Tình báo Anh nói rằng, các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa thường xuyên vào sâu trong lãnh thổ Ukraine có lẽ chủ yếu nhằm làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine.
"Cải thiện các làn sóng tấn công sâu trước đó, Nga bắt đầu thường xuyên sử dụng các máy bay không người lái trinh sát không vũ trang hơn trong các chiến dịch", đánh giá cho biết.
Chúng bao gồm các UAV SuperCam do Nga sản xuất, tương đối rẻ và có tầm hoạt động đủ để bay qua các mục tiêu tên lửa hành trình.
"Nga có thể đã sử dụng chiến thuật này nhằm nỗ lực có được đánh giá kịp thời hơn về tổn thất chiến đấu và cải thiện chu kỳ nhắm mục tiêu", Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh lưu ý.
Theo cộng đồng tình báo, quá trình nhắm mục tiêu chậm và không hiệu quả của quân đội Nga là nhược điểm chính trong hành động của họ ở Ukraine. "Tuy nhiên, các UAV trinh sát chậm chạp rất dễ bị phòng không Ukraine tấn công", bài đánh giá lưu ý.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Anh đã xác nhận việc bắn rơi một số tên lửa Kinzhal của Nga ở Ukraine, đồng thời lưu ý rằng những sự kiện này xảy ra là một sự bối rối và bất ngờ đối với Nga, vốn coi các tên lửa này là "bất khả chiến bại".
Moscow cảnh báo hậu quả từ việc giao F-16 cho Kiev
Trong diễn biến khác, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cảnh báo nếu các nước phương Tây quyết định điều chiến đấu cơ F-16 tới Ukraine, điều đó có thể gây phản tác dụng với họ.
Phát biểu với hãng thông tấn TASS ngày 21/5, ông Grushko lưu ý rằng phương Tây liên tục "leo thang leo thang", sau khi một số hãng truyền thông Mỹ đưa tin rằng Washington sẽ không ngăn các đồng minh gửi máy bay chiến đấu hiện đại tới Kiev, quốc gia vẫn đang xung đột với Moscow.
"Chúng tôi thấy rằng các nước phương Tây đang bám vào kịch bản leo thang. Nó chứa đầy những rủi ro khổng lồ cho chính họ", ông nói.
Thứ trưởng Grushko lưu ý rằng bất chấp sự hỗ trợ của các nước phương Tây, Nga "có tất cả các phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu của mình" liên quan đến hoạt động quân sự ở Ukraine.
Trước đó ngày 19/5, NBC đưa tin rằng Mỹ và các đồng minh có kế hoạch cung cấp F-16 cho Ukraine, mặc dù điều này không có nghĩa là máy bay sẽ được cung cấp trực tiếp bởi Washington. Một số hãng tin khác cũng cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không ngăn cản các đồng minh của mình chuyển các máy bay phản lực tới Kiev.
Một ngày sau, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố rằng Washington sẽ hỗ trợ một chương trình chung để đào tạo phi công Ukraine trên các máy bay phản lực hiện đại như F-16, đồng thời nói thêm rằng "chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình để xác định khi nào máy bay sẽ được chuyển giao, ai sẽ được cung cấp chúng và số lượng bao nhiêu".
Ông cũng nói rằng các máy bay phản lực sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích phòng thủ và sẽ không mạo hiểm vào lãnh thổ Nga. Ông tuyên bố: "Người Ukraine đã liên tục chỉ ra rằng họ sẵn sàng tuân theo điều đó".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích những nhận xét của ông, mô tả chúng là "sự bắt chước hành vi dựa trên luật pháp". Bà nói thêm rằng Washington thiếu bất kỳ cơ sở pháp lý hoặc đạo đức nào để đưa ra những khẳng định này, đồng thời nhấn mạnh, những khẳng định này "sai và gây hiểu lầm ngay từ đầu".
Bà Zakharova cho biết Mỹ đang làm điều này "dưới vỏ bọc của một loại nguyên tắc giả nhân đạo nào đó" để đạt được mục tiêu của riêng mình.
Bà nói thêm: "Mọi người đều hiểu rất rõ rằng Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại toàn bộ khu vực… Chúng tôi không chỉ nói về sự đối đầu với đất nước của chúng tôi mà còn về việc sử dụng lãnh thổ của người dân Ukraine để đạt được các mục tiêu của họ".