Clip: Độc đáo phiên chợ quê giữa lòng TP. Hà Tĩnh, không chỉ mua hàng mà du khách còn kéo về đây chụp ảnh.
Phục hồi và duy trì phiên chợ quê là nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư nâng cấp cảnh quan, địa chỉ văn hóa, khu vui chơi, giải trí để phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại-dịch vụ".
Phục hồi phiên chợ quê còn là tiếp tục duy trì và nâng cao truyền thống của ông, cha ta để lại, nhằm để giới thiệu hình ảnh quê hương, truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh cần cù, sáng tạo, thật thà, chất phác, mến khách, giỏi về lao động sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản.
Thời gian tới, xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh) tiếp tục phát triển đổi mới, đậm đà bản sắc, hương đồng, gió nội; sinh thái, môi trường trong lành, xứng tầm của một xã nông thôn mới kiểu mẫu, là điểm dừng chân trải nghiệm lý tưởng với quý vị, bạn bè trong và ngoài thành phố.
Chợ quê Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh đã có từ rất lâu, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử nên cũng bị mai một. Việc tái hiện lại hình ảnh chợ quê là việc làm thiết thực, phiên chợ quê truyền thống phải giữ cho được nét mộc mạc, chân quê, gần gũi, mang đậm bản sắc dân tộc; khi phần nhiều món đồ bày bán đều là sản phẩm một nắng hai sương của bà con nơi đây.
Các mặt hàng buôn bán, trao đổi tại chợ quê chủ yếu hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và tiêu dùng của nhân dân. Mặc khác, việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại phiên chợ quê cùng nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Kết nối người sản xuất, hợp tác xã với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Tĩnh.
Chị Nguyễn Thị Trang Nhung -Chủ kinh doanh Bếp Nhung, cho biết: "Hiện nay mua bán hàng hóa mua sắm trực tuyến rất thuận lợi, nhiều mặt hàng, mẫu mã đẹp mắt. Tuy nhiên, phiên chợ quê mang lại nét mộc mạc, bình dị và là đặc trưng văn hóa của vùng miền. Thông qua phiên chợ quê hôm nay, chúng tôi có thể giới thiệu được các món bánh đặc sản của xã Thạch Hạ đến với các du khách".
Một nét đặc trưng nữa của phiên chợ đó là sản phẩm mang đặc trưng của địa phương như: bánh đa, bánh đúc, kẹo, mật, rượu các món ăn dân giã, các sản phẩm Ocop được sản xuất trên địa bàn TP.
Những mặt hàng nông, ngư cụ, đồ da dụng được các tay thợ lành nghề truyền thống làm ra từ tre mây, nứa như: Nơm, Nhủi, dặm, đó,lừ, thúng, mủng, dần, tràng... Cùng các trò vui chơi dân gian như: Đi cầu kiều, đập niêu đất, Ngụp lặn bắt Tôm, cua, cất rớ, nơm cá…
Bà Nguyễn Thị Hường (trú tại xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh), cho biết: "Chợ quê không chỉ là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa mà là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của người dân. Hiện nay, tôi đã lớn tuổi, ít mua bán gì nhưng mong muốn những phiên chợ quê như thế này được mở ra thường xuyên hơn để chúng tôi nhớ về những ký ức đẹp".
Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi mua sắm mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của ngày lễ. Phiên chợ quê còn là sợi dây vô hình giúp cho kết nối, tình làng nghĩa xóm được xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Sông Hàn- Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, cho biết: "Đây là hoạt động đặc sắc được tổ chức trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Phiên chợ sẽ góp phần khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của xã Thạch Hạ".
"Xây dựng nét đẹp và phát triển văn hóa con người Thạch Hạ xứng tầm với sự phát triển chung của con người thành phố trong giai đoạn mới. Khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa con người; nâng cao chất lượng và tầm hiểu biết tôn trọng giá trị của văn hóa, lấy văn hóa làm mục tiêu, động lực cho sự phát triển Kinh tế xã hội theo hướng phù hợp", ông Nguyễn Sông Hàn- Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, nói.