Dân Việt

Vô miệt vườn Vĩnh Long tha hồ ăn trái cây ngon, xem dân bán mít Thái mà bất ngờ

Hoài Thương 11/05/2023 13:45 GMT+7
Quê tôi ở miệt vườn. Ai cũng thích về xứ tôi để ăn trái cây, để được đi dưới bóng mát của những hàng dừa kiêu hãnh khuấy mây, của những hàng xoài trĩu quả. Mít Thái có trái quanh năm, nhưng anh Hai xử lý cho trái tránh mùa mưa, vì vào mùa mưa trái mít dễ bị xơ đen...

Hái dừa uống mát lòng ngày nắng nóng, ăn trái chín cây trừ cơm. Những ngôi nhà tường khang trang mát mẻ lấp ló giữa vườn cây xanh.

Nghe những câu chuyện loanh quanh việc đốn chặt cây này trồng cây kia, chuyện giá cả khi ngoi lên khi ngụp xuống, giá trái cây nhảy múa tung tăng, nghe mà xót ruột quá.

Hôm nghỉ lễ về quê, chúng tôi ghé qua vườn mít anh Hai đang cho trái để selfie, với những trái to được bao cẩn thận. Đúng lúc ấy, anh Hai kêu thương lái vô bán mít với giá “cũng được”.

Vô miệt vườn Vĩnh Long tha hồ ăn trái cây ngon, xem dân bán mít Thái mà bất ngờ - Ảnh 1.

Miệt vườn Vĩnh Long có mùa mít ngọt.

Chắc có lời được chút ít nên anh Hai mới bảo giá “cũng được”. Mít đạt chuẩn xuất khẩu dành cho mít nhất với giá 30.000 đồng/kg. Mít nhì thì 20.000 đồng/kg và còn phân ra nào kem nhất, kem nhì nữa, giá rớt xuống từ từ theo cách phân loại của người mua.

Nhìn trái mít thương lái sẽ biết ngay mít già chưa, anh thương lái thấy trái mít nào gai căng, lấy tay vỗ vào trái mít, nghe tiếng phát ra bồm bộp là anh cắt liền. Vì biết chắc nó đã già.

Trái nào nghe tiếng kêu chưa rõ tiếng “bồm bộp” anh cẩn thận kiểm tra lại bằng cách thử mủ mít, nếu mủ lỏng và trong là già.

Mít có trái quanh năm, nhưng anh Hai xử lý cho trái tránh mùa mưa, vì vào mùa mưa trái mít dễ bị xơ đen. Hái hết những trái mít già trong vườn. Anh thương lái bắt đầu phân loại mít. Anh dựng đứng trái mít lên, cắt cùi ngang mặt trái mít ngọt xớt.

Đưa dao cắt một miếng mỏng vào khoảng gần 1/3 mặt trái mít để xem múi. Nếu múi dày và số múi được nhìn thấy trên mặt mít vừa cắt, thẩy lên cân để phân loại.

Anh làm rất chuyên nghiệp, nhiều mít như vậy mà anh phân loại trong tích tắc. Mít nhất phải đạt “ngoại hình” đẹp, cân nặng “đúng chuẩn”, múi phải to và dày.

Muốn trái mít có “ngoại hình” đẹp mít phải được mặc vào chiếc túi lưới để tránh sâu đục trái. Túi lưới ấy với giá thị trường cũng mất hết 5.800- 6.000 đồng/túi nhưng nếu để sâu đục trái dù một lỗ nhỏ thôi, hay trái mít có “sẹo” một chút là rớt giá hoặc thương lái không mua.

Anh thương lái bảo, vì hàng xuất khẩu, trái vậy là “rớt” lại rồi, chỉ bán được mít ăn với giá 10.000 đ/kg thôi.

Chiếc kim nhảy đến con số 17, cậu Sáu ngồi kế bên xem thương lái cân mít, “trái mít này nửa triệu bạc rồi Hai ơi”. Đó là trái mít Thái to nhất trong vườn anh Hai. Anh thương lái quay sang cậu Sáu bảo: “Có những trái đến hai mươi ký. Tháng trước với giá 55.000-58.000 đồng/kg nên có trái tới một triệu hai đó cậu”. Nông dân có mùa mít ngọt.

Cậu Sáu gật đầu: “Mùa mít rồi ai có mít để bán là lời to. Tui thấy ham nên mới mua mấy trăm cây mít giống về trồng kìa. Tôi mới xuống giống ngày hôm qua.

Tui trồng mà sợ nó bị xơ đen với rớt giá. Không lấy lại được vốn chắc má sắp nhỏ nhằn tui. Mà chịu chớ đâu biết trước được, hên xui thôi”.

Cậu Sáu trúng mạch kể: “Như thằng em vợ tôi, nghe thanh long ruột đỏ có giá, nó trồng 6 công. Xui cho thằng nhỏ, giá chỉ còn vài ngàn đồng một ký, kêu mà lái không vô nữa chứ.

Rồi chặt thanh long, em vợ tôi vay ngân hàng năm sáu trăm triệu để trồng cam sành. Hên lúc đó trúng giá bán được 15.000-17.000 đ/kg, trả gốc trả lãi hết ngân hàng còn lời được chiếc xe hơi. Như thằng Hai nè, hên không nè. Trồng ớt trúng ớt, quay sang trồng mít trúng mít.

Xóm này ai cũng khen nó hết”. Rồi cậu Sáu quay sang anh Hai bảo: “Mày nhớ chừa một trái để chín đem nướng ngâm rượu đãi anh em ở xóm một bữa nhe Hai”.

Miệt vườn ngâm rượu với trái cây để vị ngọt trái cây làm dịu đi cái cay nóng của rượu, như rượu chuối, rượu mít… Uống vào còn chút ngọt vương ở họng.

Anh Hai đưa tay vỗ vỗ trái mít nói: “Trồng và nuôi thì hên xui lắm cậu Sáu ơi, khó mà lường trước được. Vì thị trường không ổn định nên giá trái cây lên xuống bất thường, làm trái tim của người dân lúc nào cũng không yên. Cứ đập thình thịch theo nhịp giá lên xuống”.

Miệt vườn với vườn trái cây xum xuê vậy chứ người dân còn mang nỗi lo, đó là nỗi lo giá cả cứ nhảy múa tung tăng, cứ ngoi lên ngụp xuống.