Tăng giá điện mùa nắng nóng: Hoá đơn tiền điện sẽ tăng phi mã?

An Linh Thứ sáu, ngày 05/05/2023 07:02 AM (GMT+7)
Giá điện bán lẻ tăng lên 55,9 đồng/kWh từ ngày 4/5 dấy lên lo ngại hoá đơn tiền điện của người dân sẽ tăng cao, nhất là trong bối cảnh bắt đầu mùa nắng nóng đầy khắc nghiệt.
Bình luận 0

Tăng giá điện bán lẻ, EVN tăng doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng

Trả lời báo chí về phương án tăng giá điện bán lẻ bình quân 3% ngày 4/5, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN khẳng định, việc tăng giá điện 3% ước tính giúp doanh thu 8 tháng cuối năm tăng hơn 8.000 tỷ đồng, từ đó góp phần giảm thiểu khó khăn cho EVN, nhưng lãnh đạo EVN thừa nhận chưa thể giải quyết khoản lỗ khủng 1,1 tỷ USD phát điện năm 2022.

Theo tính toán, năm 2022 giá thành sản xuất điện của EVN tăng 172,36 đồng (tăng 9,27%) so với năm 2021; bản thân EVN khi đưa ra thông tin này mong muốn được Bộ Công Thương, Chính phủ cho phép tăng giá bán lẻ điện bình quân với mức tương đương nhằm bù lỗ hoặc chí ít là giúp cân đối bài toán tài chính.

Tăng giá điện mùa nắng nóng: Hoá đơn tiền điện sẽ tăng phi mã!? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN (Ảnh EVN)

Trước đó, năm 2019 EVN cũng công bố giá thành sản xuất điện của năm này tăng 7,03% so với giá thành sản xuất điện năm 2018, nhờ đó mà đơn vị này được phép tăng giá điện lên 8,36% từ tháng 3/2019. Tuy nhiên, từ đó đến nay dù giá thành sản xuất có tăng, song EVN vẫn phải hy sinh, chịu trận, không được tăng giá điện. Theo tính toán, để bù đắp con số lỗ trên 1,1 tỷ USD trong giá điện của EVN, đòi hỏi giá bán lẻ điện phải tăng từ 9-9,72%.

Về tác động đến CPI và đời sống người dân trong mùa nắng nóng bắt đầu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trấn an dư luận và cho biết có những tác động nhưng không nhiều.

Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Thống kê nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5% điện, CPI sẽ tăng 0,17%; thực tế giá điện chỉ tăng 3% thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu tác động đến CPI, do đó tác động đối với nền kinh tế là không nhiều.

Đối với khách hàng, EVN cho rằng, tăng giá điện 3% khiến hộ tiêu dùng điện từ 50 kWh/tháng (thuộc biểu giá điện bậc 1), hộ sử dụng ít điện chỉ nộp thêm 2.500 đồng/hộ. Đối với hộ sử dụng 100 kWh/tháng, số tiền tăng thêm là 5.100 đồng, hộ sử dụng 200 kWh/tháng sẽ tăng tiền thêm 18.700 đồng/tháng, hộ sử dụng trên 400 kWh sẽ tăng thêm 27.200 đồng/tháng.

Về bản chất, hành động tăng giá của bất kỳ loại hàng hoá, dịch vụ nào cũng gây tác động tiêu cực đến đối tượng sử dụng hàng hoá và dịch vụ đó, ở đây là loại hàng hoá có độ nhạy cảm cao "điện" và đúng thời điểm nắng nắng bước vào thời gian cao điểm.

Kịch bản "hoá đơn tiền điện tăng phi mã"

Thực tế, mức tăng giá điện 3% từ 4/5 là mức tăng thấp nhất trong 10 lần quyết định điều chỉnh giá trong vòng 14 năm qua (từ 2009). Cụ thể, mức tăng thấp nhất ghi nhận của giá điện là 5% ở 3 năm liên tiếp 2011, 2012, 2013. Các năm khác đều có mức tăng từ 7 đến gần 9% và mức tăng cao nhất ghi nhận là tháng 3 năm 2011 với mức 17,39%.

Tăng giá điện mùa nắng nóng: Hoá đơn tiền điện sẽ tăng phi mã!? - Ảnh 2.

Đại diện EVN trả lời về các vấn đề xung quanh việc tăng giá điện 3% (Ảnh An Linh).

Tuy nhiên, việc tăng giá trong điều kiện mùa nắng nóng bắt đầu dấy lên nhiều lo ngại đối với người dân, đặc biệt là nguy cơ hoá đơn tiền điện sinh hoạt của hộ gia đình tăng mạnh do thời gian sử dụng nhiều thiết bị quạt, điều hoà.

Theo chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng tăng giá điện sẽ tác động đến nền kinh tế, đặc biệt hộ tiêu dùng điện trong bối cảnh nắng nóng cao điểm.

Vị này ví dụ, tính trung bình mỗi hộ gia đình tại thành phố sử dụng một máy điều hòa nhiệt độ từ 9.000 BTU trở lên, ngày trung bình sử dụng 8 tiếng, người ta tính toán điện tiêu thụ khoảng 0.9 kWh/ngày. Nếu sử dụng đều 30 ngày, tiền điện tính theo luỹ tiến có thể ở mức 500.000 đồng. Nếu trong điều kiện bình thường, hoá đơn tiền điện mùa nắng nóng đã cao,  nếu tăng giá thêm, giá điện sẽ còn cao hơn nữa.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí đầu vào của EVN tăng cao, chi phí phát điện cao và giá điện thương phẩm bán ra đang lỗ so với giá sản xuất, việc tăng giá là điều kiện bắt buộc. Nhà điều hành đã tính toán rất kỹ các phương án tăng giá điện tại thời điểm và tỷ lệ để làm sao bớt ảnh hưởng đến nền kinh tế, lạm phát và người dân", vị chuyên gia cho hay.

Tăng giá điện mùa nắng nóng: Hoá đơn tiền điện sẽ tăng phi mã!? - Ảnh 3.

Phương án tăng giá điện 3% chắc chắn tác động không nhỏ đến tiền điện sinh hoạt của mỗi hộ gia đình (Ảnh minh hoạ EVN cung cấp)

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, với phương án tăng giá điện 3%, theo tính toán của chúng tôi, ước giá điện làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,99% vòng 1 - trực tiếp, còn vòng hai tác động tăng khoảng 0,1 %. Nếu mà tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất mà dùng điện nhiều, ví dụ như là sản xuất thép thì giá thành tăng khoảng 0,18 %; giá thành xi măng tăng khoảng 0,45 % và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4 %. Còn đối với người tiêu dùng bình quân của 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay bình quân khoảng 200kWh/tháng thì tăng khoảng 12.000 đồng cho một tháng tiêu dùng điện.

Chuyên gia kinh tế, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Nên thông cảm với quyết định tăng giá điện của EVN và Bộ Công Thương bởi lẽ chi phí phát điện tăng rất cao, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới".

Theo TS Doanh, mức tăng 3% là thấp so với số lỗ của EVN và là mức thấp so với mức tăng giá điện của nhiều nước. Bằng chứng là EVN đã nhiều lần đưa ra mức giá điện bình quân của các nước so với giá điện của Việt Nam. Nếu không tăng giá điện, sẽ giảm sức hút đầu tư điện trong trung và dài hạn.

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Học việ Tài chính nhận định: Tăng giá 3% là hợp lý, chấp nhận được. Nhưng điều tôi băn khoăn nhất là nếu chỉ tăng 3% thì sao năm trước không cho EVN tăng để giảm áp lực lỗ cho EVN mà phải chờ đến hiện nay. Có hai vấn đề một là chưa kiểm toán số lỗ của EVN và thứ 2 là EVN muốn đề xuất tăng cao hơn từ 10% nhưng không được xem xét chấp nhận được.

Có nhiều giả thiết là EVN và Bộ Công Thương cho phép tăng giá điện 3% thời điểm hiện nay là cơ sở để giá điện cuối năm sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng: "Tăng bao nhiêu phải tính toán, có thể là cuối năm EVN được tăng giá tiếp. Quy định theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg là hai lần tăng giá điện tối thiểu phải cách nhau 6 tháng. Chính vì vậy, người ta cho rằng hiện nay EVN tăng giá chỉ để ''giải quyết tình huống tạm thời", đỡ lỗ cho EVN", ông Thịnh phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem