Vua Lê Thái Tổ phong "trầu tiến vua”, dòng họ Phạm Công ở làng cổ của Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm

Tập Thoả Thứ năm, ngày 27/04/2023 05:11 AM (GMT+7)
Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” cho gia tộc Phạm Công, ngành nghề trồng trầu không. Được vua Lê Thái Tổ đặt tên "trầu tiến vua”, dòng họ Phạm Công nói riêng và dân làng cổ Văn Sơn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) nói chung tự hào và phát triển nghề trồng trầu cho đến ngày nay.
Bình luận 0

Clip: Cây trầu không đã gắn bó với dòng họ Phạm Công hàng trăm năm nay tại làng cổ Văn Sơn, nay thuộc xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

"Trầu tiến vua", báu vật dòng họ Phạm Công ở làng cổ Văn Sơn

Làng Văn Sơn của xã Kiều Mộc xưa (nay là xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) là 1 ngôi làng cổ, ở vùng phên dậu của nước Đại Việt xưa. Làng quần tụ dưới chân núi Móc, nơi đây hội tụ những nguồn khí mà không nơi nào có, nhờ thuận khí thiên, khí địa hợp khí nhân tạo nên dương khí vùng đất này rất vượng, cái tên rất nhân văn làng Văn Sơn đã nói lên tất cả.

Được vua Lê Lợi phong tặng trầu “tiến vua”, 1 làng quê ở Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm nay - Ảnh 2.

Ông Phạm Công Nhứ với “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” và cúp do Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng. Ảnh: PV

Tại đây, những người con của các dòng họ như: Phạm Công, Nguyễn Bá, Nguyễn Công, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Ngô... bao đời nay luôn trung quân ái quốc, phò minh quân, dựng nước, diệt giặc, diệt gian thần... trong những những người con rạng danh của vùng quê ấy có danh tướng Phạm Khắc Luận người cùng Lê Khôi phò Lê Lợi đánh giặc Minh xâm lược vào đầu thế kỷ thứ 15.

Sau khi đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ, danh tướng Luận được vua Lê Lợi phong làm quan dưới triều, xem ông như người trong hoàng tộc, đổi tên cho ông từ Phạm Khắc Luận thành Phạm Công Luận.

Được vua Lê Lợi phong tặng trầu “tiến vua”, 1 làng quê ở Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm nay - Ảnh 3.

Vườn trầu "tiến vua" xanh mướt, được các con, cháu dòng họ Phạm Công trồng ở làng cổ Văn Sơn có lá dày, mùi thơm và vị cay đặc trưng. Ảnh: PV

Dòng họ Phạm Khắc (làng Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được vua đổi thành họ Phạm Công từ đó đến nay, danh tướng Phạm Công Luận được các triều đại sau này phong tước Lê triều phó đô tướng, Thái úy Ninh Quốc Công, Dực Bảo Trung Hưng Đoan Túc Tôn Thần, Thượng thượng đẳng thần. Năm 2012, nhà thờ và lăng mộ danh tướng Phạm Công Luận được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Tương truyền rằng, sau khi dòng họ Phạm Khắc được nhà vua đổi thành Họ Phạm Công thì Phạm Công Luận cùng cùng con rể của mình là Tiến sĩ Nguyễn Bá Niên về quê vinh quy bái tổ. Khi trở lại triều đình, dòng họ Phạm Công đã têm 25 miếng trầu cánh phượng, 25 miếng cau bổ để cho Phạm Công Luận và con rể mang đi ăn trên đường và 5 lóng trầu để cho 2 người ra kinh thành trồng ăn đỡ nhớ quê hương...

Được vua Lê Lợi phong tặng trầu “tiến vua”, 1 làng quê ở Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm nay - Ảnh 4.

Theo ông Phạm Công Nhứ, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, bao đời nay, con cháu họ Phạm Công đều trồng trầu "tiến vua". Ảnh: PV

2 cha con Phạm Công Luận quyết định không ăn mà bọc lại đưa ra kinh, lạ thay khi sắp đến kinh thành thì kị mã hí lên 3 tiếng làm người lính giữ trầu thất kinh rơi trầu ra, danh tướng Luận giở ra thấy trầu và cau còn tươi nguyên, 5 lóng trầu lại nứt mầm, bén rễ. Ông mừng lắm, liền đưa đến tiến vua và quỳ xuống nói rằng: "dòng họ thần kính tiến bệ hạ trầu cánh phượng và cau ngũ phúc lâm môn ạ".

Vua Lê Lợi cảm động đỡ Phạm Công Luận dậy ăn ngay miếng trầu cau thấy rất ngon và nói rằng: "Khanh đưa cau trầu của quê hương, dòng họ từ nơi biên ải vạn dặm mà vẫn xanh tươi như mới hái, lại ngon đặc biệt. Quả là thần kỳ, nó chứa đựng tình cảm muôn dân nên Trẫm đặt tên cho tầu tiến vua".

Được vua Lê Lợi phong tặng trầu “tiến vua”, 1 làng quê ở Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm nay - Ảnh 5.

Nghề trồng trầu "tiến vua" của dòng họ Phạm Công ở làng cổ Văn Sơn của Hà Tĩnh Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng cúp. Ảnh: PV

Từ đó dòng họ Phạm Công nói riêng và dân làng Văn Sơn nói chung tự hào và phát triển nghề trồng trầu cho đến ngày nay. về sau cụ Phạm Công Dĩnh hậu duệ Phạm Công Luận làm quan triều đình nhà Nguyễn cũng thường đưa trầu quê hương vào kinh thành dâng vua, vua quan nhà Nguyễn rất thích loại trầu tiến vua này.

Năm 2016, nghề trồng trầu không của dòng họ Phạm Công được Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam". Năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận làng nghề truyền thống đối với làng  không của làng Văn Sơn.

Hiện nay toàn xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) có hơn 100 hộ dân trồng trầu "tiến vua", tập trung chủ yếu ở thôn Văn Sơn (phần lớn là người dòng họ Phạm Công).

Trồng "Trầu tiến vua", đếm lá thu tiền

Bằng những bí quyết riêng, được lưu truyền, trầu "tiến vua" được con, cháu dòng họ Phạm Công trồng lá dày, mùi thơm, vị cay đặc trưng mà không nơi nào có được. Nhờ đó, các gia đình có nguồn thu nhập khá từ công việc trồng cây trầu.

Được vua Lê Lợi phong tặng trầu “tiến vua”, 1 làng quê ở Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm nay - Ảnh 6.

Các hộ dân trong dòng họ Phạm Công đều làm nghề trồng trầu không "tiến vua". Ảnh: PV

Ông Phạm Công Nhứ (70 tuổi, đời thứ 21 của dòng họ Phạm Công), cho biết: "Dòng họ, gia đình tôi có truyền thống trồng trầu không lâu đời, đến đời chúng tôi cũng đang làm công việc này. Nhờ việc trồng trầu "tiến vua" mà chúng tôi có tiền mua sắm đồ đạc, chi tiêu trong gia đình nhất là dịp Tết như thế này".

"Đặc biệt, vào thời thời điểm tháng Chạp, tháng Giêng hàng năm, gia đình tôi bán giá 500.000 -1.000.000đồng /ngày. Cây trầu không mang lại nguồn thu kinh tế cao cho bà con, chỉ với khoảng 200m2 đất trồng trầu không bán lá có thể thu về tiền bằng cả ha lúa", ông Nhứ nói thêm.

Được vua Lê Lợi phong tặng trầu “tiến vua”, 1 làng quê ở Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm nay - Ảnh 7.

Trầu "tiến vua" được bán với giá cao so với trầu bình thường, đặc biệt là ngày lễ, Tết. Ảnh: PV

Ông Nhứ tâm sự, trồng trầu không ngoài công việc tăng thêm thu nhập cho gia đình, chúng tôi xem đây là 1 nghề truyền thống của dòng họ, nên phải bảo ban các con, cháu cùng giữ gìn và phát triển.

Đang bận rộn chăm sóc giàn trầu không, bà Phan Thị Lý (57 tuổi, con dâu dòng họ Phạm Công), nói: "Người trồng trầu "tiến vua" rất kiêng kỵ người lạ vào vườn hái lá trầu, quan niệm rằng nếu không phải chủ vườn mà hái lá, sẽ khiến cây dần bị khô héo và chết đi. Cũng không cho chó, mèo, gà, vịt… vào vườn trầu, có thể mang nguồn bệnh vào cho cây trầu. Lá trầu được chúng tôi bán quanh năm, được giá nhất từ tháng 10 (Al) đến hết tháng Giêng so với thời điểm khác.

Được vua Lê Lợi phong tặng trầu “tiến vua”, 1 làng quê ở Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm nay - Ảnh 8.

Bà Phan Thị Lý (con dâu dòng họ Phạm Công), vinh dự tự hào khi trồng trầu "tiến vua", kinh tế gia đình ngày càng khấm khá lên. Ảnh: PV

Cách chăm sóc trầu cũng rất đơn giản. Trầu được bón phân chuồng 2 lần/năm, tháng 3 và tháng 8 (Al). Ngoài ra, vào mùa nắng nóng phải tưới nước thường xuyên, mùa đông thì ủ gốc ấm để chúng phát triển tốt hơn".

Giá trầu những ngày bình thường 1 tấm trầu (khoảng 50 lá trầu) bán với giá 5.000 – 7.000 đồng/tấm. Thời điểm cuối năm giá trầu "tiến vua" tăng lên 13.000-15.000đồng/tấm, có thời điểm lên đến hơn 30.000 – 35.000đồng/chục trầu, giúp các hộ trồng trầu có nguồn thu tốt.

Được vua Lê Lợi phong tặng trầu “tiến vua”, 1 làng quê ở Hà Tĩnh sống khỏe hàng trăm năm nay - Ảnh 9.

Cây trầu không dòng họ Phạm Công có lá dày, vị cay nồng, từng là sản vật "tiến vua". Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, cho biết: "Làng nghề trồng trầu không ở thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn có tuổi đời hàng trăm năm, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Làng trầu phát triển mạnh, giúp bà con có nguồn thu nhập khá từ đó đời sống cũng được nâng cao".

"Chính quyền xã đã thành lập tổ hợp tác trồng cây trầu với 60 thành viên, từ khi tổ đi vào hoạt động người dân đã dần chuyên nghiệp hóa quy trình nhân giống và chăm sóc, giải quyết việc làm cho hàng chục hội viên và người già. Trong năm nay, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xây dựng hợp tác xã để khai thác hiệu quả thương hiệu trầu không tiến vua mà vua đã ban tặng", ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem