Khởi nghiệp từ hương vị tuổi thơ
Không khó để tìm đến cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng của chị Phước, bởi ngôi nhà nằm ngay tuyến đường chính của thị trấn, lúc nào cũng đông đúc, rôm rả tiếng nói cười và nhất là mùi thơm nức mũi của mẻ kẹo đậu mới ra lò đang toả khắp nơi.
Vừa khuấy đảo nồi kẹo đậu trên bếp, chị Phước vừa kể: "Ngày trước tôi bán cơm ở chợ, nhưng sau này buôn bán ế ẩm, không đủ lo cho các con ăn học. Lúc đó, tôi suy nghĩ tìm nghề gì để kiếm thêm, thì thấy món kẹo đậu phộng đặc sản nức tiếng của địa phương nhưng ít ai còn giữ nghề. Từ đó, tôi tập tành làm kẹo đậu phộng để bán kiếm thêm thu nhập và lưu giữ hương vị đặc trưng của quê nhà".
Thời gian đầu, chị Phước làm vài mẻ kẹo đậu để người thân ăn thử và ai cũng khen ngon. Từ phản hồi của mọi người, chị mạnh dạn đầu tư làm kẹo đậu phộng để bán.
Tuy nhiên, bắt tay vào làm thực tế chị gặp nhiều khó khăn, bởi bánh tráng nướng làm đế trải đậu phộng không thể để lâu, chỉ để 2 ngày là phần đường chảy nước, làm bánh tráng bị cứng và dai.
Để cho ra một chiếc bánh kẹo đậu hoàn thiện, chị phải làm đi làm lại rất nhiều lần, đặt lò làm riêng loại bánh tráng gạo để đảm bảo độ giòn. Sau khi thấy sản phẩm ổn định, chị Phước mới mạnh dạn "thương mại hoá", bán tại chợ và bỏ sỉ cho các cửa hàng tạp hoá, cơ sở bán bánh kẹo trên địa bàn huyện.
Chị Phước cho hay, thời gian đầu chị trải qua rất nhiều lần bị thất bại, khi thì thắng đường ra cát, khi thì bánh bị cứng, chất lượng bánh chưa tốt. Nhưng được mọi người động viên nên chị luôn giữ vững quyết tâm, lấy thất bại làm bài học kinh nghiệm để vượt qua thử thách, kiên trì với công việc này.
Năm 2019, chị quyết định nghỉ bán cơm để tập trung khởi nghiệp với đặc sản kẹo đậu phộng. Từ hoạt động sản xuất cầm chừng do thiếu vốn và thị trường còn nhỏ lẻ, chị Phước đầu tư máy móc cần thiết, mở rộng căn bếp để nâng cao năng suất. Người dân trong và ngoài địa phương dần biết đến sản phẩm kẹo đậu phộng Phước Hiệp Đức và rất ưa thích vì kẹo vừa ngon, vừa giòn và dẻo.
Khi làm kẹo đậu phộng để bán và sản xuất theo một quy trình thì không phải ai cũng làm được. Để có một mẻ bánh thành công cần khá nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm, chị Phước mất nhiều thời gian thử nghiệm mới cho ra một công thức chuẩn xác và riêng biệt. Trong đó, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chú trọng hàng đầu.
Cũng trong năm 2019, chị đăng ký xây dựng kẹo đậu phộng dẻo thành sản phẩm OCOP. Từ đó, chị được các ngành chức năng hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để mua máy móc như: nồi nấu kẹo, máy hút chân không, máy nướng bánh tráng đến khâu quảng bá, bao bì, nhãn mác, hỗ trợ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm….
Việc được hỗ trợ thiết bị máy móc đã góp phần tạo điều kiện để cơ sở của chị nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm bớt nhân công và chi phí sản xuất, tăng cao tính cạnh tranh.
Thu lãi hơn 10 triệu đồng/tháng
Chị Phước cho biết, khâu đầu tiên cũng là khâu đáng lưu ý trong quá trình sản xuất đó là lựa đậu phộng. Chị thu mua nguyên liệu từ nông dân địa phương, đem về loại bỏ những hạt đậu hư, lép, để khi ăn không bị đắng, làm ảnh hưởng đến hương vị của chiếc bánh kẹo.
Đặc biệt, hạt đậu phộng Quảng Nam tuy nhỏ nhưng tròn và chắc, có hương thơm, mùi vị rất riêng biệt, giúp kẹo đậu thêm phần hấp dẫn hơn. Tiếp đến là nướng bánh tráng làm đế đổ kẹo, chuẩn bị đường cát, chanh, gừng, mè.
Chia sẻ về công đoạn quan trọng nhất, chị Phước nói: "Nước đường chính là linh hồn của chiếc bánh kẹo đậu, vì vậy khâu thắng đường rất quan trọng. Đường phải vừa tới thì mới tạo được độ kết dính dẻo, ngược lại, nước đường chưa tới thì kẹo đậu sẽ rời rạc giữa phần đường và đậu.
Trong quá trình nấu nước đường thì tôi thêm một ít nước cốt chanh để đường không bị ra cát. Chuẩn bị sẵn một chén nước và dùng đũa nhỏ vài giọt đường vào bên trong, nếu đường đọng lại ở đáy chén nghĩa là đường đã tới. Còn nếu đường tan ra thì thắng chưa tới".
Để kẹo đậu thơm hơn, chị thêm vào nồi nước đường ít lát gừng tươi. Khi đường tới, hạ lửa nhỏ và cho đậu phộng vào đảo đều tay để mọi thứ hòa quyện vào nhau. Sau 30 phút là thu được hỗn hợp sền sệt gồm đường và đậu rất hấp dẫn.
Khi đổ hỗn hợp ra đế bánh tráng gạo đã được nướng trước đó, thì phải làm thật lẹ tay và khéo léo để trải đều một lớp đậu nhìn vừa đẹp vừa mướt. Chị Phước rắc thêm một lớp mè rang lên trên để chiếc bánh kẹo đậu trông bắt mắt hơn.
"Một mẻ kẹo đậu thành công sẽ hấp dẫn từ màu sắc đến hương vị đặc trưng. Dù để lâu vẫn giữ được độ giòn của bánh tráng và đậu, cắn một chiếc bánh kẹo thì vị ngọt lan toả trong khoang miệng, quyện cùng vị béo bùi và thơm của đậu phộng, mè rang", chị Phước bộc bạch.
Nhờ vào chất lượng uy tín, tiếng lành đồn xa, các đơn "hàng quê" cứ thế ngày càng đi nhiều hơn, được thị trường rất ưa chuộng. Hiện tại, sản phẩm được xuất bán đi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… với giá dao động từ 15.000-25.000 đồng/chiếc bánh (tuỳ kích thước).
Trung bình mỗi tháng, chị Phước xuất bán hơn 21.000 chiếc bánh kẹo đậu, thu lãi hơn 10 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị ngày càng khấm khá hơn, xây được nhà cửa khang trang, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động là chị em phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.
Sản phẩm kẹo đậu phộng dẻo của chị Phước được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2019 và mới được đánh giá, công nhận lại vào năm 2022.