Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điều của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 60.000 tấn, trị giá 355 triệu USD, tăng 75% về lượng và tăng 79,5% về trị giá so với tháng 2/2023, so với tháng 3/2022 tăng 50,4% về lượng và tăng 48,6% về trị giá.
Tính chung quý I/2023, xuất khẩu điều của Việt Nam ước đạt 122.000 tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt 5.913 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 1,2% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của nước ta ước đạt mức 5.826 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện, Việt Nam đang là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Mỹ, Trung Quốc. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của nước này trong tháng 2/2023 đạt 9,15 triệu USD, tăng 37,2% so với tháng 2/2022, trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam 7,018 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam của Trung Quốc đạt 14,911 triệu USD.
Tuy xuất khẩu điều trong 3 tháng đầu năm 2023 tăng đáng kể nhưng theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), ngành điều vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS cho biết, trong tháng 2/2023, lượng xuất khẩu đã tăng nhưng chưa thật sự sôi động.
"Giá vẫn ở mức thấp, không tương ứng với giá điều thô nhập khẩu quá cao… dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp chế biến phải giảm công suất; không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động bởi không chỉ do không cân đối được giá điều nhân bán ra với giá điều thô mua vào mà còn do lãi suất ngân hàng quá cao; các chi phí khác như nhân công, nhiên liệu, bao bì, vận chuyển…. cũng tăng cao khiến doanh nghiệp càng chế biến càng lỗ", ông Nhựt nêu một thực tế.
Bên cạnh đó, việc châu Âu và Mỹ ngày càng siết chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; Trung Quốc quy định chặt chẽ và thực thi nghiêm các quy định nhập khẩu nông sản, thực phẩm qua biên giới; tranh chấp thương mại khá nhiều, trong đó phần lớn nằm ở khâu nhập khẩu điều thô về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng do gần 3/4 nguyên liệu của ngành điều Việt Nam là nhập khẩu cũng kiến các doanh nghiệp ngành điều gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, theo VINACAS, hiện nay, việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Theo thống kê sơ bộ, trong 2 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 10.158 tấn điều nhân được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô. Còn trong năm 2022, đã có 78.583 tấn điều nhân được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô - lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong 1 năm. Cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được Việt Nam miễn thuế.
VINACAS lo ngại, nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp với hạt điều thô trong nước, do giá thành chế biến, nhập khẩu không cao nên dễ dàng điều chỉnh giá bán do người nhập khẩu có lợi nhuận cao sẽ khiến giá điều thô trong nước chịu áp lực giảm giá lớn. Các nhà máy chế biến ngày càng chịu áp lực chuyển sang sử dụng nhân điều nhập khẩu thay vì chế biến từ điều thô; chi phí chế biến và quản lý chế biến thấp hơn vì chỉ phải làm khoảng 20% công việc so với chế biến từ điều thô.
Theo VINACAS, các công ty hiện tại ở châu Phi thông qua Việt Nam bán được hàng, có lợi nhuận cao sẽ tiếp tục đầu tư, các nhà máy này sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chế biến tại chỗ, khiến các nhà máy nhỏ và vừa Việt Nam phá sản.
Từ thực tế này, VINACAS kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tìm giải pháp, trình Chính phủ cho phép thực hiện để sớm tạo sự công bằng trong chế biến và kinh doanh điều nhân trên thị trường quốc tế. Theo đó, VINACAS đề xuất không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam; áp thuế xuất 25% với hạt điều đã bóc vỏ; áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam.