Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 9/5 (8h01 giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 73,029 USD/thùng, giảm 0,18% trong khi giá dầu Brent ở mức 76,790 USD/thùng, giảm 0,29%.
Trong tuần này, dữ liệu lạm phát CPI của Mỹ và Đức trong tháng 4 sẽ được công bố vào thứ tư (10/5). Quyết định về lãi suất của Ngân hàng Anh, chỉ số giá sản xuất của Mỹ cho tháng 4 và số liệu lạm phát tháng 4 của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ năm (11/5). GDP quý I/2023 của Vương quốc Anh và dữ liệu cho vay nhân dân tệ mới của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ sáu (12/5).
Dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ làm sáng tỏ mức độ hạ nhiệt của áp lực giá. CPI cơ bản tháng 4 Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống mức 5,5% so với cùng kỳ, giảm từ mức 5,6% trong tháng 3. Báo cáo việc làm khả quan của Mỹ đã khiến kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho tháng 7 giảm xuống 36% so với dự báo 60% trước khi có dữ liệu.
Ngân hàng Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 bps tại cuộc họp vào thứ năm sau dữ liệu tiền lương và lạm phát gần đây nhất của nước này. Với lạm phát vẫn ở mức hai con số (10,1%), ngân hàng trung ương Vương quốc Anh có thể sẽ tiếp tục quan điểm nâng lãi suất.
Bước sang tuần này, giá dầu phụ thuộc vào cách Mỹ giải quyết những lo ngại và khủng hoảng đang diễn ra xung quanh các ngân hàng khu vực.
Tâm lý chung của thị trường có thể sẽ là động lực lớn nhất đối với giá dầu trong tuần này, nếu không có bất kỳ bất ngờ mới nào. Những lo ngại liên tục xung quanh lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng gần đây, nhưng sau đó giá dầu có thể sẽ tiếp tục phục hồi vào cuối tuần.
Dữ liệu lạm phát của Trung Quốc cũng cần lưu ý trong tuần này sau đợt giảm trước đó. Lạm phát ở Trung Quốc tăng lên có thể được coi là một dấu hiệu tích cực đối với nhu cầu dầu mỏ trong khi nếu lạm phát giảm hơn nữa có thể thấy điều ngược lại.
Một điều đáng quan tâm nữa chính là thông báo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) xác nhận rằng họ sẽ tổ chức cuộc họp trực tiếp vào tháng 6 tại Vienna sau sự sụt giảm giá dầu gần đây.
Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 8/5 do lo ngại kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái bớt dần.
Giá dầu phục hồi phiên này sau khi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng tăng trở lại vào thứ sáu tuần trước (5/5) khi Mỹ báo cáo số liệu việc làm khả quan làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế đã dẫn đến việc bán tháo vào đầu tuần.
Bên cạnh đó, giá dầu thô đang dần ổn định khi các nhà giao dịch năng lượng chờ xem liệu Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, có phát đi tín hiệu sẵn sàng giảm sản lượng hơn nữa hay không.
Ngân hàng Goldman Sachs duy trì dự báo giá dầu Brent là 95 USD/thùng vào tháng 12 tới và 100 USD/thùng vào tháng 4/2024. Các nhà phân tích cho biết họ tin rằng trọng tâm của thị trường bây giờ sẽ chuyển từ những lo ngại về kinh tế sang việc thắt chặt nguồn cung dầu.
Các nhà đầu tư trong tuần này cũng sẽ theo dõi sát sao các chỉ số kinh tế của Trung Quốc bao gồm thương mại, lạm phát, cho vay và số liệu cung tiền trong tháng 4/2023, khi những người tham gia thị trường tiếp tục đánh giá sự phục hồi kinh tế ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới này.
Tại thị trường trong nước, ngày 4/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 4/5.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 4/5, giá xăng giảm 1.251 - 1.319 đồng, còn 21.437 - 22.320 đồng/lít, dầu giảm 952 - 1.143 đồng, còn 18.254 - 18.528 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG xăng dầu: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít), xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước 0 đồng/kg). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 9/5 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.437 đồng/lít (giảm 1.251 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 883 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 22.320 đồng/lít (giảm 1.319 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 18.254 đồng/lít (giảm 1.143 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 18.528 đồng/lít (giảm 952 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.509 đồng/kg (giảm 334 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/4/2023-04/5/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Những lo ngại về suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng ngân hàng tiếp tục gia tăng; việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm; hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 4… Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/4/2023 và kỳ điều hành ngày 04/5/2023 là: 89,393 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 8,565 USD/thùng, tương đương giảm 8,74% so với kỳ trước); 93,336 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 8,540 USD/thùng, tương đương giảm 8,38% so với kỳ trước); 91,934 USD/thùng dầu hỏa (giảm 5,891 USD/thùng, tương đương giảm 6,02% so với kỳ trước); 90,918 USD/thùng dầu điêzen (giảm 7,030 USD/thùng, tương đương giảm 7,18% so với kỳ trước); 447,153 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 25,344 USD/tấn, tương đương giảm 5,36% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Đưa mức trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu Mazut về mức 300 đồng/kg (kỳ trước không trích lập); tăng mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95 lên 500 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít); giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu điêzen và dầu hỏa; tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tạo dư địa Quỹ BOG; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 13 đợt điều chỉnh, trong đó có 7 đợt tăng, 5 đợt giảm và một đợt giữ nguyên.
Được biết, tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Bộ trưởng cũng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn (về cả hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn), tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn cho doanh nghiệp để nhập hàng.
Mới đây, sau khi ghi nhận góp ý từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp về sửa Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, các đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp (thương nhân phân phối, đầu mối) thay vì chỉ một nguồn như hiện tại.
Bộ này cũng cho biết, việc sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu sẽ hướng vào các nội dung như sửa công thức giá, phương thức điều hành, thời gian điều hành và công bố giá.
Thực tế thị trường có nhiều đơn vị cung ứng nên việc cho phép đại lý chọn, thay đổi đơn vị cấp hàng sẽ linh hoạt về nguồn, nhất là khi thị trường biến động.
Việc các đại lý chỉ được lấy từ một nguồn như hiện tại, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, là một trong số nguyên nhân khiến họ thiệt thòi, thua lỗ khi thị trường biến động hơn một năm qua.
Bộ Công Thương cũng cho biết, quy định về thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện với doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu cũng sẽ được sửa phù hợp hơn. Khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu sẽ cắt giảm (bỏ hình thức tổng đại lý) và cụ thể hơn về dự trữ lưu thông bắt buộc.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.