Trung tâm quản lý giao thông công cộng vừa TP.HCM cho biết, giá vé cho tuyến metro số 1 được Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) xây dựng theo phương pháp so sánh. Cụ thể, giá vé đề xuất gồm giá vé lượt là 9.000-24.000 đồng/lượt, giá vé lượt thanh toán bằng thẻ nạp tiền là 7.000-18.000 đồng/lượt, giá vé 1 ngày là 48.000 đồng/ngày, giá vé 3 ngày là 108.000 đồng/ngày, giá vé tháng áp dụng cho hành khách phổ thông là 330.000 đồng/tháng, giá vé tháng áp dụng cho học sinh, sinh viên là 165.000 đồng/tháng.
Trong đó, giá vé tháng áp dụng cho hành khách phổ thông và giá vé tháng áp dụng cho học sinh, sinh viên sẽ được áp dụng khi hệ thống AFC tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên được nâng cấp hoặc có giải pháp khác áp dụng được hình thức vé tháng.
Theo trung tâm, so sánh giá vé đề xuất của tuyến đường sắt này với giá vé tuyến đường sắt đô thị Cát Linh, Hà Đông, nhận thấy giá vé tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên sau khi quy đổi về giá vé bình quân 1km là tương đồng với giá vé tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Ngoài ra, mức giá vé đề xuất từ 9.000-24.000 đồng/lượt, chi phí sử dụng tuyến metro số 1 là phù hợp với khả năng sẵn sàng chi trả của hành khách theo nghiên cứu của các chuyên gia dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Trung tâm cho rằng, mức giá vé trong giai đoạn đầu khi tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đi vào vận hành của Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM là phù hợp. Tuy nhiên, theo báo cáo hệ thống bán vé AFC hiện hữu không hỗ trợ định danh đối với hành khách sử dụng vé tháng, do đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại đối với nhóm khách hàng có thu nhập thấp như công nhân, học sinh, sinh viên....
Do đó, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM cần nghiên cứu phương án sử dụng loại vé tháng phổ thông, vé tháng học sinh, sinh viên theo hình thức kiểm soát vé khi ra vào cổng như hình thức kiểm soát vé miễn phí đang đề xuất.
Về lâu dài, chủ đầu tư cần quan tâm, thực hiện đầu tư nâng cấp để đảm bảo tính hiệu quả của các loại vé trên tuyến, nghiên cứu bổ sung thêm các loại giá vé theo giờ, vé tháng liên tuyến... nhằm tăng nhiều loại hình về đáp ứng được nhu cầu sử dụng của từng đối tượng sử dụng.
Ngoài ra, về chính sách miễn giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên, trung tâm cũng thống nhất với đề xuất miễn giảm giá vé áp dụng đối với các đối tượng ưu tiên đã được cơ quan quản lý nhà nước quy định cho hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.HCM và các quy định pháp luật liên quan.
Đồng thời, đề xuất miễn, giảm giá vé cho các đối tượng hành khách đặc biệt trong các ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Quốc tế thiếu nhi (1/6), ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7)...
Đặc biệt, trung tâm nhận thấy chủ đầu tư đã có tính toán ước tính chi phí, doanh thu, trợ giá cho tuyến đường sắt đô thị trong 5 năm đầu vận hành.
Việc xác định giá vé phải đảm bảo tính hấp dẫn, thu hút người dân sử dụng dịch vụ đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối ngân sách cho trợ giá.
Tuy nhiên, do tuyến ĐSĐT số 1 đến nay chưa đi vào hoạt động và là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM nên chưa có số liệu chính thức, việc xác định chi phí, doanh thu, trợ giá chỉ mang tính chất tương đối.
Vì vậy, trung tâm đề xuất áp dụng mức giá vé cho giai đoạn đầu, sau 1 năm vận hành sẽ thực hiện đánh giá và đề xuất điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế.