Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn hơi giảm, ngành chức năng Nam Định khuyến cáo điều gì?

Đ. Lực - M. Chiến Thứ sáu, ngày 07/04/2023 11:27 AM (GMT+7)
Trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định khuyến cáo người dân chủ động nắm bắt thị trường; không nâng đàn, không tăng số đầu lợn, không mở rộng quy mô chăn nuôi…
Bình luận 0

Giá lợn hơi thấp tè, lợn giống "tắc" đầu ra

Liên Minh là một trong những xã có truyền thống chăn nuôi lợn ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thời hoàng kim, hầu như gia đình nào ở địa phương này cũng chăn nuôi lợn, hộ ít thì nuôi 1 - 2 con, hộ nhiều nuôi lên đến hàng trăm con.

Bởi vậy, mà tổng đàn lợn của xã Liên Minh khoảng 5 năm về trước luôn duy trì ổn định khoảng 10.000 con. Nhiều gia đình có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi lợn.

Người chăn nuôi Nam Định cần chủ động nắm bắt thị trường - Ảnh 1.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song gia đình chị Nguyễn Thị Dần (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) vẫn cố gắng bám trụ với nghề chăn nuôi lợn. Ảnh: Mai Chiến.

Tuy nhiên, từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, giá lợn hơi luôn biến động, lao dốc không phanh…, nên tổng đàn lợn của xã Liên Minh giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 800 con.

"Năm 2019, Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ gia đình thiệt hại nặng nề nên đã bỏ hẳn, không nuôi lợn nữa; số ít thì chuyển sang chăn nuôi đối tượng khác. 

Bên cạnh đó, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều người không còn mặn mà với nghề chăn nuôi lợn, do đó tổng đàn lợn của địa phương giảm mạnh", ông Trần Đức Thiện - Chủ tịch UBND xã Liên Minh chia sẻ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Dần (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có khoảng 20 năm trong nghề chăn nuôi lợn. Tổng đàn lợn của gia đình chị luôn ổn định 100 con, cao điểm có thể hơn.

Thu nhập chính của gia đình chị chủ yếu từ chăn nuôi lợn, cá. Thế nhưng, nhiều năm nay chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản không ổn định. Lý do, thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi (cám công nghiệp) tăng phi mã, trong khi đó giá bán tụt giảm mạnh.

Chị Dần tâm sự, chăn nuôi lợn trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn, người chăn nuôi như đánh bạc. Nhiều gia đình tan nát, bại sản vì con lợn.

Nông dân nuôi lợn ở Nam Định chia sẻ về khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và giữ ở mức cao không chịu xuống, trong khi đó giá lợn hơi thì liên tục "đổ đèo" mà không chịu đi lên. Video: Mai Chiến

"Đợt Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, đàn lợn của gia đình có biểu hiện ốm, bỏ ăn… nên gia đình tôi buộc phải tiêu hủy gần 10 tấn lợn hơi, quá xót xa", chị Dần nhớ lại.

Sau đợt dịch đó, quy mô đàn lợn của gia đình chị bắt đầu giảm dần. Trước đây, 3 dãy chuồng nuôi lợn luôn kín ô, mỗi ô nuôi khoảng 10 con. Song, hiện tại chỉ có 2 dãy chuồng nuôi hoạt động, còn 1 dãy chuồng bỏ không, gia đình chị tận dụng chăn nuôi đàn chó.

Chị Dần rầu rĩ, hai năm trở lại đây, những tưởng Dịch tả lợn châu Phi tạm lắng, gia đình chị có thể nâng đàn, phục hồi kinh tế, thế nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, trong khi đó giá bán lợn xuất chuồng thấp nên tổng đàn hiện tại chỉ dao động từ 60 - 70 con.

"Nhận thấy giá thức ăn chăn nuôi không có dấu hiệu hạ nhiệt, gia đình tôi đã liên hệ với các nhà bếp của các công ty trên địa bàn huyện mua lại cơm, canh thừa về cho lợn ăn nhằm giảm chi phí đầu vào", chị Dần thổ lộ.

Theo tính toán của chị Dần, nuôi lợn bằng nguồn cơm thừa giảm được trên 50% chi phí đầu vào. Hơn nữa, cho lợn ăn cơm, chất lượng thịt thơm ngon hơn so với nuôi cám công nghiệp.

Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Rân (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản) với nét mặt buồn rười rượi. Bà liên tục lắc đầu rồi ngao ngán: "Thời gian qua, nuôi lợn toàn lỗ thôi, chán lắm các chú ơi, chả nhẽ lại bỏ nghề, không nuôi nữa…".

Người chăn nuôi Nam Định cần chủ động nắm bắt thị trường - Ảnh 5.

Gia đình bà Nguyễn Thị Rân (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) giảm đàn lợn bố mẹ vì lợn giống “tắc” đầu ra. Ảnh: Mai Chiến.

Nói xong, bà Rân chỉ tay về phía chuồng lợn vẫn đang đóng cửa kín mít, dù đã 9 giờ sáng. Những năm trước, giá lợn hơi ổn định, gia đình bà còn mặn mà với nghề nuôi lợn, nhưng thời điểm hiện tại bà như muốn bỏ bễ.

