Theo ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, hiện nay trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa rộ, mật độ phổ biến 0,5 - 2 con/m2, nơi cao 5 - 7 con/m2, cục bộ 15 -20 con/m2.
Mật độ trứng phổ biến 15 - 30quả/m2, nơi cao 50 - 100 quả/m2, cục bộ 150 quả/m2 (cao gấp 2 - 3 lần cùng kỳ năm trước); mật độ trứng và sâu sẽ tăng trong những ngày tới.
Sâu non lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 2 - 7/5, mật độ sâu phổ biến 30 - 70 con/m2, nơi cao 200 - 300 con/m2, cục bộ > 500 con/m2, phân bố trên diện rộng lúa đại trà.
"Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, hại trực tiếp tới bộ lá đòng của cây lúa. Do đó, nếu không tổ chức phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa", ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) nở rộ 28/4 - 5/5 trùng với thời điểm sâu cuốn lá nhỏ nở rộ, dự kiến mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ > 3.000 con/m2.
Theo đó, rầy lứa 2 có mật độ cao chủ yếu ở các huyện phía Nam tỉnh, phía Bắc tỉnh gây hại cục bộ. Bệnh khô vằn đã xuất hiện và phát triển trên tất cả các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 7 - 10%, cao 30 - 40%, cục bộ > 50%. Mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước. Bệnh sẽ tiếp tục lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ.
Ngoài ra, lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma) đang tiếp tục phát sinh và gây hại với mức độ tương đương cùng kỳ vụ trước.
Dự kiến, thời gian tới thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đợt không khí lạnh kèm mưa, ẩm độ không khí cao, trùng vào giai đoạn lúa làm đòng - trỗ bông là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ bùng phát và gây hại diện rộng.
Trước tình hình trên, ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các bà con nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa, xác định thời điểm lúa trỗ bông, lựa chọn loại thuốc phun và thời điểm phun thuốc đạt hiệu quả nhất.
Đặc biệt, không bón phân Urê khi lúa ôm đòng - sắp trỗ để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá trong điều kiện gặp mưa to, gió lớn...
Theo ông Chính, người dân cần tổ chức đợt cao điểm phun trừ các đối tượng dịch hại. Cụ thể, phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tập trung từ ngày 2 - 7/5 cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên. Sau phun 5 ngày nếu mật độ sâu sống ≥ 50 con/m2 cần phải phun lại.
Trừ rầy lứa 2 kết hợp với trừ sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích có mật độ rầy ≥ 30 con/khóm (1.000 con/m2). Sau 3 ngày phun thuốc, nếu mật độ rầy còn trên 30 con/khóm (1.000 con/m2) phải phun lại.
Phun trừ bệnh khô vằn cho những diện tích bệnh xuất hiện hoặc đã phun nhưng bệnh chưa dừng.
Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lúc lúa trỗ 3 - 5% số bông cho các giống nhiễm như: BC15, Nếp, Khang Dân 18, TBR225, Q5, QR1, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Phúc Thái 168... đặc biệt là trà lúa trỗ bông trước ngày 10/5, những diện đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa.
"Không nên sử dụng loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông do hiệu lực phòng trừ kém", ông Chính khuyến cáo.
Ông Chính lưu ý, nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa phải phun trừ lại.
Ngoài ra theo dõi, phòng trừ kịp thời sâu đục thân 2 chấm trên trà lúa trỗ muộn sau ngày 15/5 nơi có nguồn sâu cao.
"Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá do hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy không nên phun thuốc để phòng trừ bệnh này. Nếu phát hiện bệnh, cần giữ đủ nước trong ruộng và không nên bón phân hay phun thuốc kích thích sinh trưởng", ông Chính nói.