Năm 1918, học giả Phạm Quỳnh, trong một chuyến du khảo Nam kỳ, ghé qua Chợ Giữa, đã viết: “... Cách tỉnh thành Mỹ Tho mươi cây lô mét, Chợ Giữa là một làng lớn, có tiếng thanh lịch nhất trong hàng tỉnh. Từ tỉnh về đi “xe kiểng” mất hơn một giờ đồng hồ. Thường gặp chuyến thì đi xe hơi tiện hơn, vì có một đường xe hơi từ tỉnh lên Cai Lậy, qua Chợ Giữa...”.
Chợ Giữa cách TP Mỹ Tho trên 10 km, nằm khép mình dưới những vòm cây trái sum sê. Vĩnh Kim còn được mệnh danh là “Vương quốc vú sữa Lò Rèn” - một thương hiệu trái cây từ xa xưa đã vang danh. Vĩnh Kim còn là miền đất học nổi danh đất Nam kỳ lục tỉnh, với cách gọi dân gian “Làng Tiến sĩ” và là vùng đất của nghệ thuật xướng ca.
Thế kỷ XVIII, đất Gia Định chia làm 5 trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Mỹ Tho - thủ phủ của tỉnh Định Tường, với những ưu thế phát triển kinh tế nông - thương nghiệp, trung điểm giao lưu văn hóa 2 miền Đông - Tây Nam bộ, rất thuận lợi cho việc phổ biến âm nhạc miền Trung.
Người có công truyền bá âm nhạc thính phòng có gốc từ nhạc cung đình Huế đầu tiên ở Tiền Giang là Tiến sĩ Phan Hiển Đạo. Là người hào hoa phong nhã, sẵn ngón đờn tranh tuyệt diệu, trong thời gian ra kinh đô ứng thí, ông đã tiếp thu âm nhạc đem về quê hương truyền lại cho học trò.
Tượng đài Căm thù tại Chợ Giữa - nơi giặc Pháp đã bỏ bom thảm sát đồng bào ta năm 1940. Chợ Giữa Vĩnh Kim (nay thuộc ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Cùng thời và cũng có mối quan hệ gần gũi với Tiến sĩ Phan Hiển Đạo là ông Trần Quang Thọ. Khoảng giữa thế kỷ XIX, ông Trần Quang Thọ vốn là nhạc công của triều đình dưới thời Vua Tự Đức, đã xin từ nhiệm, rồi vào Nam sinh cơ lập nghiệp ở vùng Chợ Giữa. Ông kết hôn với bà Phan Thị Thọ - là chị của Tiến sĩ Phan Hiển Đạo. Mối quan hệ này ít có tư liệu ghi chép.
Ông Trần Quang Thọ không chỉ truyền dạy học trò trong làng, mà còn đào luyện các con lấy âm nhạc làm niềm vui và dung dưỡng tính cách.
Ông Trần Quang Diệm - một trong số các con của ông Trần Quang Thọ, đã kế thừa tài năng của cha, rèn luyện được ngón đờn tỳ bà tuyệt diệu, đờn hay đến nỗi ông Diệp Văn Cương - một trong những trí thức bấy giờ đã nói rằng: “Sau khi nghe tiếng đờn kìm của Tư Triều và tiếng đờn tỳ bà của ông Năm Diệm, tôi không còn muốn nghe bất kỳ tiếng đờn của ai khác…”.
Lúc bấy giờ, nhạc tài tử dần định hình rõ nét và ưu thế của cây đàn kìm đã bộc lộ ngày càng rõ hơn trong dàn nhạc tài tử. Có lẽ vì thế mà không nối tiếp truyền thống sở trường tỳ bà của ông Trần Quang Thọ và ông Trần Quang Diệm, ông Trần Quang Chiêu (tức Bảy Triều, thân sinh của GS-TS Trần Văn Khê) đã chọn cây đàn kìm và đàn độc huyền để phát huy tài năng của mình.
Không chỉ bên nội, bên ngoại của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê cũng đã có những ông như: Nguyễn Tri Túc (ông ngoại), Nguyễn Tri Lạc (cậu Tư), Nguyễn Tri Khương (cậu Năm), Nguyễn Tri Ân (cậu Mười) thông thạo bài bản và sử dụng được nhiều nhạc khí dân tộc.
Đặc biệt, một số bản nhạc tài tử do ông Nguyễn Tri Khương sáng tác, như: Phong xuy trịch liễu, Yến - Tước tranh ngôn… đã được đưa vào trong vở cải lương Giọt máu chung tình, trình diễn trên sân khấu của Gánh Đồng Nữ Ban, do bà Trần Ngọc Viện (cô Ba của GS-TS Trần Văn Khê) phụ trách…
Theo một số tư liệu lịch sử, mỗi lần thương nhớ quê hương, Thái hậu Từ Dũ đã cho dời ông Trần Thiên Trứ và cháu gái là Trần Thị Hậu ra Huế đờn ca giúp vui - nơi 2 dòng họ Trần - Nguyễn của làng Vĩnh Kim Đông tỏa sáng trong nghệ thuật ca cầm.
Vĩnh Kim còn là vùng đất sản sinh ra nhiều nhân tài, trí thức yêu nước, như nữ thi sĩ Đỗ Liên đã viết:
“Chợ Giữa nhiều trang danh điện ngọc
Vĩnh Kim lắm kẻ học liên trì
Tài ba đời cổ chưa ai sánh
Lỗi lạc thời kim ít kẻ bì”.
Có lẽ Vĩnh Kim là một “Làng Tiến sĩ” duy nhất của đất phương Nam đã sản sinh ra những tên tuổi lớn, nổi danh như: Tiến sĩ Phan Hiển Đạo, đậu tiến sĩ năm 1856, đời Vua Tự Đức, được bổ chức Đốc học tỉnh Định Tường; Giáo sư - Viện sĩ Trần Văn Khê; GS-TS Trần Quang Hải (con trai của Viện sĩ Trần Văn Khê);
GS-TS-Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, là nhạc sĩ có hai bằng Tiến sĩ; PGS-TS Nguyễn Tấn Phát và PGS-TS Phạm Đình Hùng…
Từ xưa, Vĩnh Kim đã nổi danh vùng đất của 6 ông Lục Hiền, là những nhà Nho yêu nước. Đây cũng là nơi dừng chân của nhiều nhà cách mạng tiền bối đến tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn…
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang
Vùng đất Vĩnh Kim còn là nơi đã sinh ra ông Ngô Tấn Nhơn, vị Bộ trưởng 2 Bộ Canh nông và Kinh tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Hồ Chủ tịch sáng lập tại Kỳ họp Quốc hội đầu tiên năm 1946. Ngoài ra, 2 cô con gái của ông Ngô Tấn Nhơn là Tiến sĩ Ngô Kiều Nhi (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) và Ngô Kiều Oanh (Viện Khoa học Việt Nam).
Vĩnh Kim còn là quê hương của ông Trần Năng Lựa (cậu ruột của phu nhân Chủ tịch Tôn Đức Thắng), có 3 người con đều làm bác sĩ rất nổi tiếng: Bác sĩ Trần Nam Hưng, Bác sĩ Trần Khải Siêu và Bác sĩ Trần Hữu Di.
Theo các vị cao niên, từ thời Pháp thuộc, vú sữa gắn với “biệt danh” Lò Rèn đã có ở vùng đất Vĩnh Kim; và câu chuyện về xuất xứ của giống cây này có đôi chút khác biệt. Theo cụ Trương Hồng Sơn, người quê ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, cụ đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của cây ăn trái đặc sản quê hương - cây vú sữa Lò Rèn.
Ông kể rằng, lúc lên 10 tuổi, ông đã thấy người ta trồng vú sữa Lò Rèn. Lúc đó, chỉ có vài hộ trồng, chỉ để ăn, biếu tặng, do kỹ thuật trồng, chiết nhánh hạn chế. Lớn lên, ông mới có dịp tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của nó. Người đầu tiên trồng giống vú sữa này ở trong vùng là ông thợ rèn ở Long Hưng.
Vào những năm 20 của thế kỷ trước, trong một lần ở nhà ông Huyện Trụ (xã Long Hưng), khách mời đến dự tiệc mang tặng mấy trái vú sữa. Ông Huyện Trụ thấy trái lạ, bổ ra ăn thấy có dòng nước trắng đục như sữa chảy ra, vị ngọt thanh, ăn vào rất ngon, bèn giữ hạt đưa cho các tá điền trồng thử. Trong số những người trồng, chỉ duy nhất có ông thợ rèn Hồ Văn Lễ là lên cây, phát triển rất nhanh, cành lá sum sê bên cạnh cái lò rèn dao, cuốc, xẻng…
Trong một lần đến nhà ông thợ rèn, ông chủ Thu - sui của ông thợ rèn (ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim), là thầy thuốc Đông y, xin giống về trồng. Do hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người, nên không lâu sau khi trồng, dân trong vùng biết nhà ông có giống cây quý đã tìm đến xin giống về trồng. Mỗi khi người nào hỏi: Giống cây này ở đâu mà có?
Ông chủ Thu liền bảo: “Ở dưới ông lò rèn”. Dần theo thời gian, người ta lược bớt từ cho ngắn gọn và cụm từ “vú sữa Lò Rèn” có từ đó đến bây giờ.
Vụ thảm sát tại Chợ Giữa (Tiền Giang) không thể nào phai nhòa trong tâm khảm của người dân Vĩnh Kim, mặc dù thời gian đã trôi qua khá lâu. Sau Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (ngày 23-11-1940) làm rung chuyển bộ máy chính quyền thống trị của thực dân Pháp, với lần đầu tiên lá Cờ đỏ sao vàng được tung bay trên nóc đình Long Hưng, giặc Pháp đã thực hiện một chính sách đàn áp rất tàn bạo ở các xã có phong trào khởi nghĩa, trong số đó có làng Vĩnh Kim.
Vào ngày 3-12-1940, quân Pháp đã dùng ca nô, tàu chiến, máy bay cùng lính bộ binh càn quét vào các làng Phước Thạnh, Long Hưng, Đông Hòa, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Bình Trưng nhất là Vĩnh Kim - là nơi mà quân Pháp cho là tập trung phiến loạn. Tại nơi đây, chúng đã dùng 2 quả bom để bỏ xuống Chợ Giữa trong lúc đông người đang nhóm chợ, làm hơn 200 người dân vô tội bị chết.