Politico lưu ý rằng, Mỹ coi vấn đề này đã được giải quyết nhờ nguồn cung cấp tên lửa tầm xa từ Vương quốc Anh.
Theo kế hoạch, London sẽ gửi tên lửa có tầm bắn 300km tới Ukraine. Tầm bắn này tương đương Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân được gọi tắt là ATACMS mà Washington đã từ chối cung cấp cho Ukraine.
Politico dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng "chính sách của chúng tôi về ATACMS không thay đổi". Mặc dù không cung cấp ATACMS cho Ukraine nhưng vị quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các hệ thống Patriot, đạn dược và phương tiện chiến đấu bọc thép.
Trước đó, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói với Defense One vào tháng 3 rằng, Mỹ thậm chí không có đủ ATACMS trong kho vũ khí dự phòng của mình. “Từ quan điểm quân sự, chúng tôi có tương đối ít ATACMS, chúng tôi cũng phải đảm bảo duy trì kho đạn dược của riêng mình", Tướng Milley nhấn mạnh.
Việc Anh chấp nhận cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine được cho là đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden thở phào nhẹ nhõm, theo nhiều quan chức Mỹ nói chuyện với Nhật báo NatSec.
Nhà Trắng hy vọng động thái này sẽ "bịt miệng" những người chỉ trích muốn Mỹ gửi ATACMS cho Ukraine vì Kiev có thể sớm nhận được tên lửa tầm xa từ London.
Mặc dù quyết không theo chân Anh gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine, nhưng chính quyền Biden vừa công bố thêm gói viện trợ an ninh 1,2 tỷ USD cho Kie. Gói này bao gồm đạn dược và các hệ thống phòng không, cùng thiết bị để tích hợp hệ thống của phương Tây vào mạng lưới sẵn có của Ukraine, vốn chủ yếu là khí tài từ thời Liên Xô. Gói viện trợ mới cũng có đạn tên lửa, UAV hỗ trợ phòng không, pháo, rocket, ảnh vệ tinh, kinh phí bảo trì và phụ tùng thay thế của nhiều hệ thống vũ khí.
Gói hỗ trợ trị giá 1,2 tỷ USD, cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) để đảm bảo nhu cầu an ninh trong tương lai của Ukraine, khác với các đợt viện trợ vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự được rút thẳng từ kho của quân đội Mỹ trước đây. Gói này nâng tổng viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine lên gần 37 tỷ USD từ khi xung đột giữa Kiev và Moskva bùng phát tháng 2/2022.