Nhằm phát huy lợi thế cây sầu riêng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, giúp nông dân làm giàu và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu thành công, HTX Cẩm Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, (tỉnh Tiền Giang) tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương và các ngành chức năng, xây dựng vùng sầu riêng an toàn theo hướng GAP, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ sức khỏe và môi sinh, môi trường.
Trong đó, HTX chuyển giao quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP cho nông dân, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đăng ký để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc,...
Đồng thời, HTX liên kết với các doanh nghiệp, công ty giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa chủ lực, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sầu riêng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn cho biết, HTX đã phối hợp với Công ty Nho Nho Cần Thơ đầu tư xây dựng vùng trồng sầu riêng VietGAP trên diện tích 10 ha với 20 hộ dân tham gia. Diện tích trên đã được chứng nhận đạt VietGAP, thời hạn có hiệu lực là 3 năm (2023 - 2025).
Một cây sầu riêng đang cho trái trong vùng trồng sầu riêng an toàn tiền tỷ của HTX Cẩm Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Trong năm 2023, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, HTX cũng xây dựng dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng với quy mô 30 ha vườn chuyên canh.
Vừa qua, tham gia Chương trình OCOP, HTX Cẩm Sơn cũng đã có sản phẩm trái sầu riêng tươi đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, hạng 4 sao. HTX Cẩm Sơn còn liên kết với doanh nghiệp đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà kho nhằm đáp ứng mục đích liên kết thu mua, tiêu thụ sầu riêng cho vùng chuyên canh của HTX.
Nhằm quảng bá thương hiệu sầu riêng đặc sản, HTX Cẩm Sơn tăng cường xúc tiến thương mại qua các kênh thương mại điện tử Postmart.vn, mạng xã hội Facebook; ứng dụng các phần mềm trên máy tính theo dõi việc trồng, chăm sóc và xử lý, thu hoạch trái cây đạt hiệu quả, chất lượng...
Đặc biệt, để đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, HTX Cẩm Sơn đã lập hồ sơ đăng ký và được cấp thẩm quyền cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch cho gần 780 ha, đạt 100% diện tích vùng chuyên canh sầu riêng.
Có được mã số vùng trồng, HTX Cẩm Sơn triển khai các bước quản lý vùng được cấp mã số vùng trồng, tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân tuân thủ quy trình trồng, đảm bảo chất lượng nông sản khi xuất khẩu, giữ vững thương hiệu trái sầu riêng HTX Cẩm Sơn.
Theo đó, thành lập 4 tổ giám sát mã số vùng trồng ở 100% số ấp trong xã. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Đầu tư phát triển Vạn Hòa, Công ty TNHH Thiện Toàn, Công ty TNHH Song Toàn Phát, Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Trung... tiêu thụ, xuất khẩu trái sầu riêng.
Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn chia sẻ, dự kiến đến cuối năm 2023, khi địa phương bắt đầu thu hoạch rộ vụ nghịch trong năm, những lô hàng sầu riêng đầu tiên của HTX thông qua các doanh nghiệp đầu mối sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là kỳ vọng chung của địa phương, HTX và bà con.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), xã đã được công nhận là xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và theo lộ trình, đến cuối năm 2023 sẽ ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu, là xã đầu tiên của huyện Cai Lậy đạt danh hiệu này.
Thành tích đó có sự đóng góp to lớn và ý nghĩa của nông dân vùng chuyên canh, của HTX Cẩm Sơn trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng vùng trồng sầu riêng chất lượng, an toàn, khẳng định được thương hiệu và tạo sự tín nhiệm, tin cậy của thị trường nói chung.