Dân Việt

Cả nước đã có 340 giảng viên "xịn" về sức khỏe cây trồng - những chuyên gia trên đồng ruộng

Khánh Nguyên 14/05/2023 18:52 GMT+7
Trong 3 năm thực hiện, dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” (IPHM) đã đào tạo được 39 giảng viên IPHM nguồn, 60 giảng viên quốc gia, 241 giảng viên chuyển đổi.

Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên triển khai IPHM

Ngày 15/6/2022, khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (TOT-IPHM) đầu tiên đã được bế giảng tại Hưng Yên với sự tham gia của 30 học viên (giảng viên tương lai) đến từ 17 tỉnh thành phố phía Bắc. Được biết, khóa đào tạo này là 1 trong 2 khóa đào tạo TOT-IPHM do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) tổ chức nằm trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM - Plant Health)" do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tài trợ, đã được Bộ NNPTNT phê duyệt và giao Cục Bảo vệ thực vật làm chủ dự án.

Mục tiêu của chương trình đào tạo là trang bị cho các học viên những nội dung đa dạng, bao trùm liên quan tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người…

Cả nước đã có 340 giảng viên "xịn" về sức khỏe cây trồng - những chuyên gia trên đồng ruộng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại Hội nghị tổng kết dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM - Plant Health)". Ảnh: P.V

Lớp đào tạo thứ hai được mở tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam với 30 học viên đến từ Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phía Nam tham gia. Thời gian học bắt đầu vào tháng 5/2022 và kết thúc cuối tháng 8/2022. Cùng với kết hợp học lý thuyết với thực hành, các học viên còn thực hiện 10 thí nghiệm ngoài đồng liên quan đến nội dung và chủ đề về IPHM. Trong khuôn khổ lớp học, các học viên cũng tham gia tổ chức 5 lớp huấn luyện về IPHM cho 150 nông dân tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á triển khai chương trình IPHM. Theo Cục BVTV, sau 2 năm thực hiện, đến thời điểm hiện tại, thành công lớn nhất của dự án là đã lồng ghép được chương trình IPHM vào "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050" theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ". 

Cụ thể, ngày 27/5/2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ký Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH ban hành "Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam được xác định là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Đào tạo những chuyên gia trên đồng ruộng - Ảnh 1.

Một buổi thực địa đồng ruộng của giảng viên TOT-IPM ở Điện Biên. Ảnh: TTKNQG

Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp" được tài trợ bởi Tổ chức FAO tại Việt Nam, thời gian thực hiện trong 2 năm (từ 29/4/2021 - 29/4/2023). Thông qua việc xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM, dự án hướng tới nâng cao năng lực quản lý sức khỏe cây trồng, giảm thiểu tổn thất do bệnh hại, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam.

Những chuyên gia trên đồng ruộng

Theo báo cáo của Cục BVTV, chương trình IPM do Bộ NNPTNT quản lý, trong đó BVTV là đơn vị thực hiện từ đầu những năm 1990. 

Tiếp nối chương trình này, tháng 6/2021, Cục BVTV và đại diện FAO tại Việt Nam triển khai dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp", thực hiện trong 2 năm (2021-2022).

Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống BVTV. Các hoạt động của dự án tập trung nghiên cứu, xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Qua đó nâng cao năng lực cho giảng viên và các cán bộ liên quan nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (NP-IPHM).

Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc đã có 48 tỉnh với 301 giảng viên TOT-IPHM, trong đó 42 tỉnh được đào tạo nâng cao, chuyển đổi từ giảng viên TOT-IPM sang TOT-IPHM. Cùng với 39 giảng viên TOT-IPHM lớp giảng viên nguồn thì hiện tại đã có 340 giảng viên TOT-IPHM ở cả Trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai, dự án vẫn gặp một số khó khăn như: Hiện tại, đã có 340 giảng viên TOT-IPHM ở cả trung ương và địa phương, tuy nhiên theo mục tiêu của Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV mỗi tỉnh có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh thì mới chỉ có 30 tỉnh có từ 1 - 3 giảng viên TOT-IPHM quốc gia, 42 tỉnh có giảng viên TOT-IPHM cấp tỉnh.

 So với nhu cầu mục tiêu của Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV cần 315 giảng viên quốc gia và 1.260 giảng viên cấp tỉnh thì còn thiếu 255 giảng viên quốc gia và 1.019 giảng viên cấp tỉnh...

Từ thực tế đó, ông Dương kiến nghị, Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ chương trình IPHM; đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, chuyển giao, đào tạo, tập huấn về IPHM cho cán bộ, doanh nghiệp và nông dân trên cả nước; lồng ghép nội dung quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) vào các phương án chỉ đạo điều hành, chương trình dự án liên quan đến sản xuất trồng trọt, tổ chức vùng nguyên liệu.