Sếp lớn EVN tiết lộ kịch bản tăng giá điện "sốc" để gánh lỗ tỷ USD
Sếp lớn EVN tiết lộ kịch bản tăng giá điện "sốc" để gánh lỗ tỷ USD
An Linh
Thứ sáu, ngày 05/05/2023 07:51 AM (GMT+7)
Chia sẻ với báo chí bên lề họp báo về việc tăng giá điện 3% từ ngày 4/5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, để cân đối tài chính của EVN, phương án tăng giá điện phải là 17%.
Về đối phó với giá nguyên vật liệu và nhiên liệu đầu vào cho ngành than đang biến động mạnh thời gian qua, ông Võ Quang Lâm cho biết: Hàng quý, EVN rà soát lại chi phí sản xuất điện để báo cáo với Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước, dựa vào biến động giá thành này thì EVN mới có cơ sở báo cáo lên Thủ tướng về việc đề xuất điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, theo quy định, tối thiểu 6 tháng mới được điều chỉnh giá điện một lần.
Liên quan đến câu hỏi giá nguyên liệu có xu hướng giảm mạnh, liệu rằng trong kỳ báo cáo tới EVN có đề xuất tăng giá điện lần hai không ông Lâm cho biết "Việc này chưa thể chắc được vì giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh, chúng tôi chưa biết được than, khí trong tháng 5,6 như thế nào do đó EVN vẫn đang bám sát diễn biến giá nguyên liệu.
"Chúng tôi đang làm việc với Tập đoàn Than - Khoán sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc để điều chỉnh giá than bán cho EVN phù hợp với giá của thế giới. Hiện nay, một phần than TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp cho EVN là nguồn hàng nhập khẩu trộn với than trong nước", lãnh đạo Tập đoàn EVN nhấn mạnh. Theo ông Lâm, ngay cả giá nguyên liệu đã giảm, tập đoàn EVN vẫn phải chịu lỗ.
Trước đó, trong báo cáo kiểm toán tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN, Bộ Công Thương, EVN đã nêu số lỗ khá lớn hơn 26.200 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,1 tỷ USD.
Theo EVN, số lỗ khủng trên chủ yếu do chi phí phát điện tăng, trong khi giá điện bán lẻ không tăng tương xứng. Tập đoàn EVN cho biết, năm 2022 của EVN giá thành sản xuất là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, thấp hơn so với giá thành sản xuất, phân phối.
Theo tính toán của EVN, giá thành sản xuất điện năm 2022 của tập đoàn này đã tăng 172,36 đồng so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng 9,27%, con số này khá lớn và tạo áp lực tăng giá điện bán lẻ. Bản thân EVN khi đưa ra mức giá thành sản xuất tăng cao là mong muốn được Bộ Công Thương, Chính phủ cho phép tăng giá bán lẻ điện bình quân với mức tương đương nhằm bù lỗ hoặc chí ít là giúp cân đối bài toán tài chính.
Theo tính toán của giới chuyên gia, để phương án giảm lỗ lớn của EVN, giá điện bán lẻ bình quân năm 2023 cần phải tăng bằng với mức tăng giá thành sản xuất, kinh doanh điện 9,27%. Để giúp EVN cân đối tài chính, mức tăng giá điện bán lẻ cần trên 11%. Tuy nhiên, tác động này sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế và doanh nghiệp.
Trước đó, năm 2019 EVN cũng công bố giá thành sản xuất điện của năm này tăng 7,03% so với giá thành sản xuất điện năm 2018, nhờ đó mà đơn vị này được phép tăng giá điện lên 8,36% từ tháng 3/2019. Tuy nhiên, từ đó đến nay dù giá thành sản xuất có tăng, song EVN vẫn phải hy sinh, chịu trận, không được tăng giá điện.
Theo tính toán, để bù đắp con số lỗ trên 1,1 tỷ USD trong giá điện của EVN, đòi hỏi giá thành sản xuất điện phải tăng từ 9-9,72%.
Thấy gì từ biểu giá điện mới tăng đồng loạt ở 6 bậc giá điện
Cùng ngày EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương cũng công bố biểu giá điện mới của 6 bậc thang, với tỷ lệ tăng tương ứng từ bậc 1 lên bậc 6 mức 50 đến 88 đồng/kWh, tương ứng với giá điện từ ngưỡng 1.728 đồng đến trên 3.015 đồng/kWh.
Cụ thể, đối với điện bậc 1, hộ sử dụng từ 0-50 kWh, giá điện tăng từ 1.678 đồng/kWh lên 1.728 đồng/kWh, tăng 50 đồng/kWh; điện bậc 2, hộ sử dụng điện từ 51-100kWh, giá diện tăng từ 1.734 đồng len 1.786 đồng, tăng 52 đồng/kWh; điện bậc 3, tăng 60 đồng/kWh lên mức 2.074 đồng/kWh; điện bậc 4 tăng 76 đồng/kWh lên mức 2.612 đồng/kWh; điện bậc 5 tăng 85 đồng/kWh lên mức 2.919 đồng/kWh và điện bậc 6 tăng 88 đồng/kWh, lên mức 3.015 đồng/kWh.
Như vậy, nhìn chung biểu giá điện bậc thang có tính luỹ tiến, càng sử dụng điện càng cao, giá điện càng tăng. Hộ sử dụng ít điện từ dưới 100kWh điện/tháng, mức tăng giá điện chỉ 50-52 đồng/kWh thấp hơn mức tăng giá điện bình quân (55,9 đồng).
Hộ sử dụng điện từ 101 đến trên 401 kWh điện, mức tăng sẽ cao hơn mức tăng giá điện bán lẻ bình quân, cụ thể là từ 60 đồng lên đến 88 đồng/kWh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.