Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%.
Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao tuyệt đối. Đặc biệt, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.
Điều đáng lưu ý, El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước, với mức phổ biến từ 25 đến 50%, vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023. Trong đó, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 21/5, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt đã có công văn chỉ đạo để ứng phó.
Đối với lúa gạo, 2022-2023 sản xuất lúa Đông Xuân khá thuận lợi, diện tích gieo trồng gần 2 triệu ha, năng suất đạt trên 70 tạ/ha. Theo ông Đức, đây là vụ đạt sản lượng cao. Ở phía Bắc vụ Đông Xuân gieo trồng khoảng 1,07 triệu ha, đang vào giai đoạn sinh trưởng và bảo vệ thực vật khá tốt. Trên cơ sở đó, từ nay đến cuối năm, nắng nóng và hạn hán tác động rất tiêu cực đến cây lúa, cây ăn quả và một số cây trồng khác.
Đối với lúa, đề nghị các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm; thứ hai chịu nước và giống ngắn ngày (tiết kiệm nước và có chất lượng cao). Căn cứ vào nguồn nước và điều kiện hạn hán kế hoạch sản xuất phải linh động, cùng một vùng, cùng một cánh đồng phải tiết kiệm nước. Đối với vùng nếu lượng nước đủ 3 tháng hoặc tối thiểu 2,5 tháng từ lúc đẻ nhánh cho đến lúc làm sữa mới được cấy, không chuyển sang cây màu, cây ăn quả, cây lâu năm và lúa - tôm.
Đối với cây ăn quả, đây là nhóm phục vụ cho xuất khẩu và nội địa quan trọng, đây là nhóm chịu ảnh hưởng rất lớn của hạn hán, nắng nóng. Do vậy, đối với vùng ĐBSCL, tạo và trữ nguồn nước ngay từ bây giờ; đối với loại cây ra nhiều quả, quả quá sai, quản nhỏ phải tỉa cành để giảm tiết kiệm nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn hạn hán, cũng như những vùng không có tưới đề nghị các địa phương xem xét không để bà còn trồng mới hoặc ghép cải tạo, như vậy sẽ rất rủi do.
Đối với cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, chè, phải tăng cường trồng cây che bóng, phải tạo ra 3 tầng: Tầng dưới thảm cỏ phủ, tầng giữa cà phê và tầng trên che bóng; đối với chè, lưu ý với các địa phương đã cơ giới hóa, hái bằng máy thì hết sức chú ý đến mùa nắng nóng, phải giãn thời gian thu hoạch.
Trước thông tin, hạn hán, nắng nóng kéo dài dự báo sẽ thiếu điện vào các tháng 5, 6 và 7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản gửi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị 2 nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6). Như vậy liệu sẽ có ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón?
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: "Đây không phải là thẩm quyền của Bộ NNPTNT nhưng Cục sẽ xin ý kiến của Bộ trưởng NNPTNT".
Ông Trung đưa ra số liệu, nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau, công suất 2022 rất lớn, mỗi nhà máy hơn 900.000 tấn phân đạm/năm và hiện nay, lượng tồn kho năm khoảng 200.000 tấn, trong khi đó, tổng lượng phân đạm xuất khẩu năm 2022 là 798.000 tấn.
“Nếu thiếu điện nghiêm trọng cần thiết phải dừng sản xuất phân bón, đơn vị sẽ có báo cáo với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng với số liệu trên thì lượng phân bón, đặc biệt là phân đạm để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp hoàn toàn đủ”, ông Hoàng Trung cho hay.
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) về việc ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô, tháng 5 và tháng 6.
EVN cho biết, hiện nay cung ứng điện trong bối cảnh các hồ thủy điện thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, trong khi việc cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.
EVN đề nghị PVN, PVFCCo, PVCFC ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6); trong đó, trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.