Dân Việt

Giá điện tăng, hơn 25,2 triệu hộ dân sẽ phải trả thêm 296 tỷ đồng mỗi tháng

An Linh 10/05/2023 06:22 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam phân tích, giá điện bán lẻ bình quân tăng 3% sẽ tác động khiến tiền điện sinh hoạt của 25,24 triệu hộ dân (số lượng năm 2022) mỗi tháng phải trả thêm hơn 296,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, EVN cũng cho biết, khoảng 62% số hộ tiêu dùng sử dụng điện nhiều sẽ phải gánh chịu tiền điện giá cao, tương ứng gần 90% tiền điện phải trả tăng thêm mỗi tháng cho EVN.

Giá điện tăng 3%, hơn 25 triệu hộ dân phải trả thêm 296 tỷ đồng

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh từ ngày 4/5/2023, sẽ tác động đến một số nhóm khách hàng sử dụng điện, trong đó, tác động đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng điện và tỷ lệ sử dụng điện trong tổng chi phí giá thành của doanh nghiệp.

Giá điện tăng, hơn 25,2 triệu hộ dân sẽ phải trả thêm 296 tỷ đồng mỗi tháng - Ảnh 1.

Hơn 25 triệu hộ dân sử dụng điện sinh hoạt sẽ phải đóng thêm hơn 296 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng (Ảnh: EVN cung cấp).

Đối với hộ tiêu dùng, EVN phân rõ bậc thang tăng giá điện đối với các đối  tượng khách hàng. Cụ thể, đối với hộ dân sử dụng điện ít khoảng 50 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm 2.500 đồng/hộ. EVN cho biết, hiện số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn quốc năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Hơn 3,33 triệu hộ sử dụng điện dưới 50kWh sẽ phải trả thêm hơn 8,3 tỷ đồng/tháng do giá điện tăng. 

Đối với hộ tiêu thụ từ 51-100 kWh/tháng, giá điện tăng khiến số tiền điện của họ tăng thêm là 5.100 đồng/hộ. Với số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn quốc năm 2022 là 4,7 triệu hộ, họ phải đóng thêm tiền điện hơn 23,9 tỷ đồng/tháng.

Với số hộ tiêu thụ điện từ 101-200kWh/tháng, số tiền điện tăng thêm do giá tăng sẽ là 11.100 đồng/hộ. Với số hộ sử dụng ở mức điện này là 10,04 triệu hộ (chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), giá điện của họ phải đóng thêm mỗi tháng hơn 111 hộ dân sẽ phải đóng thêm 111,4 tỷ đồng vì điện tăng giá.

Đối với hộ tiêu thụ điện từ 201-300 kWh/tháng, số tiền điện tăng thêm do giá tăng là 18.700 đồng/hộ. Với tổng số hộ sử dụng mức điện này là là 4,96 triệu hộ, số tiền họ phải trả thêm hơn 92,7 tỷ đồng.

Với số hộ tiêu thụ từ 301-400 kWh/tháng, số tiền điện phải trả tăng lên do giá điện tăng là 27.200 đồng/hộ. Với 2,21 triệu hộ, giá điện họ phải trả thêm mỗi tháng 60,1 tỷ đồng.

Như vậy, với phương án tăng giá điện thêm 3%, bình quân mỗi tháng hơn 25,24 triệu hộ dân sử dụng điện sinh hoạt sẽ phải trả thêm khoảng 296,4 tỷ đồng/tháng. Trong đó, có trên 17,2 triệu hộ (chiếm 62% là nhóm hộ tiêu dùng điện giá cao từ 101kWh/tháng đến trên 400kWh) sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn, số tiền phải trả là 264,2 tỷ đồng (chiếm gần 90%) số tiền điện phải trả tăng thêm.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện kinh doanh, dịch vụ, EVN cho biết, hiện có 528 nghìn khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng. 

Có 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Có 662 nghìn khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh tăng 5% từ ngày 01/4/2023 thì sẽ tác động đến CPI là 0,17%. 

Như vậy với mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3% từ ngày 04/5/2023 thì mức độ tác động đến CPI sẽ thấp hơn. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.

Đối với EVN, theo tính toán sơ bộ, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3% từ ngày 04/5/2023 dự kiến doanh thu của EVN tăng thêm trong năm 2023 (từ ngày 04/5 đến ngày 31/12/2023) là khoảng 8.000 tỷ đồng. So với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu này chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023.

Giá điện Việt Nam đứng ở "đáy" trong khu vực

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, giá điện bình quân của Việt Nam thấp 2 lần so với thế giới, dẫn chỉ số giá của các nước ASEAN, EVN cho biết giá điện Việt Nam thấp hơn cả Campuchia.

Theo EVN, giá điện của các nước Đông Nam Á hiện nay cao hơn từ 400 đồng cho đến hơn 3.700 đồng/kWh so với giá điện bình quân của Việt Nam.

Cụ thể, hiện giá điện của Thái Lan 0,124 USD/kWh (tương đương 2.932 đồng/kWh), cao hơn 1.000 đồng so với giá điện của Việt Nam; giá điện Campuchia la 0,148 USD/kWh, tương đương 3.499,5 đồng (cao hơn giá điện Việt Nam gần 1.600 đồng); giá điện tại Philippines đang là 4.161,5 đồng, cao hơn 2.241,5 đồng so với giá điện của Việt Nam; giá điện của Indonesia đang ở ngưỡng 2.317 đồng, cao hơn gần 400 đồng so với giá điện của Việt Nam; giá điện Singapore đang ở mức 0,24 USD/kWh, tương đương 5.674,8 đồng/kWh, cao hơn 3.700 đồng/kWh.

EVN dẫn số liệu cho biết, thời gian vừa qua các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng giá điện, như tại Thái Lan vừa tăng giá điện từ 4,72 baht/kWh (tương đương 3.276đ/kWh) lên 5,33 Baht/kWh (tương đương 3.699đ/kWh) từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2023, với mức tăng là 13%. 

Tại Nhật Bản, do chi phí mua sắm nhiên liệu tăng cao, 5 công ty điện lực của nước này là Tohoku Electric Power, Hokuriku Electric Power, Chugoku Electric Power, Shikoku Electric Power and Okinawa Electric Power đã nộp đơn xin Chính phủ phê duyệt tăng kế hoạch tăng giá điện sinh hoạt từ 28% đến 46% từ tháng 4/2023. 

Công ty Điện lực Tokyo Holdings (Tepco) đã nộp đơn xin tăng giá điện cho các hộ gia đình lên trung bình 29,31% kể từ tháng 6/2023. Hokkaido Electric Power áp dụng mức tăng trung bình khoảng 32%, từ tháng 6/2023. 

Ngoài ra, do biến động quá mạnh của giá nhiên liệu cho phát điện, còn nhiều Công ty Điện lực ở nhiều quốc gia khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ cũng đã phải tăng giá điện ở mức rất cao để cân bằng tài chính.