Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Là một trong 13 tỉnh thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng" gắn với vùng nguyên liệu nông, lâm sản, đến nay tỉnh Gia Lai đã thành lập được 20 tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ).
Ông Hoàng Thi Thơ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Gia Lai cho biết, thời gian qua, tổ KNCĐ phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai), các HTX trong vùng nguyên liệu cà phê đã hướng dẫn nông dân sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng tiêu chuẩn bền vững, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV độc hại trong sản xuất và hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn. Đồng thời khuyến khích, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh học, cũng như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo đánh giá kết quả hoạt động của Đề án sau 1 năm triển khai do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Khánh Hoà, ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp bày tỏ sự tâm đắc khi Bộ NNPTNT quan tâm xây dựng đề án tổ KNCĐ.
Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đứng tốp 2 tại Việt Nam, cũng là nhà cung ứng cà phê uy tín và có trách nhiệm trong nhiều năm qua, với hơn 60% sản lượng cà phê bán ra trên thị trường đạt các chứng nhận sản xuất bền vững toàn cầu, vì vậy ông Hiệp cho rằng, tổ KNCĐ sẽ hỗ trợ, giúp doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân trồng cà phê xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chất lượng.
Với mục tiêu phát triển ổn định vùng nguyên liệu cà phê bền vững gắn với bao tiêu sản phẩm, Vĩnh Hiệp không ngừng duy trì, mở rộng đội ngũ cộng tác viên địa bàn và phối hợp với các tổ khuyến nông cộng đồng tại Gia Lai để đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, giải quyết những khó khăn, thách thức diễn ra trên vùng nguyên liệu cà phê của nông dân và HTX sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp và khuyến nông cùng chia sẻ lợi nhuận, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng sẽ đóng vai trò là CEO khuyến nông.
Với khao khát lực lượng khuyến nông sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sẽ tiếp tục hợp tác với tổ khuyến nông cộng đồng tổ chức liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu cà phê bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu...
Trước đó, tháng 6/2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác "Xây dựng mô hình khuyến nông cộng đồng cho ngành hàng cà phê". Theo nội dung hợp tác, trong 3 năm (2022 – 2024), 2 đơn vị sẽ phối hợp xây dựng 2 mô hình tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Gia Lai, nhằm thúc đẩy sự phát triển vùng nguyên liệu cà phê khu vực Tây Nguyên.
Tại hội thảo đánh giá kết quả hoạt động của Đề án sau 1 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam bày tỏ sự vui mừng khi vai trò của khuyến nông ở cộng đồng bước đầu được đề cao. Ông Nam nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ KNCĐ không phải trên lý thuyết mà phải làm sao giúp cho lực lượng khuyến nông cơ sở có thu nhập ổn định và sống được bằng nghề khuyến nông.
Thời gian qua, việc triển khai các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp từ Chính phủ xuống Bộ, xuống tỉnh, huyện nhưng khi tới cấp xã thì còn hạn chế. Cấp xã hiện nay chỉ có 1 biên chế về khuyến nông viên nhưng đảm nhiệm nhiều lĩnh vực nên ôm không xuể.
Do đó, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc củng cố, phát huy vai trò hệ thống khuyến nông tại các địa phương là rất quan trọng. Lực lượng này không chỉ giúp địa phương tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ, hợp tác cùng các HTX, tổ hợp tác, thông tin giá cả thị trường, hướng dẫn nông dân trồng cây gì, bán ở đâu..., mà còn giúp bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, sản xuất gắn với thị trường, vùng nguyên liệu…
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2022 Trung tâm được Bộ NNPTNT giao quản lý 162 dự án Khuyến nông Trung ương trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, khuyến ngư,… Kết quả thực hiện đạt 98,9% kế hoạch dự án được phê duyệt (theo quyết định phê duyệt, quyết định điều chỉnh) và thuyết minh dự án.
Nét mới của các dự án triển khai thời gian gần đây là đã gắn với vai trò của các tổ KNCĐ, đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, bám theo nhu cầu của thị trường...
Do đó, các mô hình trình diễn đã chứng minh được tính hiệu quả, ưu việt khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đã thuyết phục được bà con nông dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà.
Đặc biệt, từ một số mô hình khuyến nông, ngành chức năng đã cấp mã số vùng trồng cho một số loài cây chủ lực như: chanh leo, bơ, sầu riêng… Các mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 10% so với sản xuất đại trà, mà còn có tác động tích cực đến môi trường, xã hội…
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện ngành nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp, sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, hệ thống khuyến nông cũng phải chuyển đổi để tiếp cận theo tư duy này, nhằm hướng đến xây dựng đội ngũ khuyến nông đa giá trị, đa mục tiêu.
Khuyến nông tiếp cận nông nghiệp đa giá trị, tức là ngoài giá trị nông sản là chính, thì bây giờ tích hợp cả kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tích hợp cả làng nghề với hệ thống sản phẩm OCOP, nông thôn mới; cũng như tiếp cận tích hợp nông nghiệp với du lịch, định hướng cho người nông dân trong sơ chế, bảo quản.
Trước đây khuyến nông chủ yếu làm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đơn thuần thì bây giờ với hoạt động của các tổ KNCĐ, sẽ đưa nhiều lực lượng khác tham gia vào công việc của khuyến nông, như các đoàn thể, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân…
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đưa ra 5 định hướng hoạt động trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Đó là nâng cao hiệu quả các dự án khuyến nông trung ương; Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông; Đổi mới nội dung và phương pháp triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông, đào tạo huấn luyện theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với các vùng nguyên liệu, tăng cường áp dụng công nghệ số, công nghệ 4.0; Củng cố hệ thống tổ chức, tăng cường năng lực cho khuyến nông các cấp; Chủ động và tích cực đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.