Anh Dương Văn Ngọc giới thiệu về sản phẩm gạo J02 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền. Clip: Hà Thanh
Xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, bản thân gắn với ruộng đồng từ bé, do đó sau khi tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên Dương Văn Ngọc quyết theo học ngành nông nghiệp. Năm 2011, anh Ngọc tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên và về công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình.
Qua nhiều năm tìm hiểu, anh nhận thấy những giống lúa cũ không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi anh sinh sống. Bên cạnh đó, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con sản xuất nông nghiệp, anh Ngọc luôn trăn trở cần phải làm gì để giúp cho bà con nâng cao thu nhập, thoát nghèo bằng chính chuyên môn của mình.
Nghĩ vậy, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Ngọc đã quyết định trồng giống lúa J02 trên đồng đất Tân Đức, huyện Phú Bình với diện tích lớn. Giống lúa J02 cho năng suất nổi trội, chất lượng gạo thơm ngon, sẽ giúp bà con có thu nhập cao hơn hẳn.
Theo anh Ngọc, giống lúa J02 có nguồn gốc từ Nhật Bản. Ban đầu, giống lúa này được một giáo sư trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ ở xã Tân Đức. Trên cơ sở đó, anh Ngọc đã mở rộng mô hình và phát triển diện tích lớn dần.
Đầu năm 2022, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ giống lúa J02 mang lại, anh Ngọc cùng vợ và một số hộ dân trong vùng thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền trên cơ sở tổ hợp tác hoạt động trước đó để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ưu điểm của giống lúa J02 là cứng cây, chống chịu thiên tai tốt, chịu được hạn hán và đặc biệt khả năng chống chịu sâu bệnh vô cùng tốt. Thời gian thu hoạch của giống lúa này kéo dài khoảng 145 ngày.
Anh Ngọc chia sẻ, giống lúa J02 phù hợp với loại đất thịt pha cát nhẹ, phát triển tốt trong điều kiện khí hậu mát mẻ, do đó vụ xuân sẽ có sản lượng cao hơn, tuy nhiên vụ mùa chất lượng gạo lại thơm ngon hơn. Hạt gạo J02 có đặc điểm tròn, mẩy, khi nấu lên ăn có vị đậm, thơm, dẻo.
Sau một thời gian trồng, thấy giống lúa J02 có tiềm năng phát triển tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Ngọc đã mua giống về trồng và liên kết với nhiều hộ dân để phát triển mô hình trên quy mô lớn. Thông qua nguồn hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu của tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đã cấp giống lúa J02 cho nông dân trên địa bàn xã Tân Đức trồng.
Đến nay, toàn bộ cánh đồng mẫu xã Tân Đức đã được phủ kín gần như hoàn toàn bởi giống lúa J02. Hiện, tổng diện tích trồng lúa J02 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền khoảng 45ha, trong đó có 15ha đã được chứng nhận VietGAP. Đây cũng là sản phẩm gạo đầu tiên trên địa bàn huyện Phú Bình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu còn lại theo hướng VietGAP.
Anh Ngọc cho biết, năng suất trung bình của giống lúa này là 2 – 2,2 tạ/sào. Năm 2022, với tổng diện tích 40ha, tổng sản lượng của HTX đạt khoảng 240 tấn. Trong vụ xuân 2023 này, tổng diện tích trồng lúa J02 của cả xã Tân Đức khoảng 280 – 290ha.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo J02 của HTX chủ yếu giao cho các cửa hàng tiện lợi tại huyện Phú Bình, TP.Thái Nguyên và TP.Hà Nội.
Bên cạnh việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong vùng nguyên liệu của HTX, hiện nay HTX còn nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên địa bàn.
Trước đây, khi chưa có đầu ra, anh Ngọc phải mang gạo J02 đi khắp các cửa hàng để giới thiệu và bán sản phẩm. Đến nay, ngoài việc bán sản phẩm theo cách truyền thống, HTX còn xây dựng website và bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng.
Cuối năm 2022, sản phẩm gạo J02 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đến năm 2023, sản phẩm gạo J02 được Hội Nông dân huyện Phú Bình lựa chọn là một trong 6 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Anh Ngọc cho hay, trong thời gian tới, HTX định hướng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, quản lý sát sao quy trình sản xuất của bà con để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội.
Với mô hình sản xuất lúa J02 như hiện nay, HTX đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm gạo tại địa phương, hình thành những vùng sản xuất lúa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Mô hình này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 lao động tại địa phương với thu nhập tăng từ 600.000 - 800.000 đồng/sào so với trồng các giống lúa khác. Từ hiệu quả đó, nhiều hộ dân trong vùng đang mong muốn được liên kết với HTX để sản xuất giống lúa J02 này trên quy mô diện tích lớn hơn trong thời gian tới.