư phạm hàng đầu ở miền Trung, nhưng sẽ đáng tiếc hơn, nếu những lý lẽ, trình bày của trường PTTH Chuyên Đại học Vinh và của giáo viên liên quan được chấp nhận như là những người vô can.
Tôi nghĩ, các cơ sở giáo dục, và trước hết, là Bộ Giáo dục, sẽ nhất thiết phải có những hành động cụ thể, kịp thời để các cơ sở giáo dục không còn có thái độ bàng quan và thiếu trách nhiệm như vậy, trước tệ nạn bạo lực học đường đang ngày một phổ biến.
Và trong những việc mà Bộ giáo dục cần làm, là công việc được quy định tại điều 7 của Nghị định 80/2017/NĐ-CP: "Hướng dẫn công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trường học", và hy vọng, những cái chết tức tưởi vì bạo lực tinh thần ở học đường như em Ng. sẽ được ngăn lại.