Ở Tiền Giang có khu lăng mộ cổ của ông huyện Thoại, ông quan huyện này là ai, có công lao gì?
Vùng đất này ở Tiền Giang có khu lăng mộ ông huyện Thoại, vậy ông quan huyện này là ai, có công lao gì?
Thứ tư, ngày 17/05/2023 05:00 AM (GMT+7)
Ở vùng đất Gò Công của tỉnh Tiền Giang, ngoài Anh hùng dân tộc Trương Định gắn với nhiều trận đánh trong kháng chiến chống Pháp còn có nhiều địa chỉ đỏ khác, trong đó có khu Lăng mộ ông Đỗ Trình Thoại.
Trong những ngày trung tuần tháng 8, người dân trong và ngoài tỉnh hướng về vùng đất Gò Công của tỉnh Tiền Giang để tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Trương Định.
Ở vùng đất Gò Công này, ngoài Anh hùng dân tộc Trương Định gắn với nhiều trận đánh trong kháng chiến chống Pháp còn có nhiều địa chỉ đỏ khác, trong đó có khu Lăng mộ ông Đỗ Trình Thoại.
Chúng tôi tìm về chú Tám Nghĩa (Huỳnh Hữu Nghĩa), tổ 9, ấp Kim Liên, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, (tỉnh Tiền Giang) người rất kính trọng và gắn bó gần như cả đời bên cạnh mộ ông Đỗ Trình Thoại. Sinh năm 1952, chú Tám Nghĩa bắt đầu thực hiện việc tảo mộ ông Đỗ Trình Thoại từ năm 1968, gần đây bà con dòng họ ông Đỗ Trình Thoại từ Bến Tre (con cháu của người vợ thứ 2) tiếp tục thực hiện công việc này.
Theo chú Tám Nghĩa, trước đó, cha chú cũng là người tảo mộ cho ông Đỗ Trình Thoại trong một thời gian dài. Chú Tám kể rằng, khi còn nhỏ, đến ngày tảo mộ ông Đỗ Trình Thoại (ngày 16 tháng Chạp hằng năm) người dân khu vực Trại cá đi lên (thuộc huyện Gò Công Đông ngày nay) gia đình chú có bổn phận là nấu ấm nước để tiếp bà con.
Bà con lên tảo mộ bằng xe thổ mộ, cùng với 10 đoàn bánh tét, 10 đò bánh ú, 10 gói trà. Sau khi thực hiện nghi thức tảo mộ, bà con trao đổi với ba chú. Sau này, khi bà con từ Bến Tre sang mới chọn lại ngày tảo mộ ông là 24 tháng Chạp hằng năm.
Mộ ông Đỗ Trình Thoại vừa được trùng tu, sửa chữa khang trang tại xã Long Hòa, thị xã Gò Công, (tỉnh Tiền Giang).
Khu Lăng mộ ông Đỗ Trình Thoại đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và gần đây được sửa chữa, trùng tu một cách khang trang, sạch đẹp. Nơi đây đã trở thành một trong những nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn thị xã Gò Công nói riêng, trong và ngoài tỉnh Tiền Giang nói chung.
Lịch sử ghi lại, ông Đỗ Trình Thoại đã có công lớn trong giai đoạn đất nước kháng Pháp. Tại Hội thảo khoa học các nhân vật lịch sử Gò Công được Ủy ban nhân dân thị xã Gò Công tổ chức gần đây, ông Đỗ Trình Thoại cũng được nhiều người quan tâm cùng với bà Trần Thị Sanh và ông Hồ Biểu Chánh.
Theo tư liệu chúng tôi nắm được, ông Đỗ Trình Thoại (sinh năm 1815, mất năm 1861), người thôn Yên Luông, tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường (nay là ấp Kim Liên, xã Long Hòa, thị xã Gò Công). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi.
Lăng mộ ông huyện Thoại được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Năm 1843, ông thi đỗ Cử nhân tại trường thi Gia Định, được triều đình bổ làm Tri huyện Tân Hòa (bao gồm khu vực Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay), nên được mọi người quen gọi là Huyện Thoại. Năm 1859, giặc Pháp tấn công thành Gia Định.
Với lòng yêu nước nồng nàn của một trí thức chân chính, ông tham gia công cuộc chống Pháp ở mặt trận Chí Hòa (Gia Định, nay là TP. Hồ Chí Minh). Tháng 2 năm 1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông trở về Gò Công, mộ nghĩa dũng và kết hợp với Trương Định nổi lên kháng chiến chống thực dân xâm lược.
Sau khi hạ thành Mỹ Tho vào trung tuần tháng 4 năm 1861, quân Pháp tiến hành đánh Gò Công, sau đó bọn chúng cho thiết lập nhiều đồn bót ở đây để nhằm kiểm soát và bình định vùng đất vừa mới chiếm được.
Với quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước và bảo vệ chủ quyền dân tộc, ông đã chỉ huy nghĩa quân tiến hành nhiều trận tập kích táo bạo vào các vị trí chiếm đóng của quân viễn chinh Pháp ở Gò Công, gây cho chúng những thiệt hại đáng kể.
Tiêu biểu là trận tập kết đồn Gò Công ngày 22 tháng 6 năm 1861. Vào lúc tờ mờ sáng, ông trực tiếp điều động 600 nghĩa quân bất ngờ mở cuộc tấn công. Với cương vị là tướng chỉ huy, ông đã dũng cảm xông lên phía trước, bất chấp nguy hiểm mặc dù súng của địch từ trong đồn bắn ra hết sức dữ dội.
Sau khi vượt qua những vòng rào phòng thủ kiên cố, nghĩa quân đã đột nhập được vào bên trong đồn. Một trận giáp chiến kịch liệt giữa quân ta và quân Pháp đã diễn ra.
Hàng ngũ của quân địch trở nên rối loạn. Bằng võ nghệ cao cường, ông đã dùng gươm giết chết tên lính thủy quân lục chiến Bodiez và đâm trọng thương tên trung úy Paulin Vial, Trưởng đồn kiêm Giám đốc bản xứ sự vụ Gò Công. Nhưng, thật không may, ông bị trúng đạn và anh dũng đền nợ nước, để lại bao niềm thương tiếc của sĩ dân Gò Công.
Sau khi mất, ông được triều đình nhà Nguyễn cho lập đền thờ. Hiện nay, phần mộ của ông tọa lạc tại ấp Kim Liên, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Ở thành phố Mỹ Tho có một con đường mang tên Huyện Thoại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.