Đó là tâm sự của chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong (3T Farm), huyện Cao Phong, Hoà Bình.
Có dịp về thăm HTX 3T Farm, du khách sẽ ít nhiều bất ngờ về một HTX nằm ở miền núi nhưng lại áp dụng những công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất và sơ chế cam sau thu hoạch. Đó là những dây chuyền rửa cam bằng máy chà, sấy khô cam bằng ô-zôn và chiếu tia cực tím để khử trùng. Quả cam sau khi qua dây chuyền sáng bóng, tròn căng và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy cho biết, tuy cam Cao Phong là đặc sản và chất lượng quả khá đồng đều nhưng chỉ có khoảng 8-10% quả được chọn để làm quà tặng trong dự án "Cam – Quà tặng cao cấp 3T Farm" mà HTX đang triển khai cung cấp ra thị trường. Hiện nay, giỏ quà có 12 quả, giá bán 450.000 đồng/giỏ.
Để có những thành quả như hôm nay, chị Thủy đã trải qua rất nhiều sóng gió từ thất nghiệp đến nợ nần. Vốn quê gốc ở Nam Định, năm 1989 gia đình chuyển lên Cao Phong, bố chị Thuỷ khi ấy làm công nhân trong nông trường quốc doanh cam Cao Phong.
Từ ngày đó, chị Thủy đã có ước mơ làm cô giáo, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tại Trường ĐH Tây Bắc, chị Thủy đi dạy hợp đồng trong một trường cấp hai trong huyện. Tranh thủ thời gian, cô gái năng động còn nhận phân phối hải sản từ quê nhà. Tuy nhiên, các công việc lần lượt "gãy gánh" giữa đường. Năm 2012, chị Thủy bị cắt hợp đồng giáo viên, rồi việc buôn bán hải sản gặp nhiều khó khăn, chị phải buông cả hai công việc.
Xoay sang bán tạp hoá chỉ với hy vọng đủ ăn đủ mặc nhưng số phận lại đen đủi với chị Thủy một lần nữa, nhu cầu sử dụng tạp hoá ở địa phương thấp khiến hàng hoá ế ẩm, hết hạn. Hai năm kinh doanh chẳng được đồng lãi nào và cũng không trả được số tiền nợ đã vay, chị Thủy quyết định quay về trồng cam, đó cùng là thời điểm cam Cao Phong được công nhận chỉ dẫn địa lý (2014).
Nhiều người gọi chị Thủy là bông hoa kiên cường của xứ Mường. Bởi kể cả khi số nợ hơn trăm triệu đồng chưa trả hết, sổ đỏ đang nằm ngân hàng, chị Thủy vẫn mạnh dạn thành lập HTX 3T Farm để có cơ hội tiếp thu các kiến thức và mở rộng thị trường tìm kiếm khách hàng và tiếp tục vay vốn thêm 200 triệu đồng.
Hằng đêm, chị đau đáu rằng, cam Cao Phong là đặc sản đã có tên tuổi nhưng chỉ được bày bán ngoài chợ, đối tượng mua chủ yếu là người bình dân, thậm chí nhiều loại cam chất lượng thấp "mạo danh" cam Cao Phong rất dễ dàng. Vậy tại sao không làm thương hiệu cho cam Cao Phong, đưa cam Cao Phong về đúng giá trị vốn có, thậm chí có thể tính đến chuyện xuất khẩu trời Tây?
Việc đầu tiên, chị Thủy động viên bà con xã viên yên tâm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đừng vì lợi trước mắt mà vội vàng sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan. Sau đó, HTX đăng ký với Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình để trồng, chăm sóc theo quy trình sản xuất an toàn và tem truy xuất nguồn gốc.Diện tích trồng cam của HTX được mở rộng lúc cao điểm là 43,2 ha.
Không khó để thấy những thùng đậu tương hay ngô đang được ủ men vi sinh trong vườn cam của HTX, đó chính là phân sinh học bón cam thay cho phân đạm, phân kali.. bán sẵn trên thị trường. HTX cũng khổng sử dụng thuốc diệt cỏ để cỏ để giữ ẩm mùa khô và chống rửa trôi dinh dưỡng mùa mưa. Cỏ cũng tạo môi trường sống tốt cho các loại côn trùng có lợi trong đất, đặc biệt là giun. Để từ đó, hạn chế tối đa việc dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà thay vào đó là thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Lý giải về cái tên 3T, chị Thủy cho biết, 3T tức là 3 tốt gồm: tốt đất, tốt giống và tốt từ tâm, cũng giống như kinh nghiệm ông cha ta để lại: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Những lô cam sạch đầu tiên xuất ra thị trường nhận được sự đón nhận từ phía khách hàng cho dù giá thành cao hơn bình thường. Bằng kinh nghiệm kinh doanh, chị Thuỷ đã kết nối với các cửa hàng thực phẩm sạch khắp miền Bắc để đưa cam 3T Farm lên kệ. Doanh thu ngay năm đầu tiên của HTX đạt trên 600 triệu đồng, số lượng xã viên tăng lên gần 30 người.
Tự tay trồng cam sạch nên chị Thủy biết rằng, đến vỏ cam cũng có thể ăn trực tiếp. Và để tận dụng thêm giá trị quả cam và đa dạng sản phẩm, năm 2020, HTX đã thử nghiệm sản xuất rượu từ quả và vỏ cam. Chị Thủy cho biết, vỏ cam được làm sạch, ép lấy nước rồi ủ đường hoa mai trong 6 tháng, sau đó đưa đi diệt men ra thành phẩm.
HTX đã đưa ra thị trường sản phẩm đóng chai 350ml giá bán 350.000 đồng và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Rượu cam có hương vị đặc trưng, nồng độ cồn thấp, hơi sánh và rất dễ uống đối với phụ nữ. Ngoài rượu cam còn có mứt cam, bánh quy cam, trà cam, vỏ cam sấy khô… tất cả đều đang được chị Thuỷ đưa lên sàn thương mại điện tử.
Cuối năm 2020, HTX đã áp dụng mô hình "một gốc hai cành", nghĩa là ngoài thu hoạch quả cam thì sẽ kết hợp để phát triển du lịch sinh thái tại vườn cam. Chị Thuỷ cho biết, vườn cam sản xuất sạch nên rất thích hợp để làm du lịch hoặc để cho các em học sinh đến tìm hiểu về sinh học, nông nghiệp hữu cơ…Chị còn mang dự án "Du lịch trải nghiệm – cây cam nhà tôi" tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh và nhận được đánh giá cao.
Tuy hiện nay doanh thu của HTX đã đạt hơn 1 tỷ đồng/năm nhưng chị Thuỷ vẫn rất trăn trở về nguồn vốn để mở rộng sản xuất và đưa cam 3T Farm xuất ngoại. Chị Thuỷ hy vọng sẽ bắt tay được với các doanh nghiệp lớn để liên kết sản xuất và nâng cao giá trị thương hiệu cam Cao Phong, tạo thêm việc làm cho xã viên.
Là một HTX đang trên đà phát triển, chị Thuỷ không đặt nhẹ trách nhiệm với cộng đồng. Ngay sau khi thành lập HTX, chị Thuỷ đã phối hợp với CLB Doanh nhân Việt Nam - ASEAN xây dựng mô hình "Cửa hàng 0 đồng" tại xã Dũng Phong (Cao Phong). Mục đích của cửa hàng là "Ai dư mang đến, ai thiếu lấy về" để giúp đỡ người nghèo. Hiện nay cửa hàng vẫn đang hoạt động và được giao cho Đoàn Thanh niên xã quản lý. Còn trong đại dịch Covid-19, chị tặng 200 kg cam V2 để vắt nước cam tươi tiếp sức cho các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cùng nhiều cam hỗ trợ trong một số khu cách ly địa phương.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt , thư ký Giải).