Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những tưởng Covid-19 đi qua, khó khăn mất thu nhập, thất nghiệp sẽ bị bỏ lại sau lưng nhiều gia đình. Nhưng, hàng ngàn người lao động vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng mất việc làm, chới với giữa làn sóng sa thải, bởi doanh nghiệp mắc kẹt giữa khủng hoảng thiếu đơn hàng, lãi suất tăng nóng trong khi giá nguyên vật liệu tăng mạnh nhưng sức mua gần như đứng lại.
Loạt bài Bất ổn thị trường lao động đầu năm ở thủ phủ công nghiệp TP.HCM, Đồng Nai của Dân Việt, với những câu chuyện âu lo ghi nhận từ doanh nghiệp, từ người lao động may mắn còn việc làm, và những người vừa mất việc, phần nào cho thấy khó khăn vẫn hiện diện trước mắt.
Bài 1: Công nhân, chủ doanh nghiệp quay cuồng trong làn sóng sa thải
Chưa bao giờ công nhân tại các khu công nghiệp ở TP.HCM thường trực nỗi lo mất việc làm như hiện nay. Làn sóng cắt giảm lao động được dự báo có thể chưa dừng lại, do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp da giày, dệt may đang thiếu đơn hàng trầm trọng.
Hơn 16h, công nhân Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, TP.HCM bắt đầu đổ ra các cổng trên quốc lộ 1, đường Trần Văn Giàu. Bao vây các cổng là những chợ chồm hổm, người bán đã bày sẵn rau củ, thịt cá chờ công nhân tan ca.
“Mồng tơi, rau dền 7.000 đồng/bó. Cá lóc đồng 40.000 đồng một con, siêu rẻ, siêu rẻ đây chị ơi…”. Tiếng rao lảnh lót của người bán hàng xung quanh công ty Pou Yuen. Họ trải bạt, đặt rau cải lên trên, bán cá thì có thêm mấy cái khay nhôm, thau nhựa. Công nhân tan ca, hầu hết là phụ nữ, đều ghé vào, mua vài bó rau, trăm gram thịt, con cá về chuẩn bị bữa cơm chiều.
Chợ chồm hổm bao quanh các cổng ra vào, công nhân mua đồ tấp nập với mức giá rất rẻ là cảnh rất đỗi quen thuộc ở Công ty Pou Yuen. Đây là công ty có số lượng công nhân nhiều nhất TP.HCM hiện nay, lên đến hơn 50.000 người. Tuy nhiên, những ngày qua, không khí ở đây dường như có phần bất bình thường và trầm buồn hẳn, bởi hơn 2.300 công nhân vừa mất việc.
“Lần này Pou Yuen cho nghỉ việc nhiều quá. Hồi dịch Covid-19, công nhân chúng tôi vẫn ở lại TP.HCM, sống trong nhà trọ, hết giãn cách thì đi làm chứ không dám tự nghỉ việc. Bởi nghỉ rồi thì lấy gì mà ăn. Nay Pou Yuen bắt đầu cho nghỉ, chúng tôi rất lo”, chị Hà có 10 năm làm tại Pou Yuen, nói với Dân Việt.
Việc sa thải công nhân là chuyện chẳng đặng đừng, bởi khi không có đơn hàng, doanh nghiệp đã phải xoay sở bằng nhiều cách. Thời gian đầu là cắt giảm giờ làm, làm luân phiên, khi không thể gồng nổi mới buộc phải cho công nhân nghỉ việc.
Nỗi lo của chị Hà là có cơ sở. Cuối năm ngoái, Pou Yuen bắt đầu cho công nhân làm việc luân phiên vì thiếu đơn hàng, nhưng công ty vẫn đảm bảo công việc cho tất cả. Thời điểm đó, Pou Yuen cho biết chưa có kế hoạch cắt giảm nhân sự và cố gắng tìm kiếm đơn hàng mới. Nhưng sang đầu năm nay, tình hình đã thay đổi. Ngay dãy nhà trọ của chị Hà, nhiều công nhân cũng đang thất nghiệp.
“1-2 chị ở đầu dãy trọ, cùng làm Pou Yuen luôn vừa bị cho nghỉ. Chưa kể ở đây nhiều công ty lắm, nhiều người đang thất nghiệp mà kiếm việc lúc này khó lắm, xin nhưng không ai nhận”, chị Hà lo âu.
Làn sóng công nhân mất việc tại TP.HCM rục rịch từ cuối năm 2022, khi một loạt doanh nghiệp dệt may, da giày thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm, sa thải người lao động.
Mở đầu làn sóng này là gần 1.200 công nhân công ty Tỷ Hùng (quận Bình Tân) mất việc vào đầu tháng 12/2022. Công ty 100% vốn Đài Loan này hoạt động tại TP.HCM gần 25 năm, có quy mô khoảng 1.800 lao động, chuyên sản xuất giày xuất khẩu.
Đại diện doanh nghiệp cho biết đối tác nhập khẩu tại châu Âu bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nên không ký đơn hàng. Dù đã tìm đủ biện pháp nhưng không thể gồng gánh nổi, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp khối sản xuất và dừng hoạt động số đơn vị, phải chấm dứt hợp đồng lao động với 2/3 công nhân.
Sau Tỷ Hùng, một loạt doanh nghiệp khác cũng thông báo sa thải công nhân vì thiếu đơn hàng. “Nóng” nhất vẫn là các doanh nghiệp địa bàn quận Bình Tân, bởi mật độ các nhà máy, xí nghiệp tại quận này thuộc nhóm cao nhất TP.HCM.
Ở phía Tây Bắc thành phố, làn sóng doanh nghiệp sa thải cũng khiến nhiều công nhân lo lắng. Tuần đầu tháng 11/2022, Công ty Sun Kyoung Việt Nam (quận 12) chấm dứt hợp đồng với hơn 800 công nhân. Cũng ngay tháng 12, Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), 100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu, cắt giảm gần 1.500 lao động.
TP.HCM cuối năm ngoái ghi nhận hơn 110.000 lao động mất và thiếu việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM cho biết, có gần 6.000 công nhân của 51 doanh nghiệp tại 17 khu công nghiệp - khu chế xuất thành phố bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, con số trên có thể chưa phản ảnh đúng thực trạng, bởi số lượng người lao động, công nhân bị mất việc thực tế cao hơn.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, có hơn 491.000 người lao động bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương, 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động, hơn 48.600 người mất việc.
Đáng chú ý, lao động trong doanh nghiệp FDI chiếm 75% tổng số người bị ảnh hưởng, tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam, như TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang… Một loạt doanh nghiệp sa thải người lao động với số lượng lớn từ vài trăm công nhân trở lên tại TP.HCM cũng là các doanh nghiệp FDI có vốn từ Đài Loan, Hàn Quốc.
Số liệu thống kê mới nhất của Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp ở thành phố báo giảm hơn 34.000 người, con số này chưa bao gồm hơn 2.000 công nhân Pou Yuen Việt Nam mất việc.
Từ sau Tết Quý Mão đến nay, công nhân khối dệt may, da giày, đồ gỗ - nội thất bồn chồn giữa làn sóng mất việc và có nguy cơ mất việc. Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết vẫn đang thiếu đơn hàng. Đối tác nước ngoài, nhất là tại các thị trường Âu - Mỹ hủy đơn, không đặt đơn hàng mới do tồn kho, sức mua giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Bà Đỗ Thị Kim Loan - Tổng Giám đốc Công ty Sao Nam chuyên về xuất khẩu gỗ, cho biết thị trường xuất khẩu chính của công ty là Mỹ, chiếm đến 90% tổng lượng hàng xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, nhu cầu đồ gỗ, nội thất tại Mỹ đang giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2023. Lượng đơn hàng của công ty chỉ khoảng 60-65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quá khó khăn, công ty phải chật vật ở một số thị trường khác ngoài Mỹ, để có đơn hàng. Tuy nhiên, bức tranh ngành gỗ theo các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đầu ngành, thì tương lai vẫn khó đoán định. Sau dịch Covid-19, đơn hàng tăng vọt vì có nhu cầu, nhưng chỉ qua được một đợt - khoảng 2 quý, thì bắt đầu khủng hoảng do dư thừa trong bối cảnh thế giới thắt chặt chi tiêu.
Ở ngành dệt may, da giày, Pou Yuen là doanh nghiệp gia công có số lượng công nhân lớn nhất TP.HCM. Sau thời gian cho khoảng 20.000 công nhân nghỉ việc luân phiên vào cuối năm ngoái vì thiếu đơn hàng, đến đầu năm nay, tình hình tiếp tục xấu hơn, doanh nghiệp này đi đến quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với hàng ngàn công nhân.
Đại diện Pou Yuen bình luận khó khăn mà công ty đang gặp phải là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM. Do đó, rất khó để đưa ra dự báo trong thời gian tới.
Theo các doanh nghiệp, việc sa thải công nhân là chuyện chẳng đặng đừng, bởi khi không có đơn hàng, họ đã phải xoay sở bằng nhiều cách. Thời gian đầu là cắt giảm giờ làm, cho làm việc luân phiên, khi không thể gồng nổi trong bối cảnh không sáng hơn, doanh nghiệp mới buộc phải cho công nhân nghỉ việc, hoặc thậm chí đi đến bước đường cùng: giải thể công ty.
Dệt may, da giày, nội thất là những ngành sử dụng nhiều lao động bậc nhất tại TP.HCM. Khi đơn hàng vẫn thiếu và chưa biết khi nào phục hồi trở lại, nguy cơ mất việc vẫn đang tiếp tục lơ lửng trên đầu hàng chục nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy.
Trong báo cáo của Cục thống kê TP.HCM, hai tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của 2 nhóm ngành gỗ - nội thất và dệt may gia giày giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm đến 40%, sản xuất trang phục giảm gần 21%.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, xác nhận 2 thị trường xuất khẩu chính của dệt may là châu Âu giảm đến 60%, Mỹ giảm 30-40%.
“Tồn kho tăng lên chiếm 20 - 25%, dẫn đến quý IV/2022, bước sang quý I/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới”, ông Hòa nói.
Với gỗ - nội thất, tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp, ông Hòa cho biết đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng. Chỉ 10% doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM còn được 50% đơn hàng. Có khoảng 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng; số doanh nghiệp còn lại là không có đơn. Do tồn kho tăng cao, doanh nghiệp gỗ đang thiếu hụt dòng tiền trầm trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.