Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho biết, trung tâm đang tập trung xây dựng dự thảo chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu phục vụ hiệu quả hơn tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam hiệu quả, bền vững…
Thông tin với báo chí mới đây, ông Đỗ Phan Tuấn – Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (TTKNQG) cho biết, năm 2022, Bộ NNPTNT phê duyệt kinh phí 30 tỷ đồng cho nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, chủ yếu là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (chiếm 62,3% kinh phí).
Trong đó, đối với các ấn phẩm khuyến nông, với mục tiêu phát hành các ấn phẩm dễ tiếp cận cho người dân, 100% các ấn phẩm được xuất bản dưới hình thức tờ gấp, sách nói, sách điện tử, video clip, phim giúp bà con dễ tiếp cận thông tin hơn. Tăng đối tượng được nhận ấn phẩm đến cấp xã, thôn, bản (60% đối với Bản tin Khuyến nông Việt Nam, 85% đối với ấn phẩm khác).
Nội dung tập trung vào cập nhật các tiến bộ kỹ thuật, các vấn đề "nóng" của ngành. Tăng số lượng phát hành, ưu tiên các địa phương gặp khó khăn do thiên tai, hạn hán, xảy ra dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, xã điểm nông thôn mới.
"Chúng tôi rất cần ý kiến chuyên gia, báo chí phản biện lại, giúp hình thành người khuyến nông chuyên nghiệp để từ đó hình thành lớp lớp người nông dân chuyên nghiệp. Do đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí để tương tác hiệu quả, giúp lan toả các mô hình, hoạt động của công tác khuyến nông".
Ông Lê Quốc Thanh
Đối với tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị báo chí liên tục đổi mới, đa dạng các loại hình tuyên truyền để phù hợp với nhiều đối tượng và đảm bảo hoạt động khuyến nông hiệu quả.
Theo đó, các đơn vị đã tuyên truyền 221 chương trình trên truyền hình với 60,8 giờ phát mới trên 9 kênh; 387 chương trình phát thanh với 54,8 giờ phát mới; 6.049 tin, bài, ảnh trên báo giấy với 1.117 chuyên trang; 5.650 tin, bài, ảnh trên báo điện tử.
Đáng chú ý, thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh ở các vùng lõm, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, TTKNQG đã phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên truyền 271 chương trình phát sóng bằng 11 ngôn ngữ dân tộc thiểu số, góp phần đưa thông tin khoa học kỹ thuật đến với bà con người dân tộc.
Với dung lượng thông tin "khổng lồ", hàng triệu hộ nông dân trên khắp cả nước đã có cơ hội nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp cận các tiến bộ khoa học công nghệ mới, thông tin về thị trường, giá cả; học hỏi kinh nghiệm các gương sản xuất kinh doanh giỏi…
Theo ông Tuấn, các cơ quan truyền thông đã nắm bắt được hơi thở của thực tiễn sản xuất, "đánh thức" nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, tạo nên sự lan tỏa rộng khắp cả nước, trong đó đề án tổ khuyến nông cộng đồng đã nhanh chóng được các tỉnh, thành nhân rộng chứ không chỉ bó hẹp trong 13 tỉnh thuộc đề án phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản xuất khẩu.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG cho biết, hiện ngành nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế. Do đó, hệ thống khuyến nông cũng phải chuyển mình để tiếp cận đến đa gia trị trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả và tăng trưởng xanh.
Hoạt động khuyến nông không thể duy trì như truyền thống, mà sẽ phải chuyển đổi, đổi mới theo hướng tiếp cận hiện đại hơn, tiếp cận nông nghiệp gia tăng giá trị, hiệu quả sản xuất, đi liền với nhiệm vụ này thì các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện cũng phải thay đổi.
"Tại sao có thông tin doanh nghiệp nói bưởi da xanh 30.000 – 40.000 đồng/kg không có mà bán, nhưng vẫn có một số tờ báo thông tin rằng giá bưởi 7.000 đồng mà vẫn không tiêu thụ được? Ở đây rõ ràng có sự không minh bạch, thống nhất về thông tin, vô tình gây tác động tiêu cực đến giá bưởi và việc tiêu thụ bưởi của bà con nông dân. Vấn đề ở chỗ đó là bưởi gì, bán cho ai? Báo chí thông tin cần rõ ràng, minh bạch, đó cũng là cách chúng ta hướng đến minh bạch trong sản xuất, xoá đi sự mù mờ trong sản xuất như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan từng nói" – ông Lê Quốc Thanh chỉ rõ.
5 định hướng trọng tâm hoạt động
Thực hiện kế hoạch hành động của Bộ NNPTNT về thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 6/1/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TTKNQG đưa ra 5 định hướng hoạt động khuyến nông năm 2023 và những năm tiếp theo.
Một là nâng cao hiệu quả các dự án khuyến nông trung ương. Hai là đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, huy động sự vào cuộc, tham gia triển khai và góp vốn đối ứng từ các doanh nghiệp. Ba là đổi mới nội dung và phương pháp triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông, đào tạo huấn luyện khuyến nông theo hướng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cây con chủ lực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số, công nghệ 4.0.
Bốn là, tiếp tục đề xuất củng cố phát triển hệ thống tổ chức, tăng cường năng lực cho khuyến nông các cấp, trọng tâm cấp trung ương và cấp cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại để đáp ứng tốt nhu cầu nhiệm vụ. Năm là chủ động và tích cực đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông. Mở rộng hợp tác, hợp tác công tư PPP, thực hiện xã hội hóa các nguồn lực tham gia hoạt động khuyến nông.
Tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh: Khuyến nông giai đoạn mới phải tiếp cận với tư duy của người làm kinh tế, nhìn nhận từ các dự án, chương trình và người làm khuyến nông ở một tâm thế mới. Mô hình khuyến nông sẽ đi về đâu? Làm mô hình nuôi gà, nuôi lợn thì phải biết con gà con lợn ấy đi về đâu chứ cán bộ khuyến nông không thể nói là chúng tôi chỉ làm mô hình trình diễn…