Theo Politico, các quan chức Mỹ thảo luận về các lựa chọn đóng băng xung đột trong thời gian dài. Một kịch bản như vậy sẽ bao gồm các quyết định thiết lập các biên giới tiềm năng mà Ukraine và Liên bang Nga sẽ đồng ý không vượt qua. Đây có thể là kịch bản thực tế nhất trong một viễn cảnh dài hạn vì cả hai bên của cuộc xung đột đều không có khuynh hướng thừa nhận thất bại.
Cuộc xung đột bị đóng băng trong đó cả Moscow và Kiev đều không đồng ý tuyên bố chính thức chấm dứt chiến sự cũng có thể là một kết quả lâu dài có thể chấp nhận được về mặt chính trị đối với Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ phía Ukraine.
Một quan chức Mỹ quen thuộc với các cuộc thảo luận của chính quyền Biden về Ukraine cho biết: "Chúng tôi đang lên kế hoạch dài hạn, cho dù nó có vẻ đóng băng hay tan băng. Quan chức này cho biết kế hoạch như vậy là trọng tâm ngày càng tăng của chính quyền, trong khi trong những tháng trước" tất cả đều là cấp bách và ngắn hạn", Politico cho biết.
Trong khi đó, theo Sputnik, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11-12/7 ở Vilnius, NATO có kế hoạch thông qua các kế hoạch mới nhằm xây dựng sự hiện diện quân sự gần biên giới Nga, tăng cường mức độ phối hợp giữa bộ quốc phòng các quốc gia thành viên và bộ chỉ huy liên quân.
Cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị NATO trong trường hợp đối đầu tiềm năng với Nga.
Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ thông qua "kế hoạch chiến tranh bí mật dài hàng nghìn trang", lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, mô tả cách NATO lên kế hoạch đáp trả trong trường hợp bị "Nga tấn công".
Người đứng đầu ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, cho biết trước đó rằng những kế hoạch như vậy của liên minh sẽ mở ra "một kỷ nguyên phòng thủ tập thể mới".
Về phần mình, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Đồng minh NATO ở châu Âu, Tướng Christopher Cavoli, giải thích rằng, trên thực tế, từ một liên minh tập trung thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt bên ngoài khu vực trách nhiệm trực tiếp, NATO đang chuyển thành một liên minh sẵn sàng "bảo vệ từng centimet lãnh thổ của mình".
G7 thảo luận về kế hoạch hòa bình của Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu một hội nghị thượng đỉnh về cuộc xung đột ở Ukraine để thúc đẩy "kế hoạch hòa bình" của ông và các nhà lãnh đạo G7 có thể thảo luận về đề xuất của ông tại một cuộc họp ở Nhật Bản, The Financial Times trích dẫn một quan chức châu Âu giấu tên.
Các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về đề xuất của ông Zelenskiy tại hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài 3 ngày tại Hiroshima vào tuần này, tờ báo cho biết. Cuộc họp hòa bình, theo ông Zelensky, sẽ không có sự tham gia của Nga.