Ngày 24/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến đã ký Quyết định số 1209/KH-UBND về kế hoạch tổ chức "Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023".
Theo đó, Diễn đàn dự kiến tổ chức vào ngày 02/06/2023 tại thành phố Tây Ninh. Mục tiêu của diễn đàn nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Tây Ninh; giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, các dự án tại các khu kinh tế, khu du lịch, các dự án nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Chia sẻ về mục đích của Diễn đàn nói trên, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: "Thông qua Diễn đàn, Tây Ninh muốn tạo điều kiện gặp gỡ, kết nối, tạo được ấn tượng tốt đến các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, quan đó thiết lập quan hệ hợp tác nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên EuroCham".
Theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), đơn vị đồng chủ trì Diễn đàn, EuroCham là một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với hơn 1.300 thành viên. Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện sử dụng 150.000 lao động trên khắp đất nước Việt Nam.
"Nhiều doanh nghiệp thuộc EuroCham là những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và đã có những thành công khi đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng chính là động lực để EuroCham quyết định phối hợp cùng UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh", ông Fluit Gabor chia sẻ.
Chủ tịch EuroCham cho biết thêm: "Với nền tảng và mạng lưới rộng lớn của EuroCham, tôi tin rằng EuroCham có thể tạo nên những thay đổi mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam".
Là đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ: "Ngành nông nghiệp của Việt Nam đang chứng kiến những khởi sắc rõ rệt nhất với những triển vọng to lớn, hứa hẹn sẽ là một trong những ngành đạt được bứt phá trong tương lai. Tuy nhiên để có thể biến tiềm năng thành hiện thực, rất cần sự hợp tác đầu tư từ các tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới".
Theo ông Hùng, đó cũng là lí do đơn vị quyết định tham gia Diễn đàn lần này với mục tiêu kết nối với các doanh nghiệp của EuroCham với một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp là Tây Ninh.
Theo tìm hiểu của PV, Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, với đặc điểm địa hình của một cao nguyên, lại mang dáng dấp, sắc thái của đồng bằng, thêm tiềm năng quỹ đất dồi dào, tất cả những điều này là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Từ năm 2016, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Tuy nhiên, đến thời điểm này số lượng và quy mô phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhỏ lẻ.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là quy hoạch các vùng ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với nông nghiệp để xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, gắn sản xuất, bảo quản với chế biến và xuất khẩu để tạo lan tỏa cho người nông dân, đặc biệt là tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị trong một đơn vị diện tích.
Theo đó, Tây Ninh định hướng phát triển 17 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 2022 - 2025 là 9 vùng (6 vùng trồng trọt và 3 vùng chăn nuôi); giai đoạn 2026 - 2030 là 8 vùng (6 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi). Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận phải hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kiết, tiêu thụ sản phẩm.
Tây Ninh đặt mục tiêu diện tích sản xuất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải đạt giá trị sản phẩm 150 triệu đồng/ha vào năm 2025; và 180 triệu đồng/ha vào năm 2030. Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025; và đạt 50% vào năm 2030.
Để dần trở thành "miền đất hứa" trong lĩnh vực thu hút vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp, thời gian qua Tây Ninh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Lũy kế đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 338 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 8 tỷ USD.
Các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trải đều trên tất cả các huyện, thị xã thành phố của tỉnh. Khu vực FDI đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Tây Ninh, để đa dạng đầu tư, huy động các nguồn vốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ và kết nối chuỗi giá trị doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp FDI.
Tây Ninh cũng phát triển hạ tầng đồng bộ, đầu tư hệ thống đường bộ, đường thuỷ, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế với các tỉnh, thành phố; tiếp tục phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả logistics nhằm giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh.
Đặc biệt Tây Ninh sẽ đa dạng hoá thu hút vốn FDI, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, các tập đoàn có thương hiệu quốc tế, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...