Bà Rân cho hay, hiện nay đang xảy ra nghịch lý khi mà giá cám liên tục tăng cao, giá lợn xuất chuồng giảm mạnh nên nhiều hộ gia đình ở xã Liên Minh đã tạm dừng chăn nuôi lợn. Do đó, đàn lợn giống khoảng 19 con của gia đình bà đang "tắc" đầu ra.

Dù giá lợn giống hạ nhiệt hơn so với năm ngoái, nhưng chẳng có ai ngỏ ý hỏi mua. Gia đình bà đành ngậm ngùi nuôi đàn lợn giống dù biết trước là thua lỗ.

"Gia đình tôi chủ yếu sản xuất con giống và nuôi thương phẩm. Trước đây, quy mô đàn duy trì ổn định trên 50 con gồm lợn bố mẹ, lợn choai, lợn con theo mẹ. Song, hiện tại quy mô chăn nuôi giảm nhiều, trong chuồng chỉ còn 2 lợn mẹ và gần 20 con lợn giống", bà Rân chia sẻ.

Theo dõi thị trường để chủ động trong chăn nuôi lợn

Ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định cho biết, tính đến tháng 3/2023, đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) của tỉnh ước đạt 604.468 con, giảm 0,5%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 11.491 tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Ninh Văn Hiểu - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, thời gian gần đây chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y liên tục tăng, trong khi giá bán sản phẩm lại giảm và khó tiêu thụ.

Bên cạnh đó, áp lực dịch bệnh trên đàn lợn nói riêng và đàn vật nuôi nói chung vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát như bệnh Dịch tả lợn Châu phi, Cúm gia cầm...

Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, an toàn dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi…, ông Ninh Văn Hiểu khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nam Định cần chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Người chăn nuôi Nam Định cần chủ động nắm bắt thị trường - Ảnh 7.

Đàn lợn của tỉnh Nam Định hiện ước đạt 604.468 con. Ảnh: Mai Chiến.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần nắm chắc thông tin thị trường để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất; tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp để chế biến, phối trộn làm thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất.

"Chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do giá thịt lợn hơi giảm, chi phí sản xuất ở mức cao, người dân nên hạn chế tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi", lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định lưu ý tới người chăn nuôi.

Gia đình ông Lê Văn Cần (xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã có nhiều năm gắn bó với chăn nuôi lợn. Hằng năm, trang trại của gia đình ông luôn duy trì hơn 600 con; trong đó 100 con lợn bố mẹ, còn lại là lợn thương phẩm và lợn con theo mẹ.

Theo ông Cần, vài năm trở lại đây, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn. Dịch tả lợn châu Phi luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bất cứ lúc nào, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, trong khi đó giá lợn hơi xuất chuồng không ổn định, liên tục giảm khiến gia đình ông thấp thỏm, lo âu.

Với quy mô hơn 600 con, gia đình ông Cần chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín, áp dụng an toàn sinh học, do đó chí phí chăn nuôi cũng tăng cao hơn so với chăn nuôi chuồng hở, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, giá lợn hơi xuống thấp, dao động từ 45.000 - 48.000 đồng/kg nên gia đình ông phải giảm đàn và chăn nuôi cầm cự.

"Chăn nuôi lợn giai đoạn hiện nay chán lắm, nếu không cẩn thận nhiều người sẽ mất định hướng trong chăn nuôi", ông Lê Văn Cần chia sẻ.

Người chăn nuôi Nam Định cần chủ động nắm bắt thị trường - Ảnh 8.

Anh Nguyễn Văn Thục (xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) tự phối trộn, chế biến thức ăn chăn nuôi lợn nhằm giảm chi phí đầu vào. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Cần tâm sự, gia đình ông chuyên cung cấp lợn giống và lợn thương phẩm. Từ khi giá lợn hơi xuống thấp, người dân chán nản, không muốn nuôi lợn nên trang trại phải cắt giảm 50% đàn bố mẹ, hạn chế sản xuất con giống. Ngoài ra, lợn thương phẩm cũng giảm đàn dần dần.

"Nếu tình trạng giá lợn hơi thấp kéo dài, không có dấu hiệu tăng lên thì chắc chắn thời gian tới, gia đình ông tiếp tục giảm đàn…", ông Lê Văn Cần tâm sự.

Ông Lê Văn Cần mong muốn Nhà nước, các Bộ, ngành… cần có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, giảm giá thành nguyên liệu sản xuất thức ăn để người chăn nuôi sớm vực dậy sau chuỗi ngày "đen tối".

Ông Nguyễn Văn Tiệp (xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) chia sẻ, hiện tại giá lợn xuất chuồng chưa đến 50.000 đồng/kg. Với giá bán thấp như hiện nay thì gia đình nhà ông lỗ nặng, bởi giá thành sản xuất đang ở mức cao chót vót.

"Hiện tại, gia đình tôi đã giảm quy đàn nuôi xuống còn 100 con để chăn nuôi cầm cự…", ông Nguyễn Văn Tiệp nói.

Ông Tiệp nói thêm, nếu tình trạng giá lợn hơi không có chiều hướng đi lên thì người chăn nuôi lợn chắc chắn sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Và, sẽ phải "treo" chuồng dài dài…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem