Tuần trước Anh xác nhận họ đang gửi tên lửa Storm Shadow tới Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với các nhà lập pháp rằng các tên lửa tầm xa "hiện đang đi vào, hoặc đang ở trong chính đất nước này".
Tuy nhiên, chính phủ Anh không xác nhận đã cung cấp bao nhiêu tên lửa cho Kiev.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Wallace nói: "Nga phải thừa nhận rằng chính hành động của họ đã dẫn đến việc cung cấp những hệ thống như vậy cho Ukraine". Vương quốc Anh trước đó đã chỉ ra rằng họ sẵn sàng gửi vũ khí tầm xa.
Chính trị gia Nga và đặc phái viên của tổng thống tại Crime, Georgiy Muradov, sau đó nói với truyền thông nhà nước Nga rằng Vương quốc Anh có thể trở thành "một lãnh thổ bị tàn phá" sau khi trao cho Ukraine khả năng tấn công tầm xa. Trước thông báo này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc gửi tên lửa Storm Shadow "sẽ yêu cầu quân đội của chúng tôi có phản ứng thích hợp".
Hôm 13/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tên lửa hành trình tầm xa đã được sử dụng một ngày trước đó để tấn công các mục tiêu ở thành phố Luhansk, miền đông Ukraine, "bất chấp tuyên bố từ London rằng những vũ khí này sẽ không được sử dụng để chống lại các mục tiêu dân sự".
Luhansk nằm trong khu vực Donbass đang tranh chấp của Ukraine, đã bị Nga sáp nhập vào tháng 9/2022. Tuyên bố chủ quyền của Moscow đối với vùng lãnh thổ này không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết các lực lượng Nga đã bắn hạ chiếc máy bay phản lực Su-24 mà họ nói đã phóng tên lửa, cũng như máy bay chiến đấu MiG-29 hoạt động bên cạnh, theo truyền thông nhà nước Nga.
Cùng ngày 13/5, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết rằng các báo cáo đã làm dấy lên "sự lo lắng ngày càng tăng của Nga về khả năng Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào cơ sở hậu cần của Nga". Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cố vấn cho biết họ chưa thấy bằng chứng cho thấy Kiev đã sử dụng tên lửa Storm Shadow chống lại lực lượng Nga ở Ukraine.
Các đồng minh phương Tây của Kiev đã do dự trong việc cung cấp cho Ukraine vũ khí có tầm tấn công trong lãnh thổ Nga. Mỹ đã cung cấp các vũ khí như HIMARS, hay Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, các phiên bản tầm mở rộng của các hệ thống dẫn đường Đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM) và Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), nhưng những loại này có tầm bắn ngắn hơn tên lửa Storm Shadow phóng từ trên không.
Khi được sử dụng cùng với các vũ khí như JDAM và HIMARS, Storm Shadow có nghĩa là Nga sẽ "phải suy nghĩ sâu hơn nhiều về phạm vi mà người Ukraine có thể tấn công lại họ", David Jordan, đồng giám đốc của Freeman Air and Space Institute tại King's College London, nói với Newsweek.
Jordan cho biết có một số tranh luận xung quanh tầm bắn thực sự của tên lửa Storm Shadow, mặc dù nhà sản xuất tên lửa, MBDA Missile Systems, đưa ra tầm bắn hơn 155 dặm, tương đương khoảng 250 km.
HIMARS do Mỹ cung cấp, được chính quyền Ukraine ca ngợi khi bắt đầu đến Ukraine vào năm ngoái, đã tấn công các mục tiêu ở khoảng cách khoảng 80 km, tương đương 50 dặm. Loại vũ khí này được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ca ngợi là "công cụ mạnh mẽ" vào tháng 6 năm ngoái.
Theo các nhà sản xuất Lockheed Martin, tên lửa Storm Shadow có tầm bắn ngắn hơn một chút so với ATACMS dẫn đường tầm xa của Mỹ, hay Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội, có thể đạt tới 186 dặm, tương đương 300 km. Tuy nhiên, Mỹ đã không cung cấp tên lửa tầm bắn này.
Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách tại Viện Cato, trước đây đã nói với Newsweek rằng tên lửa Storm Shadow "chắc chắn tạo ra tác động lớn, gần bằng ATACMS".
Các chuyên gia quân sự đã nói với Newsweek rằng tên lửa Storm Shadow sẽ đặc biệt hữu ích cho Ukraine để nhắm mục tiêu vào các trung tâm chỉ huy, cơ sở lưu trữ đạn dược và đường tiếp tế.
Chuyên gia quân sự David Hambling trước đó đã nói với Newsweek rằng "rất có khả năng các chỉ huy Ukraine sẽ có thông tin tuyệt vời về nơi nhắm mục tiêu tên lửa mới của họ để đạt hiệu quả tối đa".