Việt Nam cung cấp lượng lớn hạt điều cho Mỹ, Trung Quốc, EU
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2022 đạt 519.780 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD nhưng cũng nhập đến gần 99% lượng điều nguyên liệu của Campuchia.
Đáng chú ý, Việt Nam đang là nguồn cung lớn nhất hạt điều cho Mỹ, Trung Quốc, EU. Cụ thể, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam 121.950 tấn hạt điều, trị giá 768,49 triệu USD, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 89%.
Tương tự, tại thị trường Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của Trung Quốc từ thị trường thế giới trong 11 tháng năm 2022 đạt xấp xỉ 243,47 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt gần 215,3 triệu USD, tăng 38,2%. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 88,43% trong 11 tháng năm 2022.
Việt Nam cũng là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho EU, lượng nhập khẩu đạt 98.970 tấn, trị giá 643,91 triệu EUR (tương đương 699,68 triệu USD), giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng nhẹ từ 56,36% trong 10 tháng năm 2021 lên 56,85% trong 10 tháng năm 2022.
Dự báo năm 2023, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm và giá khó tăng. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2022.
Việt Nam mua gần hết điều nguyên liệu của Campuchia
Dù xuất khẩu một lượng lớn hạt điều nhưng Việt Nam cũng phải nhập khẩu lượng khổng lồ nguyên liệu từ các thị trường Campuchia, châu Phi,...
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia dẫn báo cáo của Hiệp hội hạt điều Campuchia cho biết năm 2022, nước này đã xuất khẩu 670.000 tấn hạt điều thô ra thị trường quốc tế trị giá 1,07 tỉ USD.
Trong đó, 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia được bán sang Việt Nam, tương đương 660.000 tấn, trị giá hơn 1 tỉ USD.
Được biết, Campuchia đã ban hành chính sách quốc gia về hạt điều với các mục tiêu: nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng hạt điều để nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy công nghiệp hóa để tăng giá trị sau thu hoạch và chế biến điều lên 25% vào năm 2027 và thúc đẩy xuất khẩu thông qua đa dạng hóa thị trường.
Trong khi đó, tại Việt Nam, diện tích trồng điều đang bị cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác. Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, diện tích điều cả nước đạt 300.000 ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp nên việc nhập khẩu nguyên liệu là không thể tránh khỏi.
Từ thực tế đó, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) kiến nghị Bộ NNPTNT tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều; có giải pháp hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.