Dân Việt

Người nuôi gia cầm trong nước lỗ thảm, vì sao doanh nghiệp vẫn nhập ồ ạt đùi gà, da gà?

Thiên Hương 06/05/2023 18:54 GMT+7
Các doanh nghiệp và người dân chăn nuôi gia cầm đang bị thua lỗ kéo dài khi phải đối mặt với cảnh sản lượng tăng nhưng giá bán luôn thấp hơn giá thành. Người nuôi gia cầm trong nước càng nuôi lỗ thê thảm, vì sao doanh nghiệp vẫn nhập ồ ạt đùi gà, da gà?

Người Việt ăn hơn 674 tấn gà nhập khẩu mỗi ngày?

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, thời gian qua tăng trưởng nhập khẩu thịt gà đang cao hơn tăng trưởng sản xuất ở trong nước (nhập khẩu tăng gần 60%/năm nhưng sản xuất chỉ tăng hơn 6%). Cộng với số lượng gia cầm nhập lậu đã tạo thêm sức ép lớn cho chăn nuôi gia cầm trong nước trong bối cảnh cung đang vượt cầu.

Năm 2021, Việt Nam nhập khoảng 225.000 tấn thịt gà. Năm 2022, nước ta nhập khoảng 246.000 tấn, tính trung bình mỗi ngày người Việt tiêu thụ hơn 674 tấn gà nhập khẩu mỗi ngày.

Tính riêng 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp cũng đã nhập khẩu 51.000 tấn thịt gà các loại. Đó là chưa kể số lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới với số lượng tương tự.

Đáng nói là Việt Nam cho nhập cả những sản phẩm mà nước ngoài không ăn, như gà đẻ thải loại, da gà, cổ cánh gà, chân gà... Một lượng lớn gà thải loại nguyên con chặt đầu, chặt cánh được doanh nghiệp nhập về từ Hàn Quốc với giá rất rẻ. 

Người nuôi gia cầm trong nước lỗ thảm, vì sao doanh nghiệp vẫn nhập ồ ạt đùi gà, da gà? - Ảnh 1.

Trong khi giá gia cầm tại thị trường trong nước ở mức thấp thì các doanh nghiệp vẫn nhập ồ ạt một lượng lớn các sản phẩm đùi gà, chân gà, cánh gà, da gà..., Nguồn: Hiệp hội Gia cầm Việt Nam

"Tỉ lệ gà, thịt gà nhập khẩu vào nước ta so với tổng sản lượng tiêu thụ thịt trong nước chiếm 20-25%. Với sự nhập khẩu ồ ạt sản phẩm thịt gà đông lạnh, phụ phẩm như vậy, không doanh nghiệp trong nước nào có thể trụ được" - ông Sơn nói và cho rằng chúng ta đang dễ dãi trong việc cho phép các sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.

Phân tích về việc nhập khẩu các sản phẩm thịt gà, ông Bùi Đức Huyên - Tổng Giám đốc CTCP dinh dưỡng Việt Tín cho biết: Tại sao người dân Việt Nam ăn nhiều đùi gà đến vậy? Tại sao cung lớn hơn cầu? Chăn nuôi gia cầm tại sao thua lỗ thê thảm như những năm gần đây? Thứ nhất, do tập quán tiêu dùng của người dân Việt Nam thích ăn đùi gà hơn lườn gà, trong khi giá trị dinh dưỡng của lườn gà cao gấp 3 lần đùi gà. 

"Do tập quán tiêu dùng của người Việt làm cho đùi gà nhập khẩu có chỗ đứng. Tôi được biết có doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội, một tháng họ nhập khẩu về 200 tấn đùi gà, nhưng chỉ mua của C.P 20 tấn đùi gà tươi. Vấn đề tồn tại ở đây là truyền thông định hướng tiêu dùng và lưu thông phân phối có nhiều bất cập, đẩy giá bán lẻ quá cao, làm giảm sức mua.." - ông Huyên nói.

Người nuôi gia cầm trong nước lỗ thảm, vì sao doanh nghiệp vẫn nhập ồ ạt đùi gà, da gà? - Ảnh 2.

Theo số liệu ước tính, người Việt ăn hơn 674 tấn gà nhập khẩu mỗi ngày. Ảnh minh hoạ: I.T

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP C.P Việt Nam, trong thời gian qua, tuy được Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ nhưng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của công ty vẫn còn nhiều vướng mắc.

Đề cập đến vấn đề hàng rào kỹ thuật, ông Tuấn cho rằng, tiêu chuẩn nhập khẩu các sản phẩm gia cầm của Việt Nam còn đang thấp hơn so với nhiều nước. "Nếu muốn nâng cao hàng rào kỹ thuật thì cần tăng tiêu chuẩn nhập khẩu. Chỉ khi tăng tiêu chuẩn nhập khẩu mới hạn chế được sản phẩm nội địa phải cạnh tranh với hàng nhập", ông Tuấn nhấn mạnh.

Phó Tổng giám đốc C.P đề xuất cân nhắc xây dựng đề án trồng lúa phục vụ thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào. Thái Lan, Trung Quốc đã có những đề án này. Trong khi, trồng lúa cũng là thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng kiến nghị xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi tiêu thụ để doanh nghiệp có thể hỗ trợ đầu ra cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà không bị đánh thuế 5%.

Là doanh nghiệp có hơn 30 năm kinh nghiệm với đàn gà đẻ trứng hàng triệu con, tuy nhiên, Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt cũng đang gặp khó khăn riêng trong phát triển lĩnh vực gia cầm. Bà Chu Thị Hồng Thuỷ - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với quy hoạch, chính sách hỗ trợ của các địa phương; thiếu kênh tiếp cận thông tin ngành hàng.

Người nuôi gia cầm càng nuôi lỗ thê thảm, vì sao doanh nghiệp vẫn nhập nhiều đùi gà, da gà? - Ảnh 1.

Trang trại gà đẻ trứng thương phẩm của gia đình anh Vũ Văn Yên, thôn Nội, xã Minh Hoà, huyện Kinh Môn (Hải Dương) được đầu tư nuôi theo quy trình chuẩn. Ảnh: Vũ Văn Yên

Phản hồi về những ý kiến của doanh nghiệp, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, các doanh phải tìm ra cách hạ giá thành sản xuất, đó cũng là cách tăng sức cạnh tranh của mình lên. Thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để chúng ta triển khai. Nhưng bây giờ có 2 giải pháp để làm được ngay, đó là đoàn kết kết, tăng cường phối hợp liên kết sản xuất giữa các đối tác trong nội khối của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm. 

Thứ 2, theo ông Chinh, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hộ chăn nuôi, hình thành tổ, đội sản xuất, trở thành liên kết ngang với doanh nghiệp. Như vậy sẽ giảm giá thành chăn nuôi gia cầm, tăng sức cạnh tranh.

Chia sẻ với những khó khăn của ngành chăn nuôi gia cầm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, ngành chăn nuôi gia cầm càng cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng. Đồng thời, ông Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm ban hành Quyết định hỗ trợ chăn nuôi, với các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. 

"Về nội lực, phải thừa nhận các giống gia cầm tại Việt Nam năng suất còn thấp khi cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới. Việt Nam đã ra biển lớn, cần thích ứng và hội nhập, nên phải tìm xem đâu là lợi thế để phát triển, ví dụ có thể tập trung vào các giống vật nuôi bản địa", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Tiến chỉ ra 3 vấn đề cần giải quyết, đó là giống, thức ăn và đất đai. Với các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, trong lúc này không nên bi quan, mà hãy tập trung nâng cao năng lực, công nghệ, tập trung xúc tiến thương mại.

"Các doanh nghiệp nếu có các khúc mắc mà không tự giải quyết được, hãy cứ nhắn tin cho tôi, dù đêm hôm sớm tối, tôi sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Rất chia sẻ và mong các doanh nghiệp từ FDI đến doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp chăn nuôi, thú y, thức ăn chăn nuôi đồng hành cùng Bộ NNPTNT, cùng đoàn kết để thúc đẩy ngành chăn nuôi vượt qua thách thức hiện tại", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xuất khẩu chỉ bằng 0,12% so với nhập khẩu

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi (gia súc, gia cầm sống, thịt và phụ phẩm dạng thịt) đạt 3,29 tỷ USD.

Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa đạt 1,25 tỷ USD, tăng 6,4%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 1,52 tỷ USD, tăng 9,1%.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, năm 2022, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 409 triệu USD, giảm 5,2% so năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 106,4 triệu USD, giảm 3,5%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 115,2 triệu USD, giảm 0,5%.