Đến dự Hội nghị có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục PTNT; Chi cục Chăn nuôi Thú y; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản; Doanh nghiệp, đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi; Đài PT Truyền hình tỉnh; Báo Lào Cai; Phòng Nông nghiệp; Trung tâm Dịch vụ nông nghiêp (DVNN) huyện; đại diện ban ngành đoàn thể xã; các hộ thực hiện mô hình và một số hộ nông dân tiêu biểu trên địa bàn một số xã lân cận đến tham quan học tập.
Mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững được triển khai từ tháng 7/2022 đến tháng 4/2023.
Kết quả sau 07 tháng nuôi, tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán đạt 100%. Cụ thể tại xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn quy mô 50 con/16 hộ/4 thôn (Pờ Xí Ngài, Lán Bò, Khâm Dưới, Hỏm Dưới), đàn lợn có trọng lượng bình quân 83 kg/con (đạt 105% so với kế hoạch), sản lượng là 4.150 kg (đạt 119% so với kế hoạch). Với giá lợn hơi 69.000 đồng/kg, tổng thu nhập từ đàn lợn đạt hơn 290 triệu đồng.
Sau khi trừ các chi phí, lãi 59.975.000 đồng; 1 lao động có thể nuôi từ 40-50 con trở lên.
Tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát quy mô 80 con/20 hộ/02 thôn (Trung Hồ và Lò Suối Tùng), đàn lợn có trọng lượng bình quân 75 kg/con, sản lượng 6.000 kg (đạt 107% so với kế hoạch). Tổng thu nhập từ việc bán lợn đạt 420 triệu đồng; sau khi trừ các chi phí, lãi gần 85 triệu đồng, tăng giá trị thu nhập cho người chăn nuôi là 63% so với chăn nuôi đại trà.
Tại xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương quy mô 84 con/20 hộ/ 02 thôn (Lùng Khấu Nhin và Sín Lùng Chải), đàn lợn có trọng lượng bình quân 84 kg/con (đạt 105% so với kế hoạch), sản lượng 7.056 kg (đạt 102% so với kế hoạch).
Với giá lợn hơi 70.000 đồng/kg, đàn lợn nói trên cho tổng thu nhập 493.920.000 đồng. Sau khi trừ chi phí mô hình cho lãi 97.994.400 đồng, tăng giá trị cho người chăn nuôi 76% so với chăn nuôi đại trà và tạo công ăn việc làm ổn định, thay đổi nhận thức của nhân dân về chăn nuôi theo hướng đầu tư thâm canh, an toàn trước nguy cơ dịch bệnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao về kết quả, hiệu quả của mô hình. Theo ghi nhận của các hộ thì việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả dựa vào quản lý cộng đồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đây là cách làm ý nghĩa và rất hiệu quả, lợn nhanh lớn, đặc biệt thay đổi tư duy, nhận thức của người dân vùng cao về phương thức chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường sang hình thức chăn nuôi lợn an toàn sinh học dựa vào quản lý cộng đồng. Qua đó, mô hình góp phần hạn chế rủi ro do dịch bệnh, chất lượng sản phẩm được nâng lên, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chăn nuôi bền vững trước những biến động của thị trường.
Mô hình nuôi lợn đặc sản cũng góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng cao, miền núi, giúp ổn định an sinh xã hội tại địa phương.
Cũng tại hội nghị, chính quyền xã, nông dân cam kết tiếp tục duy trì, phát triển chăn nuôi lợn bản địa theo cách tiếp cận của mô hình.