Dân Việt

Giá xăng dầu hôm nay 23/4: Tuần giảm

Nguyễn Phương 23/04/2023 07:59 GMT+7
Giá xăng dầu hôm nay 23/4: Mặc dù đảo chiều tăng vào phiên cuối tuần, song xu hướng đi xuống trong phần lớn các phiên giao dịch của tuần qua đã khiến giá dầu thế giới chứng kiến tuần giảm. Tuần này, giá dầu Brent đã giảm xuống mức 81,66 USD/thùng, giá dầu WTI cũng giảm xuống mức 77,87 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 23/4: Tuần giảm vì lo ngại về bất ổn kinh tế

Sức ép từ đồng USD mạnh lên, bên cạnh việc giới đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 5 và làm giảm hy vọng phục hồi của kinh tế Mỹ đã khiến giá dầu giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 17/4). 

Giới đầu tư hiện đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 5. Đồng thời, thị trường cũng kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, một động thái thường xảy ra trong thời kỳ suy thoái.

Số liệu lạc quan từ kinh tế Trung Quốc đã giúp giá dầu quay đầu tăng nhẹ ngay trong phiên giao dịch liền sau đó. Mặc dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý I/2023 mạnh hơn dự kiến đã củng cố tâm lý thị trường, song chỉ số lòng tin kinh tế quan trọng ở Đức sụt giảm liên tục đã phần nào hạn chế đà tăng của giá dầu.

Thị trường xăng dầu liên tiếp đi xuống trong hai phiên giao dịch 19-20/4, khi lạm phát cao dai dẳng tại châu Âu làm giảm sút lòng tin và những dự báo về việc tăng lãi suất.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/4, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 56 xu Mỹ, lên 81,66 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tăng 50 xu, lên 77,87 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent và dầu WTI lần lượt mất 5,5% và 5,7%.

Trước đó, giá dầu thế giới hôm 22/4 phục hồi nhẹ trong bối cảnh dữ liệu cứng tại Mỹ đang ngày càng vẽ nên một bức tranh khá đen tối: Thị trường lao động đang hạ nhiệt, doanh số bán lẻ đang giảm và sản lượng sản xuất đang giảm. Những dữ liệu này khiến hầu hết các nhà kinh tế dự báo một cuộc suy thoái sớm nhất là vào nửa cuối năm nay.

Các ngân hàng đã thắt chặt cho vay, điều này có thể khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận tín dụng hơn. Cả Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều đang vật lộn để đưa lạm phát đến gần mục tiêu 2% của họ.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn của Trung Quốc bắt đầu nhập dầu thô của Nga từ tháng 3. Theo báo cáo của hải quan Trunng Quốc, tổng lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga của nước này, bao gồm cả đường ống và tàu, đã tăng lên mức kỷ lục 9,61 triệu tấn, tương đương 2,26 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 3.

Các chuyên gia nhận định nhập khẩu dầu của Nga trong tháng 4 của Trung Quốc có khả năng vượt kỷ lục trong tháng 3. Xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng phía Tây sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019, bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng của Moscow.

Tại Ấn Độ, hoạt động sản xuất của các nhà máy lọc dầu đã đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng 3 nằm đáp ứng được nhu cầu theo mùa tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới này.

Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng vào tuần trước. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính của Viện Dầu khí Mỹ (API), với mức giảm khoảng 2,68 triệu thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 23/4: Tuần giảm - Ảnh 2.

Giá dầu thô ghi nhận một tuần giảm giá vì lo ngại về bất ổn kinh tế và lãi suất gây áp lực lên thị trường.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước

Tại thị trường trong nước, ngày 21/4, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/4.

Ở kỳ điều chỉnh ngày 21/4, giá xăng giảm 485 - 606 đồng/lít, xuống còn 22.688 - 23.639 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 750 đồng/lít, giá bán là 19.390 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG xăng dầu: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 150 đồng/lít), xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 0 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu (kỳ trước chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut ở mức 300 đồng/kg).

Giá xăng dầu hôm nay 23/4: Tuần giảm - Ảnh 3.

Từ 17h00 ngày 21/4, giá xăng giảm 485 - 606 đồng/lít, xuống còn 22.688 - 23.639 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 23/4 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 22.688 đồng/lít (giảm 485 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 951 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 23.639 đồng/lít (giảm 606 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 19.397 đồng/lít (giảm 752 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 19.480 đồng/lít (giảm 259 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.843 đồng/kg (tăng 649 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/4/2023-21/4/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại về khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như triển vọng không chắc chắn của kinh tế toàn cầu; dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay đang tiếp tục tăng và việc OPEC+ cắt giảm sản lượng…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm, riêng mặt hàng dầu mazut là tăng.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/4/2023 và kỳ điều hành ngày 21/4/2023 là: 97,958 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 3,683 USD/thùng, tương đương giảm 3,62% so với kỳ trước); 101,876 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 2,769 USD/thùng, tương đương giảm 2,67% so với kỳ trước); 97,825 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,531 USD/thùng, tương đương giảm 1,54% so với kỳ trước); 97,948 USD/thùng dầu điêzen (giảm 3,557 USD/thùng, tương đương giảm 3,50% so với kỳ trước); 472,496 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 8,412 USD/tấn, tương đương tăng 1,81% so với kỳ trước).

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Đưa mức trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 về mức 300 đồng/lít (kỳ trước 150 đồng/lít) và tiếp tục dừng trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut; giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng RON 95, dầu điêzen và dầu hỏa; tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu điêzen và dầu hỏa; dừng chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 12 đợt điều chỉnh, trong đó có 7 đợt tăng, 4 đợt giảm và một đợt giữ nguyên.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý với Bộ Tài chính về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có nội dung bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng.

VCCI cho rằng mặt hàng xăng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Cơ quan này khẳng định xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.

Theo Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ nhà nước không khuyến khích tiêu dùng. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

Được biết, Văn phòng Chính phủ cũng đã nhận được đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ về việc đảm bảo chi phí, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu khi sửa đổi các nghị định liên quan.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp gửi các lãnh đạo cấp cao, Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính và Tư pháp đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.