Báo cáo tại Đại hội, TS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổ chức Hội vẫn tiếp tục được duy trì, số lượng hội viên tăng cả về số lượng, chất lượng, trong đó đã kết nạp thêm được một số hội viên tập thể như Liên chi hội Mèo Việt Nam; Công ty CP thú y xanh, Công ty TNHH Việt Pháp quốc tế, De Heus…
Trong đó, nhiều hội viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp có tiếng nói trong các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ động vật. Ông Sơn cho biết, do thành lập chưa lâu, kinh phí hoạt động của Hội còn eo hẹp nên hầu hết các hội viên tham gia hoạt động bằng tình yêu với động vật là chính, thậm chí phải bỏ tiền túi ra để tổ chức các hoạt động, lấy quán cà phê làm "văn phòng" làm việc.
Theo ông Sơn, việc thực hiện bảo vệ phúc lợi động vật còn là những nội dung rất mới tại Việt Nam, vì vậy VAWA đã có nhiều chương trình tuyên truyền về phúc lợi động vật tới cộng đồng, điển hình như góp ý xây dựng dự thảo Luật Chăn nuôi. Sau đó, Luật này đã được thông qua, trong đó có hiện diện các điều 69, 70, 71, 72 về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển…
Đáng chú ý, VAWA đã tham gia xây dựng sổ tay hướng dẫn phúc lợi động vật trong "chăn nuôi gà không lồng chuồng và chăn nuôi lợn nái theo nhóm"; tổ chức chống rét cho trâu bò; tập huấn cho bà con nông dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về "hái lộc nhung hươu" không gây đau đơn cho vật nuôi bằng phương pháp gây tê.
Nhằm nâng cao nhận thức và tình yêu với thú cưng, trong nhiệm kỳ vừa qua VAWA đã tổ chức Triển lãm mèo quốc tế, chương trình Vietnam Cat Championship tại Hà Nội và TP.HCM; tham gia hỗ trợ xây dựng đề án quản lý bệnh dại trên đàn chó, cứu hộ chó mèo...
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam đã vinh dự được Bộ NNPTNT tặng Bằng khen với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ động vật, phúc lợi động vật, góp phần chung tay xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, văn minh.
Chia sẻ thông tin tại Đại hội, ông Lê Hà Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cho biết: Vừa qua Hội đã tổ chức lần thứ 2 hướng dẫn kỹ thuật hái lộc nhung hươu không gây đau đớn cho vật nuôi rất thành công, với 30 nông dân tham gia. Với kỹ thuật gây tê cho hươu, đến cả phụ nữ cũng có thể thực hiện dễ dàng, con hươu được cắt lộc không đau đớn, và có thể dậy đi lại hoạt động như bình thường.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm, kết quả hoạt động của Hội trong thời gian qua còn khiêm tốn so với chức năng nhiệm vụ, nhiều trường hợp động vật bị ngược đãi hay bị bỏ rơi nhưng Hội chưa có điều kiện để hỗ trợ giải quyết. Đặc biệt là do thiếu kinh phí nên nhiều chương trình, dự án, nhiệm vụ không được triển khai hoặc triển khai không kịp thời.
Do đó, trách nhiệm của Hội trong nhiệm kỳ tới là kiện toàn bộ máy lãnh đạo Hội và các ban; tham gia phản biện xã hội mạnh mẽ hơn, nhất là những vấn đề liên quan phúc lợi động vật. Chủ động tham gia với các bộ ngành, bảo vệ quan điểm hài hoà nhận thức văn hoá giữa Đông và Tây. Hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi tìm hiểu, đối xử nhân đạo với chăn nuôi gia súc lớn, gia cầm, vật nuôi trong nông nghiệp…
Đẩy mạnh truyền thông bảo vệ động vật, xúc tiến và xây dựng trình Bộ Thông tin và Truyền thông cho xuất bản Tạp chí Phúc lợi động vật; phối hợp với một số đơn vị thành viên tổ chức một số hội thảo về phúc lợi động vật… Tiếp tục hoàn thiện website và sớm đưa đường dây nóng vào hoạt động có hiệu quả.
Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ II (2023 - 2028) Hội Bảo vệ động vật Việt Nam đã thống nhất bầu Ban Chấp hành mới, với 25 thành viên. Đại hội cũng đã bầu ông Nguyễn Ngọc Mỹ làm Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật nhiệm kỳ II, cùng 4 Phó chủ tịch là ông Lê Hà Nam, bà Hạ Thuý Hạnh, ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Lê Văn Thông.