Tại Hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050”, các chuyên gia cho rằng công nghiệp vẫn là ngành trọng điểm tại thành phố. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hiện nay cần theo xu hướng mới, để khai thác tối đa quỹ đất hạn hẹp.
Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM chỉ ra thực trạng phát triển công nghiệp của cả nước tăng trưởng nhanh trong những năm qua. Đặc biệt, mức tăng bình quân chung cả nước nhanh hơn TP.HCM.
Có một thực tế là tỷ trọng công nghiệp TP.HCM trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần. Năm 2010, công nghiệp TP.HCM chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%.
TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết những hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, đã ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp TP.HCM.
Kết quả nghiên cứu của Viện này chỉ ra, TP.HCM đứng trước những thách thức lớn về quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Diện tích đất sạch cho phát triển công nghiệp còn thấp, một số khu công nghiệp được quy hoạch nhưng khó triển khai thực hiện, đang được đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch, đồng thời đề nghị bổ sung một số khu công nghiệp mới nhằm đảm bảo quy mô diện tích theo quy hoạch.
Sự hạn chế về diện tích đất khu công nghiệp so với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt những dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, đòi hỏi nhiều diện tích. Điều này đặt ra yêu cầu phát triển các khu công nghiệp mới cũng như đổi mới phương thức thu hút đầu tư, theo hướng thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch sản xuất ra các tỉnh cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất công nghiệp còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp Thành phố.
Theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, thực trạng phát triển công nghiệp TP và cả nước đặt ra yêu cầu về định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM trong thời gian tới.
Cụ thể, TP.HCM nên tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của thành phố vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.
Theo PGS.TS Lại Quốc Đạt, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, các ngành công nghiệp có thế mạnh và chiếm tỷ trọng cao của TP.HCM là công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp cao su nhựa. Trong bối cảnh hiện nay và xu thế trong thời gian tới, các ngành công nghiệp này của TP.HCM cũng cần chuyển đổi, thích nghi để gia tăng giá trị.
Với ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, theo ông Đạt, đây là ngành TP.HCM có thế mạnh lớn. Ông gợi ý với nhóm sản xuất chế biến tối thiểu (sơ chế), TP.HCM nên đầu tư giải pháp công nghệ, chuyển giao cho các địa phương ngay tại vùng nguyên liệu thực hiện. Còn nhóm công nghiệp chế biến sâu có lợi thế xuất khẩu nên đầu tư vào hoạt động R&D.
Ngành cơ khí - tự động hóa, nên tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ như công nghệ khuôn mẫu, công nghệ in 3D, ứng dụng IoT, AI. Theo chuyên gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ là bệ đỡ cho ngành cơ khí - tự động hóa. Còn cao su - nhựa, tập trung vào vật tư y tế, vật liệu composite…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng định hướng của TP.HCM là dù hướng đến phát triển hiện đại, công nghệ cao, nhưng vẫn đặt trọng tâm cho phát triển sản xuất.
Theo ông Hoan, ngành công nghiệp sản xuất của thành phố đang bị lạc hậu, tỷ trọng thâm dụng lao động cao, giá trị gia tăng thấp. Do vậy, cần thiết phải thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố trong việc chuyển đổi sản xuất công nghiệp.