Đây là nội dung chính được chia sẻ tại Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo trong quý I/2023, và phương hướng điều hành xuất gạo thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, ngày 26/4.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD; tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong quý I/2023; đạt gần 1,57 triệu tấn, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ đến từ thị trường khu vực Đông Nam Á (Philippines tăng 33%; Singapore tăng 30,7%) mà còn từ thị trường khu vực Đông Á (Trung Quốc tăng gần gấp 2 lần; Đài Loan - Trung Quốc tăng gấp 3 lần) so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) trong tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng vẫn đạt 32.000 tấn, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt là các dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao vẫn được châu Âu ưa chuộng và tăng trưởng mạnh, như Hà Lan đạt 4.600 tấn (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022); Ba Lan đạt 1.500 tấn (tăng gấp 2 lần); Bỉ đạt 1.500 tấn (tăng 58,5%).
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cuối tháng 4 dao động 483-487 USD/tấn, tăng khoảng 35 USD so với tháng trước. Nhiều thời điểm trong quý I/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 529 USD/tấn; tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất Nhập Khẩu đánh giá giá gạọ xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong quý I/2023 ở các thị trường truyền thống (Philippines tăng 44,8%; Trung Quốc tăng 119%;) và cả các thị trường tiềm năng như Chile, Singapore...
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến giữa tháng 4, xuất khẩu gạo đạt sản lượng 2,371 triệu tấn, trị giá 1,251 tỷ USD; tăng 33,7% về số lượng và tăng 44,55% về trị giá.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, quý I/2023, giá gạo nội địa cũng tăng từ 100-200 đồng/kg đối với lúa; tăng 200-500 đồng/kg đối với gạo các loại so với thời điểm đầu năm 2023. Mức giá này cũng tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Huỳnh Văn Khỏe - Tổng giám đốc Công ty XNK Đại Dương Xanh cho biết, thị trường xuất khẩu gạo đang tốt. Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để nâng tầm thương hiệu gạo Việt.
Vấn đề mà Đại Dương Xanh đang quan tâm hiện nay là không tìm đủ lượng gạo ngon, chất lượng để xuất khẩu. "Đây là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp khác chứ không riêng gì chúng tôi", ông Khỏe nói.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho rằng, để làm thương mại, doanh nghiệp phải có nguồn hàng ổn định. Việc định hướng sản xuất theo thị trường là chuyện không mới nhưng làm để tăng cường liên kết với nông dân là không dễ.
Theo đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc, việc chính mà doanh nghiệp quan tâm là thị trường cần gì. Nghĩa là bán cái thị trường cần chứ không phải cái mà nông dân trong nước đang có.
Ngoài việc đảm bảo lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp phải tự giải quyết khó khăn để tồn tại. Xuất khẩu gạo Việt Nam cần đảm bảo hơn nữa về chất lượng hàng hóa, giữ uy tín quốc gia trên thị trường thế giới, đơn vị này cho biết.
Ông Phạm Thanh Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng cho rằng thị trường xuất khẩu gạo hiện nay có nhiều cơ hội hơn là thách thức.
Tuy nhiên, nếu không có giải pháp gắn kết nông dân với doanh nghiệp, dù đơn hàng xuất khẩu gạo nhiều thì giá trị thu về cho ngành hàng cũng không bao nhiêu.
Theo ông Bình, việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn không thể do nông dân hay chính quyền địa phương thực hiện mà doanh nghiệp phải đi đầu, từ đó nông dân làm theo. Thực tế, nông dân đang rất muốn có cánh đồng lớn liên kết để làm theo nhưng nhìn mãi xung qunah không thấy đâu.
Nhiều năm nay, những đơn vị như Trung An, Lộc Trời vẫn nỗ lực liên kết với nông dân làm gạo chất lượng cao để xuất khẩu. "Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam cần nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân hơn nữa", ông Bình nói.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, khâu kết nối doanh nghiệp với nguồn cung trong nước cho xuất khẩu gạo hiện nay còn bị động.
Theo thứ trưởng Tân, nông dân không thể ra nước ngoài nắm thông tin. Việc này phải do doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đầu tư liên kết, phát triển vùng nguyên liệu.
"Từ chất lượng đến định hướng xuất khẩu gạo đều cần tính chủ động rất cao của doanh nghiệp", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đề nghị các ngành liên quan cần dành khoản kinh phí đáng kể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
"Thương hiệu mà mất thì chất lượng lượng bị chèn ép, thị trường sụt giảm và kéo theo nhiều hệ lụy", Thứ trưởng Tân chia sẻ.