Clip: Đàn tính tẩu món ăn tinh thần của người Thái trên Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Đối với người Thái ở Vàng Pheo, tếng đàn tính tẩu còn thay cho lời tỏ tình của các chàng trai với người mình thương…
Đàn tính tẩu món ăn tinh thần của người Thái
Đàn tính tẩu là nhạc cụ dân tộc đặc trưng của người Thái dọc vùng ven sông Đà, với người Thái ở Vàng Pheo họ trân trọng, lưu giữ nghề làm đàn tính như một nét văn hoá đặc trưng trong đời sống tinh thần.
Ông Nông Văn Cửu, người am hiểu cách làm đàn tính tẩu và hát các điệu hát Then ở bản Vàng Pheo cho biết, từ ngày có bản, có làng, người Thái nơi đây đã biết đến đàn cây đàn tính tẩu. Với người Thái ở Vàng Pheo thì cây đàn tính tẩu như một báu vật ở trong nhà và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Ngày nay, hình ảnh mang đàn tính tẩu đi tỏ tình không còn nhiều, nhưng xưa kia các chàng trai Thái ở Vàng Pheo khi đến tuổi kén vợ đều mang cây đàn tính tẩu tới đầu ngõ của người mình thương để tỏ tình. Tiếng đàn trầm bổng, du dương thay cho lời tỏ tình, các cô gái Thái cũng qua đó tìm được người mình yêu. Theo ông Cửu, nhờ cây đàn tính tẩu mà nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.
Có thể nói, cây đàn tính tầu đã gắn bó theo từng bước thăm trầm của bà con ở Vàng Pheo nói riêng và người dân xã Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) nói chung. Đến Vàng Pheo hôm nay, có thể dễ dàng nhận ra, hầu hết đàn ông ở đây đều biết làm và chơi đàn tính tẩu.
Từ xa xưa, đàn tính tẩu được người dân ở Vàng Pheo làm hoàn toàn thủ công và thật tỷ mỉ trong mỗi công đoạn. Theo những người có kinh nghiệm chia sẻ thì gỗ để làm đàn tính tẩu phải lựa chọn những cây gỗ dẻo dai, sau khi mang về phải xử lý thật kỹ và ngâm nước để chống mối mọt.
Một khâu quan trọng nữa là lựa chọn quả bầu, bầu được cho là ưng ý phải là quả bầu già. Sau khi lựa chọn thì tiến hành cắt bỏ 1/3 quả bầu rồi nạo hết ruột, ngâm vào vôi và để trên gác bếp một thời gian thì bầu mới bền chắc và cho tiếng vang.
Cần đàn tính tẩu giao động từ 80cm – 1m, tuỳ theo sải tay của người chơi đàn. Sau khi cần đàn hoàn thành, sẽ được gắn vào bầu đàn và đánh bóng. Đàn tính tẩu truyền thống thường có 3 dây. Trước đây, dây đàn được lựa chọn là tơ xe, ngày nay bà con ở Vàng Pheo thay tơ xe bằng các loại dây dù hoặc dây cước.
Đàn tính tẩu khi được chế tác khéo léo sẽ bền mãi theo thời gian và cho âm thanh hấp dẫn. Tuổi thọ của cây đàn tính tẩu thường là hàng chục năm; thậm chí lên tới cả trăm năm nếu bảo quản tốt.
Hiện nay, bản Vàng Pheo có 3 tổ hợp tác làm đàn tính tẩu và đàn nhị, các tổ hợp tác này được thành lập và hoạt động từ năm 2019. Mỗi tổ làm đàn tính tẩu có từ 4 đến 5 thành viên là các nghệ nhân trong bản. Việc chế tạo đàn tính tẩu chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ca múa nhạc của bản và gìn giữ bản sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Sản phẩm đàn tính tẩu cũng được bà con bán để làm quà lưu niệm cho du khách khi đến với bản Vàng Pheo. Du khách có thể đặt mua thành phẩm hoặc tự mình hoàn thiện chiếc đàn tính tẩu của riêng mình có sự trợ giúp của các nghệ nhân.
Mỗi cây đàn tính tẩu có giá từ 400 – 500 nghìn đồng, nhờ đó tăng thêm thu nhập cho bà con, giúp các nghệ nhân có thêm điều kiện để gìn giữ bản sắc của dân tộc mình.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Teo Văn Duyên, Trưởng bản Vằng Pheo, xã Mường So, Phong Thổ, Lai Châu hồ hởi cho biết: Việc thành lập tổ hợp tác làm đàn tính tẩu không chỉ giúp người dân trong bản lưu giữ và truyền dậy cho con cháu nghề truyền thống của dân tộc mình, mà còn góp phần xây dựng nét đẹp của bản làng, nâng cao tinh thần đoàn kết cho người dân, tạo sản phẩm văn hóa độc đáo, thu hút khách du lịch, qua đó góp phần phát triển du lịch của địa phương.
Bản Vàng Pheo nổi tiếng với nét văn hoá độc đáo làm đàn tính tẩu, bản sớm trở thành một trong những bản du lịch cộng đồng nổi tiếng của huyện Phong Thổ, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Năm 2012, bản Vàng Pheo được công nhận là bản văn hoá du lịch của tỉnh Lai Châu. Từ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân, bản Vàng Pheo ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách.
Đến với Vàng Pheo hôm nay, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc nên thơ mà còn được khám phá, trải nghiệm nhiều hoạt động gần gũi với cuộc sống thường nhật của bà con dân bản như xe tơ, dệt vải, may trang phục, đan lát, múa quạt, múa xòe và đặc biệt là nghề làm đàn tính tẩu.