Nếu bạn đến các xã gò đồi thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dễ dàng bắt gặp những rừng cao su, xen lẫn các cánh rừng tràm hay vườn cây ăn quả. Đó là kết quả của một hành trình loay hoay chuyển đổi cây trồng của người dân địa phương khi cây cao su mất giá, dễ gãy đổ do gió bão.
Năm 2020, tôi đi làm chuyên đề về cây cao su bị chặt bỏ, gãy đổ do bão cho một tờ báo. Tôi gặp, hỏi một vài người dân xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế khi chính quyền đưa cây cao su về đây họ có dặn dò, khuyến cáo gì không. Người trồng trả lời rằng chính quyền chỉ bảo "đây là cây trồng tiềm năng", "là vàng trắng người dân nên trồng".
Người dân nghe cán bộ nói vậy cũng vội đặt niềm tin, dù một số vẫn nghi ngờ tính bền vững của loại cây này, nhưng lúc đó họ không có sự lựa chọn nào khác. Người dân lao vào ăn ngủ cùng cây cao su. Những gốc cây bén đất, vượt lên cao chẳng mấy chốc đã phủ tán. Nhưng khi cây bắt đầu lớn cũng là lúc họ gặp một vài sự lo lắng. Một số vườn cây bị gió lốc quật gãy đổ ngang thân. Các chủ vườn bắt đầu lo lắng nhưng họ vẫn tự an ủi mình rằng "đen lắm mới bị".
Cây cao su từ khi trồng cho đến lúc cạo mủ mất đến gần 10 năm. Đó là một sự đánh đổi lớn, nhưng không ai nói với người dân. Trong 10 năm đó, người dân vừa chăm sóc vừa nguyện cầu vườn cây mình không gặp gió bão. Nhưng mưa bão mỗi năm một khắc nghiệt. Vườn cao su của nhà này bị quật đổ đến vườn cây khác bị gãy. Nông dân bất lực, họ không thèm trồng lại, một số bỏ trống đất, một số thay thế cây trồng.
Ngày đưa cây cao su về các vùng đồi núi Thừa Thiên Huế họ hi vọng rằng sẽ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, và đặt niềm tin đây sẽ là một thủ phủ cao su. Nhưng, giờ đây, diện tích cây cao su đã vơi nhiều khi người dân chặt bỏ, bán củi.
Trước khi cây cao su về với xã Phong Mỹ, chính quyền cũng đã từng khuyến khích người dân trồng mía đường. Nhưng, khi lứa mía đầu tiên chưa kịp thu hoạch, Nhà máy chế biến nằm cách đó không xa đã dừng hoạt động không hiểu lý do. Mía thất bại, cây cao su về như một sự cứu rỗi người nông dân. Nhưng niềm vui với loài cây một thời được xem là "vàng trắng" này không tày gang. Gió bão quật đổ, giá thấp khiến nông dân không mặn mòi. Họ chặt phá, chuyển qua trồng tràm, cây ăn trái với một niềm tin, sự hi vọng khác.
Liệu khi bỏ cây cao su, chuyển qua trồng bưởi da xanh người dân có vấp phải cái vòng "luẩn quẩn" được mùa mất giá, được giá mất mùa hay không? Vấn đề này thực ra rất dễ trả lời khi nhìn vào các loài cây trồng khác liên tục rớt giá, bị chặt bỏ từ đầu năm nay.
Người dân đang trồng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo một sự cảm tính, phong trào và không có chiến lược. Thấy cây này năm nay được giá thì trồng, chứ ko thể biết một vài năm sau nó sẽ như thế nào.
Chạy xe từ phía bắc vào thành phố Huế, đến địa phận thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người ngồi bên các rổ nhựa, thúng được kê trên các viên gạch để bán ổi.
Ổi đến mùa phải thu hoạch, nhưng bán sỉ thì không ai mua. Họ nghĩ cách đem ra dọc quốc lộ 1A để bán, với hi vọng mong người qua kẻ về thấy ổi ngon sẽ mua giúp. Ban đầu chỉ một vài người bán, dần lâu cả tuyến đường có trên chục người ngồi bán kiểu vậy. Mỗi người ngồi cách nhau cả trăm mét. Mưa gió, nắng nóng họ đều có cách thích ứng để bám trụ. Người bán ngồi từ mờ sáng đến chiều tối. Khách mua chủ yếu là khách đi xe máy, tiện ghé vào mua một vài ký.
Những quả ổi được kê trên các viên gạch, đá dọc quốc lộ là sản phẩm của người nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Họ, chuyển qua trồng ổi với ước mộng sẽ cho thu nhập khá hơn, nhưng mọi chuyện không như họ nghĩ.
Trong một lần trò chuyện với tôi, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Lam - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế từng nói rằng, bây giờ muốn phát triển cây gì, trồng cây gì chính quyền và các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu thị trường trong 5 năm, 10 năm tới, lúc đó hãy khuyến khích dân trồng.
"Bây giờ chúng ta thấy cây, quả đó có giá cao lại khuyến khích dân trồng mà không tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thì sao mà bền vững được. Tôi ví dụ, 1 giống cây bây giờ có giá trị, trồng mất 5 năm cho thu hoạch nhưng đến lúc đó biết nó còn được giá hay không. Do đó, việc nghiên cứu thị trường rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc phát triển các giống cây phải phù hợp vào thời tiết vùng đó, đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước… còn cứ trồng không theo quy hoạch thì thất bại là điều tất yếu", Tiến sĩ Nguyễn Hồ Lam phân tích.
Việc không đánh giá thị trường dài hạn đã dẫn đến những hậu quả khôn lường mà chúng ta đã từng thấy trong các năm qua. Liên tiếp các mặt hàng nông sản thay nhau xin giải cứu, hoặc là chặt bỏ, cho trâu bò ăn…
Một tháng trước, báo chí liên tục đưa tin về việc người dân một số tỉnh miền Tây ồ ạt bỏ lúa để chuyển sang trồng mít, sầu riêng. Khi những người dân thấy lợi nhuận trước mắt đã liều mình trồng sầu riêng, thì cũng cách đó không xa những vườn cam ở miền Tây đến kỳ thu hoạch, thương lái không thu mua, buộc chủ vườn phải vứt bỏ hàng nghìn tấn.
Mới hôm qua, báo chí lại đưa tin nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang phải bán xoài keo của mình ven đường với giá chỉ 10.000 nghìn đồng/3 kg. Nhưng cái cách bán dọc đường cũng chẳng đem lại hiệu quả bao nhiêu. Nông dân buộc phải chấp nhận chịu lỗ, đem đổ cho lợn ăn.
Những bài học về việc phát triển ồ ạt, không nghiên cứu thị trường dẫn đến cung thừa khiến người trồng lao đao hầu như năm nào cũng diễn ra, không với cây trồng này thì với cây trồng khác. Những hậu quả, sự việc đau lòng đó vẫn chưa được xem là một bài học lớn. Các chính sách của cơ quan chuyên môn vẫn chỉ đang ở mức độ khuyến cáo, cảnh báo người dân bằng văn bản. Chưa có một cơ chế, chính sách gì nặng hơn để tháo gỡ, để buộc người dân từ bỏ những kiểu làm nông nghiệp như vậy ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.