Bánh canh cá lóc làng Thủy Dương ở Huế, gọi thêm một tô lòng cá lóc, ăn xong phải kêu lên điều này

Thứ tư, ngày 17/05/2023 05:09 AM (GMT+7)
Bánh canh cá lóc, trời ơi! Cũng phải kêu lên một tiếng như thế cho nó hả, khi được ăn tô bánh canh cá lóc Thủy Dương - Huế. Không kêu lên thì không chịu được, vì nó… ngon quá!
Bình luận 0

Một người bạn ở Bệnh viện Trung ương Huế mời tôi đi ăn bánh canh cá lóc Thủy Dương. Tôi nói, tôi đã được ăn món này rồi, ngay ở cái quán nhỏ trên đường số 1 đoạn qua Thủy Dương.

Bánh canh cá lóc làng Thủy Dương ở Huế, gọi thêm một tô lòng cá lóc, ăn xong phải kêu lên điều này - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

 Tôi kể ấn tượng đầu tiên khi tôi ăn tô bánh canh cá lóc này, đó là cảm giác về sự thanh khiết, giản dị, sự chăm chút, mối quan tâm giữa món ăn với người ăn. Tóm lại, đó là một ấn tượng nhẹ nhàng, dịu dàng, nhưng thấm rất sâu.

Bạn nói với tôi, chú phải ăn bánh canh cá lóc ở cái quán trong làng này mới đúng điệu… Thủy Dương. Thế là đi.

Thủy Dương là tên ngôi làng đã đi vào bài hát bất tử “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Tôi chỉ nghe danh ngôi làng khi nghe bài hát ấy, chứ chưa biết làng này còn có những đặc sản có thể “bình thản đi vào lịch sử”. Vậy mà có.

Tôi đã ăn món bánh canh cá lóc ở nhiều nơi: Sài Gòn, Nha Trang, Cần Thơ, Quảng Nam… Mỗi vùng miền nấu món ăn dân dã này có những biến điệu khác nhau, nhưng đều để lại những ấn tượng. Vậy mà tôi đã hết sức ngạc nhiên khi ăn tô bánh canh cá lóc ngay cái quán trong làng Thủy Dương. 

Đúng là quán trong làng, vì đường vào quán là đường làng, quán có mặt bằng khá rộng, do tọa lạc trong vườn, nhưng bản thân quán thì khá xuề xòa, đúng kiểu “quán vườn”.

Bạn tôi kêu mỗi người một tô bánh canh cá lóc, còn kêu thêm một tô… lòng cá lóc. Món này mới độc đáo đây! Để có lòng cá lóc bán tới từng… tô như thế này, lượng cá lóc quán này làm không hề ít.

Bánh canh Thủy Dương đều được nhồi tại chỗ bằng bột mì tươi (sắn), cán dẹp và cắt ngay tại chỗ. Bỏ vào nồi luộc trước mặt khách, nóng hôi hổi luôn.

Có lần, tôi ghé một nhà dân chuyên làm tinh bột mì tại Tam Quan (tỉnh Bình Định), được chủ nhà cho ăn món bột mì tươi hấp chấm mắm Tam Quan, ăn rất lạ miệng. Anh chủ nhà kể, bột mì tươi ở đây lắng lọc đều được chuyển ra tiêu thụ ở… Huế. 

Đủ biết, lượng bánh canh, bánh bột lọc, và tất tần tật những loại bánh ở Huế chế tác từ bột mì tươi, đều là bột mì Tam Quan nổi tiếng. Mỗi ngày, nhiều chuyến xe tải từ Tam Quan chở bột mì tươi ra Huế, và đó là nguyên liệu chính yếu phục vụ cho những món “ăn chơi” đặc sắc ở chốn kinh kỳ. Bánh canh Thủy Dương dĩ nhiên làm từ bột mì Tam Quan. 

Bản thân sợi bánh canh tươi đã thơm ngon, lại nằm trong tổng thể một tô bánh canh có nước dùng trong đến thanh khiết, thêm những bí quyết gia truyền để nấu một tô bánh canh ngon. 

Khi ăn tô bánh canh nóng sôi, bốc hơi nghi ngút, thực khách có thêm gia vị là món ớt bột Huế nổi tiếng, lại có thêm món ruốc Huế cũng nổi tiếng không kém. Cùng lúc, mấy cái nổi tiếng hòa quyện với nhau, trách gì bánh canh Thủy Dương chả nổi tiếng!

Cảm giác đầu tiên khi ăn bánh canh cá lóc Thủy Dương là cảm giác về sự thanh khiết. Đó là một cảm giác rất đồng quê, rất trong lành, nó khiến những người ở thành phố trong thoáng chốc như được về lại quê nhà mình, ăn một món gì thật đơn giản ở quê mà khiến lòng rưng rưng. 

Vâng, ẩm thực luôn được thưởng thức với xúc cảm, với ký ức, với kỷ niệm, với tình yêu. Nhất là khi đã từng trải, con người luôn có nhu cầu trở về với quá khứ, với những hồi ức. Những thực khách Huế, những thực khách là khách vãng lai tới Huế đều có chung một cảm nhận khi ăn tô bánh canh cá lóc không thể giản dị hơn ở đây: nó gợi nhớ. 

Nhớ cái gì thì tùy từng thực khách, nhưng nỗi nhớ luôn đi kèm với xúc cảm. Có lẽ vì thế mà tô bánh canh ngon hơn. Nó ngon vì mở ra được nhiều kênh cảm nhận khác nhau cho thực khách.

Về Thủy Dương ăn cá lóc bánh canh dáng Huế như cô gái nhà lành

Đúng là ngọt và lành như… bánh canh cá lóc. Bột mì tươi Tam Quan đã kết nối giữa Bình Định và Huế ở kênh ẩm thực. Bạn tôi cũng là một kết nối nữa giữa Bình Định và Huế, khi cha anh quê Tuy Phước, mẹ anh quê Huế, và anh học Trường Y khoa Huế. 

Bây giờ, anh lại làm bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế, cũng đã ngót 20 năm rồi. Mỗi lần tôi có dịp ra Huế, thế nào bạn cũng đưa tôi về làng Thủy Dương ăn bánh canh cá lóc. Bạn và tôi cùng mê mẩn với món ăn rất đỗi dân dã này. 

Ẩm thực, cũng giống như văn học, giống như thơ, luôn tìm được những kết nối bất ngờ, và luôn tìm được những người thưởng thức đồng điệu như những tri âm.

Huế luôn sống với những tầng sâu những kết nối văn hóa như vậy, dù ta chỉ chạm vào một… tô bánh canh cá lóc.


Thanh Thảo (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem