Là Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi lươn ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) ông Hải được biết đến là một nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lươn thịt và giống.
Hiện chi hội có 22 hộ nuôi lươn với 132 bồn với tổng diện tích hơn 22.000m2, số lượng gần 250.000 con lươn giống và thịt. Thu nhập bình quân từ mô hình đạt 5,5-7 triệu đồng/hộ/tháng. Đạt được kết quả này có vai trò rất lớn của ông Hải trong việc tìm tòi hướng đi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, từ đó vận động người dân làm theo.
Trang trại nuôi lươn của Chi hội trưởng nông dân nghề nghiệp Nguyễn Thanh Hải, ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: NQ.
Sở hữu 1,5ha đất ruộng, thu nhập gia đình ông Hải trước đây chủ yếu từ trồng lúa và nghề sửa điện tử. Đất nhiễm phèn nên những năm sau đó thu nhập của gia đình ông Hải khá bấp bênh. Qua thời gian tìm hiểu, ông nhận thấy mô hình nuôi lươn dễ thực hiện, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán ổn định nên ông mạnh dạng xây bồn xi măng bắt tay nuôi lươn thương phẩm.
Từ 2.000 con giống ban đầu, sau 1 năm thấy hiệu quả, ông Hải tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 15 bồn xi măng và thả nuôi 30.000 con lươn. Không chỉ thành công với quy trình nuôi lươn thịt, ông Hải còn tham khảo từ sách báo, các kênh dạy nuôi lươn sinh sản rồi mày mò tạo khu vực ao đất hoang dã để nuôi lươn sinh sản. Bước đột phá này giúp ông Hải gặt hái thành công ngoài mong đợi, đem về cho ông khoản lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.
Năm 2021, ông Hải vận động rồi hướng dẫn cho 3 hộ trong ấp nuôi lươn thịt. Bà con tận dụng mặt nước, ao, hồ, chuồng heo bỏ trống, sử dụng cá tạp để làm thức ăn nuôi lươn với số lượng từ 6.000- 8.000 con/hộ. Thấy nuôi lươn không khó, lại cho hiệu quả kinh tế khá, ông Hải tiếp tục thuyết phục 8 hộ khác cùng thực hiện để có nguồn nguyên liệu ổn định, hợp đồng với một siêu thị đặt hàng sản xuất lươn sạch.
"Từ thực tế sản xuất, tôi nhận ra chỉ có liên kết sản xuất mới có thể phát triển bền vững.", ông Hải bộc bạch. Từ đó, ông cùng Chi hội nông dân ấp Võ Thành Nguyên tuyên truyền, vận động, hội viên, nông dân tham gia thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi lươn sinh sản và thương phẩm.
Từ 12 hộ ban đầu, đến nay, chi hội đã có 22 hội viên nông dân đăng ký tham gia. Giữa năm 2021, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh giải ngân 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho anh Hải và 9 hộ dân thực hiện dự án nuôi lươn thịt.
Theo ông Hải, với nguồn vốn này, ông và bà con có thêm điều kiện để mở rộng quy mô nuôi, đầu tư trang thiết bị để nghề nuôi lươn. Đa số hội viên đều nuôi lươn thịt, một số ít hộ vừa nuôi lươn thịt, lươn sinh sản kết hợp với trồng lúa, nuôi cá, heo, trồng rau màu, thu nhập tăng từ 2-3 lần so với trước.
"Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì yếu tố quan trọng đó là được sự quan tâm của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương, nhất là Hội Nông dân xã, Chi hội Nông dân ấp. Không chỉ vậy, Hội Nông dân còn tạo điều kiện cho tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giúp tôi nắm được quy trình chăm sóc lươn", ông Hải chia sẻ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, hàng năm gia đình ông Hải còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật nuôi lươn thịt, lươn sinh sản cho 5-7 hộ, tạo việc làm cho gần 36 lao động/tháng.