Mở nút thắt thị trường lao động ở thủ phủ công nghiệp -Bài 3: Công nhân quay cuồng tìm việc, doanh nghiệp tuyển không ra

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 24/03/2023 10:24 AM (GMT+7)
Nhiều công nhân mất việc chật vật tìm việc làm mới cả tháng qua, nhưng không được nhận. Trong khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lại không dễ tìm được người. Vì sao vậy?
Bình luận 0

Có một thực tế là không phải tất cả doanh nghiệp may mặc, da giày đều thiếu đơn hàng. Một số nơi cho biết, bằng nhiều cách xoay xở như tìm kiếm thêm thị trường mới thay thế, họ vẫn có đơn hàng trong bối cảnh khó khăn chung.

Các doanh nghiệp này khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nhận công nhân bị cắt hợp đồng từ các công ty khác, nhưng việc tuyển dụng lại không dễ như hình dung.

Tâm tư của công nhân mất việc

Sau một ngày đi hết xưởng da giày này đến cơ sở sản xuất khác trên địa bàn quận Bình Tân - TP.HCM để xin việc, chị Võ Thị Phượng lại trở về căn phòng trọ nhỏ xíu chưa đến 20m2. Phòng trọ của chị cách Công ty Pou Yuen không xa.

Loạt bài công nhân - Bài tiếp: Công nhân cuống cuồng tìm việc, doanh nghiệp lại không tuyển được, vì sao? - Ảnh 1.

Công nhân Pou Yuen giờ tan ca. Ảnh: Hồng Phúc

Cuối tháng 2, chị Phượng nằm trong danh sách hơn 2.300 công nhân Pou Yuen mất việc. Từ ngày không đến xưởng, chưa hôm nào chị thôi nghĩ về thời gian sắp tới, bởi còn mẹ già ở quê Bến Tre và đứa con gái 17 tuổi nghỉ học sớm, theo mẹ lên TP.HCM cũng chưa ai nhận phụ chạy bàn, phục vụ quán.

“Ngày nào tôi cũng đi tìm việc nhưng người ta không nhận. Nơi thì nói mình lớn tuổi rồi, nơi thì không có đơn hàng. Công nhân của họ cũng đang thất nghiệp nên không thể nhận mình được”, chị Phượng rầu rĩ nói với PV Dân Việt.

Chị Phượng năm nay 45 tuổi, có gần 20 năm làm tại Pou Yuen. Cùng đợt bị cho thôi việc với chị, 83% là nữ. Nhóm trên 40 tuổi chiếm 54%, độ tuổi từ 30-40 là 39%. Gần một nửa số này có thời gian làm việc 10-15 năm, thâm niên 15 năm trở lên chiếm 40%.

Trong làn sóng công nhân đang mất việc, chị Phượng cho biết chỉ muốn tìm công việc “làm ngày nào ăn ngày nấy”, tốt nhất liên quan nghề da giày như trước, để không bỡ ngỡ. Nếu vẫn thất nghiệp, không còn cách nào khác, chị sẽ đi xin rửa chén, phụ quán cơm.

Hỏi chị nếu có doanh nghiệp ngỏ ý muốn tuyển làm lâu dài, công việc tương tự tại Pou Yuen, chị tính sao? Chị thổ lộ: “Do đã lớn tuổi, tôi chỉ muốn làm thời vụ, khỏi phải ký hợp đồng, để sau 1 năm nữa rút bảo hiểm xã hội một lần, không đóng bảo hiểm nữa. Ông Chín nghỉ cùng đợt cũng đang tìm việc tạm nửa tháng nay. Hầu hết công nhân lớn tuổi, chúng tôi muốn rút bảo hiểm xã hội chứ không đóng tiếp”.

Chị Phượng dự định gửi tiết kiệm 140 triệu đồng tiền Pou Yuen hỗ trợ khi cho thôi việc, cộng thêm số tiền bảo hiểm xã hội nhận trong năm tới, để sửa căn nhà ở quê, vì bây giờ nhìn đâu cũng thấy dột nát. Chị không muốn đóng bảo hiểm xã hội nữa mà muốn nhận “một cục tiền” cho an toàn.

Loạt bài công nhân - Bài tiếp: Công nhân cuống cuồng tìm việc, doanh nghiệp lại không tuyển được, vì sao? - Ảnh 3.

Cuộc sống của công nhân trong căn phòng trọ hơn 10m2. Ảnh: H.Phúc

Cách phòng trọ của chị Phượng hơn 1km, xóm trọ công nhân khu phố 2, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, buổi chiều giữa tháng 3 buồn xơ xác. Tiệm tạp hóa cuối dãy trọ của chị Lê Thị Hoa (48 tuổi) vắng tanh, cả ngày mới bán được vài gói mì tôm.

Chị Hoa nghỉ việc Pou Yuen 3 năm trước, cũng trong một đợt cắt giảm lao động. Không tìm công việc mới ổn định tại các công ty, chị chọn ai thuê gì làm nấy để 1 năm sau rút bảo hiểm xã hội.

“Tới tuổi này rồi, ai cũng chờ rút bảo hiểm xã hội thôi. Nhận xong còn có một số vốn để làm gì thì làm. Tôi lãnh được hơn 40 triệu, mua đồ về bán tạp hóa  ngay nhà trọ luôn. Hai năm qua dịch giã, công nhân tiền không có, còn đang lo thất nghiệp nên giờ ế thảm”. Chị Hoa nói với giọng buồn, nhẩm tính không biết mình còn lại bao nhiêu vốn liếng, khi ôm hết tiền bảo hiểm xã hội để mở tiệm tạp hóa.

Tuyển dụng lại công nhân mất việc cũng “trần ai”

Dù rất nhiều công nhân lành nghề đang mất việc làm, cần công việc mới để trang trải giữa lúc hàng ăn uống, tiêu dùng tăng mạnh từ trước Tết, tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng không dễ tuyển được công nhân vừa mất việc này. Lý do đưa ra để lý giải là nhu cầu hai bên… không khớp nhau.

Ông Bùi Văn Duy, phụ trách bộ phận tuyển dụng của Thuận Phương Group, công ty chuyên về may mặc tại quận 6, xác nhận để tuyển được công nhân vừa mất việc rất “trần ai”. Thậm chí, bộ phận nhân sự công ty cất công đến nhà máy, khu trọ của công nhân mất việc để tư vấn, nhưng cũng không hiệu quả.

Qua tìm hiểu tâm tư, ông thấy nguyên nhân chính là công nhân có tâm lý muốn tìm việc thời vụ để nhận trợ cấp thất nghiệp, chờ đủ 1 năm để rút bảo hiểm xã hội một lần theo quy định.

Tại các quận 12, quận Bình Tân, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Loạt bài công nhân - Bài tiếp: Công nhân cuống cuồng tìm việc, doanh nghiệp lại không tuyển được, vì sao? - Ảnh 4.

Người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần tại BHXH TP.HCM. Ảnh: H.Phúc

Một khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (ScocialLife) năm 2022 về lao động di cư bị tác động bởi Covid-19, cho biết hơn 50% trong tổng số 1.200 người lao động tham gia khảo sát có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc. Gần một nửa sẽ dùng số tiền này cho chi tiêu trong gia đình.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện ScocialLife, cho rằng không phải công nhân nào cũng có khả năng sử dụng tiền hỗ trợ hiệu quả, kể cả làm vốn kinh doanh.

Theo ông Lộc, thực tế, nhiều công nhân sau khi nhận các khoản hỗ trợ thì nhanh chóng tiêu tán hết. Công nhân lớn tuổi sau khi mất việc, chấp nhận làm ở những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, và hầu hết các cơ sở này có điều kiện sản xuất tệ hơn nơi làm việc trước. Việc chấp nhận làm việc ở cơ sở nhỏ lẻ, chờ rút bảo hiểm xã hội với công nhân, đều rất rủi ro.

Trong bối cảnh đơn hàng chưa thể phục hồi do phụ thuộc vào kinh tế thế giới, Viện trưởng Viện ScocialLife cho rằng thị trường nội địa đang là điểm sáng của nền kinh tế.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy các ngành sản xuất đồ uống, lương thực thực phẩm và các ngành phục vụ tiêu dùng nội địa vẫn tăng trưởng trong bối cảnh dệt may, da giày đi xuống.

Ông cho rằng nhóm lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu, yêu cầu kỹ năng phù hợp với người lao động bị mất việc. Tuy các cơ sở tuyển dụng ít hơn, nhưng quy mô các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước rất lớn, trước mắt sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động mất việc.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh số lượng công nhân hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi hưu hiện khá lớn, sau giai đoạn dài kinh tế Việt Nam tập trung nhiều vào những ngành thâm dụng lao động. Người lao động lớn tuổi chiếm phần lớn trong làn sóng mất việc thời gian qua. Về lâu dài, chính sách cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó, giảm tổn thương cho người lao động, tạo điều kiện cho họ quay trở lại thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem