Vì sao người nhuộm vải không được tắm, không ăn thịt trâu, bò khi dệt thổ cẩm K'Ho ở Lâm Đồng?
Nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho (Bài 1): Người nhuộm vải không được tắm, không ăn thịt trâu, bò
Văn Long
Thứ bảy, ngày 06/05/2023 13:00 PM (GMT+7)
Quy trình cuốn bông, se chỉ, nhuộm sợi với những quy định nghiêm ngặt và hoàn toàn từ từ thiên nhiên đã tạo nên sự độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc của nghề dệt thổ cẩm của người K'Ho tại thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).
Đam Pao là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’Ho tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà. Thôn Đam Pao với gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số nên nghề dệt thổ cẩm cũng được coi là nghề có giá trị văn hóa, du lịch bên dòng sông Đạ Đờn hiền hòa gắn bó với người dân nhiều năm qua.
Clip: Cách làm hỗn hợp nhuộm sợi chỉ trước khi dệt thổ cẩm của người K'Ho tại thôn Đam Pao, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Theo chân anh Dương Văn Linh – Phó trưởng thôn Đam Pao, chúng tôi rảo bước quanh những con đường bê tông sạch đẹp đến thăm căn nhà của bà Long Dinh K’Nier (95 tuổi). Bà K’Nier là người có kinh nghiệm nhất trong số những người đếm trên đầu ngón tay biết làm đầy đủ các quy trình để tạo ra một tấm vải thổ cẩm độc đáo của dân tộc.
Dù đã 95 tuổi nhưng bà K’Nier vẫn cần mẫn làm và dạy con cháu nghề dệt thổ cẩm của người K'Ho. Ảnh: Văn Long.
Mái tóc bạc phơ, đôi bàn tay nhăn nheo, móng tay cũng đen dần vì nhuộm màu chỉ theo năm tháng của bà K’Nier vẫn đang chậm rãi kéo sợi từ quả bông để cho người con gái cả của mình học theo. "Năm nay hơn 90 tuổi, tôi có 6 người con (3 trai, 3 gái) nhưng giờ chỉ có con gái cả là biết làm hết thôi. Những đứa còn lại thì không học nghề này, chúng làm vườn và buôn bán. Giờ tôi đã truyền hết các kinh nghiệm, cách làm thổ cẩm nguyên bản của người K’Ho cho con gái, hy vọng các cháu cũng yêu thích mà học nghề để giữ nghề truyền thống của dân tộc", bà K’Nier nói.
Bà K’Nier cho phóng viên hay, để làm được một ùi (tấm vải thổ cẩm) phải làm theo quy trình nghiêm ngặt, khắt khe. Vì thế, giá bán cao nhưng người mua lại kén, đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nghề dệt thổ cẩm đang dần ít "học viên".
Trực tiếp dẫn phóng viên vào nơi phơi, xử lý nguyên liệu làm nước nhuộm chỉ, bà Long Dinh K’Thin (71 tuổi, con gái cả bà K’Nier) chia sẻ: "Nguyên liệu để làm nước nhuộm vải khá nhiều thứ, nhưng chủ yếu từ thiên nhiên. Vỏ chuối, củ chuối, cuống của buồng chuối sau khi phơi khô sẽ được đốt để lấy tro. Khi có được tro rồi cho vào một dụng cụ chuyên dùng tôi sẽ đổ nước vào ngâm để lấy phần nước tinh khiết nhất. (Quy trình này giống như một hệ thống lọc nước bằng than nhằm làm cho nước tinh khiết, sạch hơn- PV).
Tiếp đó, tôi sẽ hái lá T’răm rồi ngâm với nước trong chiếc ché của gia đình khoảng 3 ngày. Sau khi ngâm đủ ngày, tôi vò lá T’răm ra rồi lấy nước, rồi lại cho thêm muối, ớt, hạt bầu, vỏ ốc nướng vô để quấy đều. Sau khi khuấy nát, tôi tiếp tục ngâm rồi gạn bỏ nước của hỗn hợp đó đi, chỉ lấy phần cặn đã lắng xuống đế ché. Cuối cùng là tôi mang đi phơi phần cặn đó cho khô trong chiếc giỏ tre. Phần cặn đó được ngâm với phần nước tinh khiết tôi đã làm trước đó. Hai thứ này trộn lại với nhau sẽ cho ra màu nền xanh chủ đạo của thổ cẩm dân tộc K’Ho".
Quy trình khắt khe khi nhuộm vải thổ cẩm
Khi giới thiệu, bà Long Dinh K’Thin cũng cho biết, trong thời gian làm nước nhuộm vải không được ăn thịt bò, thịt trâu, khu vực làm nước cũng không được cho người khác vào. Đặc biệt, trong quá trình 3-5 ngày làm nước thì người làm cũng không được tắm, đảm bảo cách làm truyền thống của ông cha để lại.
Ngoài màu xanh nền chủ đạo nhuộm cho các sợi chỉ, bà Long Dinh K’Thin còn làm màu cho các sợi chỉ màu khác để những tấm vải thổ cẩm đẹp, sống động hơn. Bà Thin chia sẻ: "Màu của củ nghệ và lá xoài phối với nhau sẽ được màu xanh lá cây, màu cam được làm từ hạt quả cà ri, màu vàng từ nghệ. Ngoài ra, chúng tôi làm những màu khác nhau từ nhiều loại quả, lá cây thiên nhiên".
Để se được những sợi chỉ làm thổ cẩm, người làm phải ngồi nhiều tiếng đồng hồ. Trước hết, những quả bông già được thu hoạch rồi bóc lấy phần bông màu trắng, một quả bông chỉ được một chút bông nên phải cóp nhặt rất lâu. Phần bông này sau đó được bện lại thành những đoạn nhỏ bằng ngón tay cái trước khi đưa vào chiếc máy kéo sợi thủ công được làm bằng cây mây.
Khi phóng viên đến thôn Đam Pao, cũng là lúc bà Long Dinh K’Yồng (55 tuổi, cháu gái của bà K’Nier cũng đang ngồi bên khung dệt thổ cẩm, bà cho hay: "Ngồi kéo sợi, rồi dệt những sợi chỉ rất nhỏ để tạo thành tấm vải thổ cẩm đủ may đồ thì rất lâu, chân, tay rồi lưng cổ đau mỏi lắm. Vì thế mà những đứa con, cháu thanh niên bây giờ chúng không chịu học làm. Đặc biệt nguyên nhân là do thổ cẩm bán ra được ít, thu nhập không ổn định.
Nguyên nhân khiến giá thành của những tấm vải thổ cẩm giá cao là vì nó khó làm, công làm mất nhiều. Vì vậy, 2 miếng vải thổ cẩm đủ để may 1 bộ đồ của người K’Ho có giá thành từ 1,8-2 triệu đồng".
Bà K’Yồng cũng cho biết, hiện nay nhiều người trong thôn chỉ dệt thổ cẩm bằng sợi len công nghiệp được mua ngoài chợ về. Phần lớn vải thổ cẩm "xịn" được làm đúng quy trình của người K’Ho chỉ được dệt khi có đơn hàng. Những người muốn mua thổ cẩm chủ yếu mua vải đan bằng sợi len bởi nó mềm, dễ may đồ và giá thành rẻ. Trung bình, 1 miếng vải thổ cẩm dệt bằng sợi len chỉ có giá 350-500 ngàn đồng.
Những người phụ nữ trong thôn Đam Pao cũng rất buồn khi hiện nay, chỉ có những dịp lễ quan trọng, đi lễ ở nhà thờ thì các con, các cháu mình mới mặc đồ thổ cẩm truyền thống. Những ngày Tết, đám cưới các bạn trẻ, thanh niên chỉ mặc váy, đầm hay trang phục thời thượng của người Kinh. Chính vì vậy, nghề làm thổ cẩm truyền thống của người K’Ho tại Đam Pao nói riêng và người dân tộc thiểu số nói chung đang có nguy cơ mai một theo thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.