Trò chuyện với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Hương – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Gia đình tôi trồng nấm đến nay cũng gần 15 năm. Trước đây, chỉ làm thủ công rồi bán các sản phẩm thô nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ tháng 3/2016, vợ chồng tôi mới quyết định thành lập hợp tác xã để mở rộng sản xuất, liên kết với bà con cùng trồng nấm và chế biến các sản phẩm từ nấm".
Clip: Ông Nguyễn Quốc Hương chia sẻ về các sản phẩm nấm của HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)
Theo ông Nguyễn Quốc Hương, việc thành lập HTX tạo điều kiện để ông liên kết trực tiếp với 32 tổ hợp tác khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Qua đó, ông cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu luôn sản phẩm cho 32 tổ hợp tác, tạo việc làm cho khoảng 425 lao động, trong đó, phần lớn lao động là phụ nữ, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo.
Từ 100m2 tập trung trồng nấm linh chi, đến nay, HTX đã mở rộng thêm diện tích gần 9.000m2 trồng nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ…
Tại cơ sở chính ở xã Sơn Lộc, xưởng sản xuất nấm của vợ chồng ông Hương giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động là các hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
"Mỗi năm, HTX Tuấn Linh sản xuất được 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm các loại: Linh chi, sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm... mang lại tổng doanh thu hơn 7 tỷ đồng, trong đó, lãi đạt từ 15 - 20%", ông Hương nói.
Truyền nghề trồng nấm cho nông dân
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề trồng nấm, ông Nguyễn Quốc Hương cho biết: "Khoảng 15 năm trước, khi tìm mua nấm linh chi – loại dược liệu quý để ngăn chặn căn bệnh quái ác cho bố, tôi nảy sinh ý tưởng tự trồng nấm cho người nhà uống để đỡ chi phí. Sau đó, bản thân tôi suy nghĩ phải học hỏi, sản xuất các loại nấm để đưa ra thị trường".
Từ đó, ông Hương cùng vợ là bà Ngô Thị Kim Liên đi tham quan và tích lũy kinh nghiệm từ các trang trại nấm lớn để học cách trồng nấm và xây dựng cho đến hôm nay.
Theo ông Nguyễn Quốc Hương, năm 2020, ông được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân - phụ nữ Quảng Bình mời đi dạy nghề cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, ông Hương vừa phát triển kinh tế vừa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con.
"Mỗi buổi dạy nghề, tôi chia sẻ kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp của bản thân, không chỉ câu chuyện thành công mà những thất bại, vấp ngã, tôi đều chia sẻ cho bà con. Đặc biệt, tôi tập trung dạy kỹ thuật trồng nấm, "cầm tay chỉ việc" cho bà con và mời mọi người đến cơ sở sản xuất nấm của tôi để thực hành", ông Hương cho biết.
Từ những buổi học đó, nhiều nông dân đã đứng ra thành lập hợp tác xã trồng nấm và được ông Hương nhận bao tiêu sản phẩm.
Ông Hương cho biết: "Hiệu quả từ các buổi dạy nghề rất rõ, người nông dân có được kỹ năng nghề nghiệp rồi nâng tầm tri thức và tạo ra lớp nông dân chuyên nghiệp. Bà Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng (Bố Trạch, Quảng Bình), chia sẻ: "Tôi từng học lớp dạy nghề của ông Nguyễn Quốc Hương, được ông truyền nghề, chỉ dạy tận tình. Sau đó, tôi bắt tay vào trồng nấm và cho thu nhập cao, được ông Hương bao tiêu luôn sản phẩm".
Ông Hương cho biết: "Nghề trồng nấm không đòi hỏi phải đầu tư vốn quá lớn, việc chăm sóc cũng không quá cầu kỳ. Tuy nhiên, mỗi loại nấm đều có một kỹ thuật chăm sóc khác nhau, do đó, cần kỹ càng ngay từ khâu làm phôi giống và nắm bắt môi trường sinh trưởng của nấm để mang lại hiệu quả".
Theo ông Hương, HTX Tuấn Linh đã có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP tỉnh Quảng Bình. Trong 2 năm trở lại đây, HTX thành công trong việc sản xuất 2 loại giống nấm mới là nấm Kim Phúc và nấm Hoàng Đế, năng suất cao gấp 2 lần so với các loại nấm thông thường.
"Vào mùa nắng nóng, việc sản xuất nấm gặp khá nhiều khó khăn, không mang lại hiệu quả kinh tế cao như mong muốn. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, thấy nấm Hoàng Đế có dải nhiệt độ và độ ẩm tương đối rộng, có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu tại tỉnh Quảng Bình trong mùa nắng nóng, tôi đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm và tiến hành trồng 2 loại nấm này", ông Hương nói.
Cũng theo ông Hương, quy trình trồng nấm Kim Phúc và Hoàng Đế khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp, có thể tận dụng được nguồn bã thải từ mùn cưa cao su sau khi đã sử dụng để trồng các loại nấm khác như linh chi, sò, mộc nhĩ…
Thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hương dự kiến đầu tư thêm kinh phí xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Tiếp tục gia tăng sản lượng đầu vào, mở rộng thêm 10 - 20 tổ hợp tác, 200 hộ trồng nấm tham gia liên kết nữa để tăng ổn định nguồn nguyên liệu sạch và an toàn.
Dưới sự "chèo lái" của ông Nguyễn Quốc Hương, HTX Tuấn Linh xây dựng được thương hiệu, tiếng vang lớn. Vừa qua, HTX Tuấn Linh đã được Sở Công Thương Quảng Bình công nhận là doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm nấm linh chi, nấm mộc nhĩ trên địa bàn.
Với những thành quả đạt được, HTX Tuấn Linh 2 lần vinh dự được nhận Bằng khen từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bằng khen của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
"Mô hình trồng và chế biến nấm của ông Nguyễn Quốc Hương là một trong những mô hình tiêu biểu của huyện Bố Trạch, đi đầu trong việc xây dựng các chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện mở rộng liên kết để đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng nấm trên địa bàn, đồng thời tăng cường quảng bá để tiêu thụ các sản phẩm", ông Nguyễn Cẩm Long - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết.