Soi đèn ban đêm đi bắt con "vũ nữ chân dài" ở Kiên Giang, xưa chẳng mấy ai thèm, nay hóa đặc sản

Thứ tư, ngày 26/04/2023 05:17 AM (GMT+7)
Mỗi khi trời sẩm tối, chúng tôi nôn nao cho chuyến soi nhái đêm. Nhà tôi ở mé sông, phía sau bạt ngàn đồng ruộng, khi thấy ánh đèn là tôi biết đến lúc đi soi nhái.
Bình luận 0

Những cơn mưa chợt đến, chợt đi. Nhìn mưa rơi, tôi như sống lại cảm giác của đứa trẻ quê ngày nào. Quê tôi ở miệt vườn, đất rộng, người thưa, nhà ở quê cách nhau có khi cả cây số nhưng hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. 

Nhờ vậy mà ngày xưa những đứa trẻ chúng tôi thân thiết, đi đâu làm gì, chúng tôi cũng tụm năm, tụm bảy. Mỗi khi học bài xong, chúng tôi rủ nhau đi chơi. Khoảng 8 - 9 tuổi, chúng tôi đi bắt cá, tôm, tép, hôm nào bắt được cá về đưa má nấu ăn, tôi tự hào lắm. Khi trên đồng xả nước sạ lúa, chúng tôi hẹn nhau tối xin người lớn đi soi nhái.

Mỗi khi trời sẩm tối, chúng tôi nôn nao cho chuyến soi nhái đêm. Nhà tôi ở mé sông, phía sau bạt ngàn đồng ruộng, khi thấy ánh đèn là tôi biết đến lúc đi soi nhái. Theo người lớn, thời làm lúa mùa, nhái có vào tháng mưa và những tháng nước ngập ngoài đồng, nhái tìm vào đất vườn hay những lối cỏ ven đường.

Đến thời làm lúa sau này, khi bơm nước lên sạ lúa hè thu, nhái trong đất cày bị ngập nước vào dịp sạ lúa là lúc dễ bắt nhái. Người ta thường bắt nhái cơm, nhái bầu về ăn, còn nhái chàng, nhái bén hay nhái hương thì bắt để cắm câu vì nhái là món khoái khẩu cho cá lóc, cá trê.

Nhái gặp ánh đèn pha trở nên chậm chạp nên chúng tôi dễ bắt bằng tay. Tiếng kêu của nhái giống dế, kêu một hồi rồi nghỉ, phút chốc lại vang lên. Trên đồng buổi tối, tiếng nhái hòa với tiếng kêu của các loại côn trùng, ba tôi hay nói là tiếng gọi đồng quê. Phân biệt được tiếng kêu này thì có thể dễ tìm thấy nhái ở bụi rậm.

Đi ruộng xa nhà chút là chúng tôi bám người lớn không rời. Vừa lia đèn soi nhái vừa hồi hộp. Trời tối có khi chúng tôi bị sụp đất, chân thấp chân cao, vì vậy các bạn gái ít đi soi nhái. Buổi chiều có mưa, chúng tôi đi tầm hơn hai công đất là cái giỏ đựng nhái đã nặng trịch, ước chừng đủ ăn là chúng tôi về nhà sớm.

Soi đèn ban đêm đi bắt con "vũ nữ chân dài" ở Kiên Giang, xưa chẳng mấy ai thèm, nay hóa đặc sản - Ảnh 1.

Người dân ở xã Phi Thông (TP Rạch Giá) soi nhái đêm. Con nhái ví như "vũ nữ chân dài" giờ đây trở thành đặc sản.

Gần 5 giờ sáng, tiếng lạch cạch dao thớt sau bếp của má làm chị em tôi thức dậy. Trường xa nhà nên trẻ con quê tôi dậy sớm ăn uống chuẩn bị đi học. Trong khi sửa soạn tập sách, tôi đã nghe mùi nhái xào thơm lừng của má. Nồi cháo nhái này thay mẻ cơm rang ăn sáng hàng ngày của tôi.

Theo má, con nhái nhỏ hơn con ếch nhưng thịt nó giàu dinh dưỡng và làm nhiều món ngon, cầu kỳ như thịt nhái bằm nhuyễn dồn khổ qua, nấu cháo, xào sả ớt… Sáng sớm với chén cháo ấm bụng, ngọt vị thịt nhái, chị em tôi sung sướng, càng thích hơn khi được người lớn nhắc về chuyện đi soi nhái có sự góp công của chúng tôi. Mấy bác với ba má tôi tranh thủ ăn sớm để ra đồng.

Vào mùa mới, nào sạ, nào cấy, nào dặm lúa nên trời chưa hửng sáng là mọi người phải cơm nước để đi cho kịp. Khi mùa nhái đến, cả nhà cùng bắt nhái rồi ăn rất vui.

Những năm thập niên 80, nhái không chỉ là món ăn cho gia đình mà một số nhà nông ít đất cũng làm nghề soi nhái mưu sinh. Ngày xưa, nhái nhiều giá rẻ nhưng đem bán cũng kiếm được chút tiền chợ. 

Ở quê kênh rạch, bạn hàng thường chạy vỏ lải hay ghe bán thức ăn, mấy đồ dùng lặt vặt trong nhà. Hôm nào, bạn hàng đi ngang qua nhái nhiều dư ăn, bác tư tôi lấy nhái đổi đồ ăn. Qua biết bao mùa lúa trổ, chúng tôi lớn lên, tiếng nhái vẫn rộn vang trên đồng quê mỗi khi mưa đầu mùa.

Thúy Tài (Báo Kiên Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem