Tổng Thư ký Công ước Liên Hợp quốc về chống sa mạc hóa kêu gọi chung tay vượt qua hạn hán
Tổng Thư ký Công ước Liên Hợp quốc về chống sa mạc hóa viết thư kêu gọi chung tay vượt qua hạn hán
P.V
Thứ năm, ngày 16/06/2022 19:47 PM (GMT+7)
Hưởng ứng ngày quốc tế phòng chống sa mạc hóa 17/6 với chủ đề: Chung tay vượt qua hạn hán, hôm nay, 16/6, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức trồng cây tại Vườn Quốc gia Ba Vì.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), hạn hán là một trong những thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá nặng nề nhất, gây thiệt hại đối với cuộc sống, phát sinh từ các tác động, chẳng hạn như mất mùa trên diện rộng, cháy rừng và suy giảm nguồn nước.
Hạn hán ngày càng trầm trọng hơn do suy thoái đất và biến đổi khí hậu, tiếp tục gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng, tăng 29% kể từ năm 2000, với 55 triệu người bị ảnh hưởng mỗi năm. Đến năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng tới khoảng 3/4 dân số thế giới. Đây là một vấn đề cấp bách và mang tính toàn cầu.
Những đợt hạn hán gần đây chỉ ra một tương lai bấp bênh cho thế giới. Tình trạng thiếu lương thực và nước cũng như cháy rừng do hạn hán nghiêm trọng đều gia tăng trong những năm gần đây.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, lễ kỷ niệm Ngày sa mạc hóa và hạn hán toàn cầu năm nay sẽ diễn ra tại Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.
Đây là quốc gia dễ bị tổn thương, ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước và các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu. Chính phủ Tây Ban Nha đi đầu trong việc giải quyết những vấn đề này và có những phương pháp, bài học hay để chia sẻ.
Hạn hán luôn là một phần của tự nhiên và con người nhưng giờ đây tình trạng này còn tồi tệ hơn nhiều phần lớn là do hoạt động của con người. Hầu như không có quốc gia nào miễn nhiễm với hạn hán, nhưng tất cả các quốc gia đều có thể chuẩn bị tốt hơn để giải quyết hạn hán một cách hiệu quả.
Theo ông Phạm Văn Điển, có sẵn các công cụ để đánh giá rủi ro hạn hán. Các giải pháp tồn tại để đảm bảo cuộc sống và sinh kế không còn bị mất vì hạn hán. Mọi người đều có thể tham gia vào các hành động giúp tăng khả năng nỗ lực phục hồi chung của chúng ta bởi vì mọi hành động đều có giá trị.
Phát biểu tại lễ tổ chức trồng cây, ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì nhấn mạnh, vào ngày 17/6 hàng năm, Tổng Thư ký Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD) có thư đề nghị các nước thành viên tổ chức hoạt động kỷ niệm.
"Năm 2022, Ban thư ký UNCCD lấy chủ đề là "Chung tay vượt qua hạn hán" (Rising up from Drought together). Thông điệp này nhấn mạnh vai trò của con người trong việc cùng nhau chung tay khắc phục, hạn chế, ngăn chặn suy thoái đất", ông Thế nhấn mạnh.
Chung tay vượt qua hạn hán
Cũng trong buổi lễ, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) đã đọc bức thư của ông Ibrahim Thiaw, Tổng Thư ký Công ước Liên Hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) gửi cho các quốc gia thành viên nhân ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán ngày 17/6/2022.
Trong thư, ông Ibrahim Thiaw nhấn mạnh, hạn hán là một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất cho sự sống, chẳng hạn như mất mùa trên diện rộng, cháy rừng hay thiếu nước.
Nghiêm trọng hơn là hiện tượng suy thoái đất, biến đổi khí hậu, hạn hán đang gia tăng cả về tần suất và mức độ, có thể ảnh hưởng đến khoảng ba phần tư dân số thế giới vào năm 2050.
"Ngày sa mạc hóa và nạn hán năm nay sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng hầu hết các quốc gia và khu vực đều có nguy cơ xảy ra hạn hán, vì thế chúng ta cần có sự chuẩn bị để ứng phó với hạn hán một cách hiệu quả", Tổng Thư ký Công ước Liên Hợp quốc về chống sa mạc hóa nhấn mạnh.
Khẩu hiệu của năm nay là "Chung tay vượt qua hạn hán". Công ước của Liên Hợp quốc về chống sa mạc hóa và hạn hán sẽ làm việc với Chính phủ Tây Ban Nha, chủ nhà thực hiện năm nay, để khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng, khu vực tư nhân và các quốc gia hành động cùng nhau để giải quyết các tác động trước mắt của hạn hán và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài.
"Tôi tin tưởng vào sự hỗ trợ liên tục của bạn để cùng với mọi người và cộng đồng tiếp cận vai trò then chốt của đất màu mỡ trong quản lý hạn hán", ông Ibrahim Thiaw viết trong thư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.