Người 60 năm công phu chế tác đàn tính tẩu

San nguyễn Thứ sáu, ngày 03/04/2015 11:35 AM (GMT+7)
Với đồng bào Thái, tính tẩu là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe, những ngày hội chay trong các nghi lễ của các ông Mùn. Nghệ nhân dân gian Nông Văn Nhay, người Thái ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu đã có gần 60 năm nghiên cứu, nghiền ngẫm cây đàn tính tẩu. 
Bình luận 0

Mỗi năm ông làm ra từ 200 – 300 cây đàn, hầu hết đều được mọi người ở khắp nơi nghe tiếng đến mua. “Người Tày, Nùng cũng có đàn tính tẩu, nhưng tính tẩu của người Thái có đặc trưng riêng, cả về cấu tạo lẫn âm thanh. Cây đàn của người Tày, Nùng chỉ có 3 dây, còn người Thái có 2 dây. Vật liệu làm nên chiếc đàn tính tẩu rất đơn giản, dễ kiếm nhưng lại có yêu cầu rất cao”- ông Nhay cho hay.

img
Nghệ nhân Nông Văn Nhay tỉ mỉ làm từ việc lên dây, thử dây và đặc biệt là việc thử âm của chiếc đàn. (S.N)

Theo ông Nhay, đàn tính tẩu có các bộ phận chính là bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô, cần đàn thường làm bằng gỗ dâu, dây đàn thì làm bằng tơ xe. Làm đàn tính tẩu khó nhất là tìm quả bầu. Phải chọn được quả bầu không quá to, cũng không quá nhỏ, phải già, hình dáng bên ngoài phải tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh, như thế đàn mới có âm sắc chuẩn.

Cần đàn (căn tính) làm bằng các loại gỗ dẻo được đẽo công phu, đánh giáp cho bóng. Dùng cây thông đất, cây mỡ, cây xoan hoặc là cây ba gạc là tốt nhất, nhưng phải chặt ngày cuối tháng thì mới không có mọt khoét. Gỗ làm mặt đàn thường được làm bằng gỗ cây vông, có độ dày phù hợp để tạo tiếng vang. Mặt đàn đồng thời là nơi thoát âm, nên nghệ nhân ngoài việc chọn gỗ tốt thì khi khoan lỗ thoát âm cũng cần có những kinh nghiệm phù hợp. Đáy bầu được khoét 4 lỗ để giữ âm hưởng sao cho đều nhau. Mặt đàn (tép tính) được khoét 2 lỗ nhỏ để thoát âm.

Cuối cùng là công đoạn lắp dây đàn. Có hai con dây làm bằng dây cước, trước thì làm bằng dây tơ, tơ phải là tơ mịn, tơ cuối, lấy từ tơ tằm ra, thậm chí có cả tơ lụa lấy sợi càng nhỏ càng tốt sau đó mới se lại.

Tính tẩu có âm sắc êm dịu, thanh thoát, khi thì cao vút, khi thâm trầm. Khi sử dụng, người ta có thể dùng một đoạn tre hoặc ngón trỏ của tay phải để gẩy đàn. “Người làm đàn giỏi không chỉ có đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, có kinh nghiệm chơi đàn. Nên để học được cách làm đàn, người học thường phải mất từ 10 năm trở lên. Cho nên người biết làm đàn cũng không nhiều, nhưng ai đã biết làm, sẽ làm rất giỏi”- ông Nhay chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem