Hội nghị khuyến nông toàn quốc: Nhiều mô hình vượt ra khỏi phạm vi trình diễn, giúp nông dân tăng thu nhập

Công Tâm Thứ sáu, ngày 24/03/2023 16:34 PM (GMT+7)
Ngày 24/3, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023.
Bình luận 0

Hệ thống khuyến nông tiếp tục hoàn thiện, củng cố

Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Bên cạnh đó, hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính, các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; cùng đại diện Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành trên cả nước; các tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Hội nghị khuyến nông toàn quốc: Nhiều mô hình vượt ra khỏi phạm vi trình diễn, giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023. Ảnh: Công Tâm

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, năm 2022, hoạt động khuyến nông tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ; sự ủng hộ, giúp đỡ của các Tổng cục, Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ; sự chỉ đạo, đôn đốc của các cấp Đảng, chính quyền, của hệ thống khuyến nông trong cả nước và các tổ chức, các đơn vị liên quan.

Hệ thống tổ chức khuyến nông tiếp tục được hoàn thiện, củng cố, năng lực được nâng cao, đáp ứng yêu cầu và hoạt động ngày càng hiệu quả. Tính đến 31/12/2022, hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cấp xã có khoảng 12.209 người. 

Bên cạnh thuận lợi, nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến sản xuất như: Nguồn cung, cầu của thị trường nông sản không ổn định, tình trạng sản xuất không theo quy hoạch dẫn đến hiện tượng nông sản dư thừa, giá nông sản không ổn định, giá vật tư, phân bón, xăng dầu tăng cao..., dẫn đến việc triển khai các hoạt động khuyến nông gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2022, Trung tâm KNQG được Bộ giao quản lý 162 dự án Khuyến nông Trung ương trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, khuyến ngư,.. Kết quả thực hiện đạt 98,9% kế hoạch dự án được phê duyệt (theo quyết định phê duyệt, quyết định điều chỉnh) và thuyết minh dự án.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng 466 mô hình trình diễn, quy mô trên 4.000 ha cây trồng các loại; 20.320 con gia súc, gia cầm; 138 ha và 8.473m3 mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; lắp đặt hệ thống hầm bảo quản, nhật ký điện tử cho 24 tàu khai thác hải sản xa bờ; Xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa với quy mô trên 400 ha... Các dự án trên đã thu hút 12.500 hộ tham gia xây dựng mô hình, trên 28.800 lượt người được tập huấn kỹ thuật, 25.000 lượt người tham gia các hội nghị sơ kết, tổng kết, tham quan nhân rộng mô hình.

Hội nghị khuyến nông toàn quốc: Nhiều mô hình vượt ra khỏi phạm vi trình diễn, giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 2.

Các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của các địa phương được giới thiệu bên lề Hội thảo. Ảnh: Công Tâm

Đơn cử như nhóm dự án về sản xuất cây ăn quả, năm 2022 Trung tâm KNQG đã phối hợp các địa phương thực hiện 19 dự án với quy mô 482ha, triển khai tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đối tượng chính là cam, bưởi, xoài, sầu riêng, bơ, chanh leo, thanh long... 

Các dự án đã áp dụng nhiều tiến bộ tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống, trồng mới và thâm canh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chứng nhận VietGAP đạt khoảng trên 800ha, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng các yêu cầu chế biến và xuất khẩu. 

Những mô hình này đã góp phần thúc đẩy hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung như: Vùng nguyên liệu cây ăn quả tại vùng miền núi phía Bắc (các tỉnh Sơn La, Hoà Bình…), vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre…), với năng suất tăng từ 12-20%, hiệu quả kinh tế cũng tăng trên 20% so với ngoài mô hình, tỷ lệ sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt từ 40-50%; đảm bảo kết nối được thị trường phục vụ cho chế biến trong nước và xuất khẩu. 

Đặc biệt, theo đánh giá của Trung tâm KNQG, các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đã làm tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích cây trồng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi - thú y, năm 2022 Trung tâm KNQG triển khai 38 dự án với quy mô 20.320 con gia súc, gia cầm; 17ha cỏ, 15,5 ha dâu và 1.260 vòng tằm, 140 tấn thức ăn chế biến, 750 đàn ong, gần 700 hộ tham gia xây dựng mô hình, trên 4.300 lượt người được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Lĩnh vực thủy sản triển khai 35 dự án với quy mô 138,2 ha, 8.473 m3 mặt nước nuôi trồng thuỷ sản các loại, trang bị hệ thống hầm bảo quản sản phẩm, nhật ký điện tử cho 24 tàu khai thác hải sản xa bờ...

Hội nghị khuyến nông toàn quốc: Nhiều mô hình vượt ra khỏi phạm vi trình diễn, giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 4.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan các sản phẩm của địa phương. Ảnh: Công Tâm

Tại Khánh Hòa, đơn vị cũng đã triển khai một mô hình rất thành công, đó là nuôi cá giò trên biển bằng lồng HDPE theo công nghệ của Na Uy. Kết quả khảo sát mô hình cho thấy các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với yêu cầu đề ra, như tỷ lệ sống tăng 10%. Nếu so sánh với mô hình nuôi cá giò bằng lồng truyền thống thì hiệu quả kinh tế tăng 13,2%, tỷ suất lợi nhuận tăng 56% so với chi phí đầu tư. 

Mô hình triển khai là hướng đi mới cho bà con nông dân nuôi cá biển tại địa phương học tập và làm theo, các hộ tham gia mô hình nhiệt tình, ham học hỏi và có khả năng truyền đạt tốt kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cho các hộ dân nuôi cá biển khác. Đồng thời việc chuyển đổi lồng nuôi cá biển từ lồng truyền thống (lồng gỗ) sang lồng nuôi HDPE cũng sẽ hạn chế việc khai thác rừng để làm lồng, giúp bảo vệ môi trường.

Thuyết phục bà con nông dân, doanh nghiệp duy trì và nhân rộng nhiều mô hình 

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nét mới của các dự án khuyến nông triển khai thời gian gần đây là đã gắn với xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng như: Liên kết sản xuất giữa HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, bám theo nhu cầu của thị trường...

Do đó, các mô hình trình diễn đã khẳng định và chứng minh được tính hiệu quả, ưu việt khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm, đã thuyết phục được bà con nông dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà. Đặc biệt đã cấp mã số vùng trồng cho một số loài cây chủ lực như: chanh leo, bơ, sầu riêng góp phần nâng cao giá trị cho vùng nguyên liệu.

Các dự án ngoài tác động tích cực đến môi trường, xã hội còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả kinh tế cao hầu hết đều trên 10% so với sản xuất đại trà, quy mô dự án được nhân rộng từ 20% trở lên. 

Hội nghị khuyến nông toàn quốc: Nhiều mô hình vượt ra khỏi phạm vi trình diễn, giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 5.

Nhiều đại biểu quan tâm tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Công Tâm

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên trên đất liền 5.205km2, với trên 385km bờ biển, có trên 200 đảo lớn nhỏ có tài nguyên phong phú và đa dạng với nhiều loại hải sản, đặc sản có giá trị. 

Ông Trần Hòa Nam nhấn mạnh, hiện nay tỉnh Khánh Hòa có nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ nông sản lớn. Hàng năm, cung cấp lương thực cho trên 2,5 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, có trên 275 ngàn lượt khách quốc tế cùng với hơn 1,2 triệu lao động ngành nông nghiệp, dịch vụ du lịch và nhân dân trong tỉnh.

Tỉnh Khánh Hòa có hơn 100 sản phẩm nông nghiệp được gắn thương hiệu OCOP, với gần 70 đơn vị tham gia đạt từ 3- 5 sao; gồm các nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, gia vị,...

Hội nghị khuyến nông toàn quốc: Nhiều mô hình vượt ra khỏi phạm vi trình diễn, giúp nông dân tăng thu nhập - Ảnh 6.

Sản phẩm xoài Úc nổi tiếng của huyện Cam Lâm. Ảnh: Công Tâm

Một số sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu mạnh của tỉnh Khánh Hòa như: Tỏi Ninh Hòa, dừa xiêm Ninh Đa, xoài Cam Lâm, bưởi da xanh, sầu riêng, rong nho, tôm hùm, ốc hương, nước mắm Nha Trang,..

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số... 

Chiều qua, cũng tại Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, với hơn 300 cán bộ khuyến nông trên cả nước tham dự.

Đề án này được Bộ NNPTNT phê duyệt vào tháng 3/2022. Sau 1 năm triển khai, ngoài 13 tỉnh, thành phố tham gia đề án thí điểm với 26 tổ khuyến nông cộng đồng, đến nay, có thêm 12 tỉnh đã thành lập được 56 tổ.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị, các cán bộ khuyến nông cần được đào tạo bài bản để hướng dẫn cho các nông dân về chuyển đổi số một cách hiệu quả. Đồng thời, cán bộ khuyến nông cần bám sát với thị trường, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xem nông dân cần gì, nuôi con gì, bán ở đâu, để có hướng dẫn một cách cụ thể.

Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem