Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương

Nguyễn Việt Chủ nhật, ngày 21/05/2023 12:04 PM (GMT+7)
Bộ sưu tầm mâm gỗ độc đáo, có một không hai đó là của ông nông dân Đào Nhất Hoa, 56 tuổi ở thôn Trung, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương).
Bình luận 0
Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 1.

Thú chơi độc đáo

Đến nhà ông Đào Nhất Hoa từ ngoài sân đến trong nhà, khách dễ dàng tìm thấy nhiều vật dụng thân thuộc gần gũi, gắn bó với đời sống của cư dân vùng nông thôn Bắc Bộ xưa như: Bình vôi, chum, vại, vò gốm, sành, cối đá, cối xay bột, đèn bão, bát đĩa sành, nồi đồng, mâm gỗ.

Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 2.

Ông Đào Nhất Hoa làm các kệ để trưng bày mâm gỗ trong nhà. Ảnh: Nguyễn Việt.

Các vật dụng đa dạng kiểu dáng, kích cỡ, toát lên vẻ đẹp mộc mạc, dân dã, vẻ đẹp của màu thời gian, của nét xưa bao trùm trên các đồ vật dụng. Những đồ này, giờ rất khó tìm, hiếm gặp hoặc không còn xuất hiện trong đời sống người Việt ngày nay. Chúng được ông Hoa trưng bày sắp đặt từ ngoài sân, góc sân, hiên nhà, trong nhà, tủ kính…

Đáng chú ý trong những vật dụng ông Hoa sưu tập phải kể đến là bộ sưu tập mâm gỗ. Theo quan sát, số mâm gỗ được trưng bày ở phòng khách chỉ là một phần rất nhỏ của bộ sưu tập. Chúng đều có màu nâu cũ, có nhiều chiếc còn vẹn nguyên nhưng cũng có chiếc bị nứt, mẻ, vỡ được gia chủ trưng bày trang trọng trên các giá đựng đồ, có ghi rõ địa chỉ xuất xứ của từng chiếc mâm.

Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 3.

Rất nhiều mâm gỗ ông Hoa sưu tầm được để trong nhà. Ảnh: Nguyễn Việt.

Trò chuyện về thú chơi mâm gỗ cổ, ông Hoa cho biết: "Tôi đến với sưu tập mâm gỗ cổ từ những năm 90 của thế kỷ trước cùng thời điểm chơi cây cảnh và sưu tập các vật dụng khác. Lúc đó, tôi mới hơn 20 tuổi".

Theo ông Hoa, chiếc mâm gỗ gắn bó mật thiết, thân thuộc, phổ biến được sử dụng  để bày thức ăn trong bữa ăn của các gia đình người dân quê ngày xưa. Vật liệu để tạo ra mâm gỗ chủ yếu được người dân sử dụng là gỗ mít, gỗ sung… Đây là những loại cây gỗ được trồng phổ biến ở các vùng nông thôn, dễ tìm dễ kiếm.

Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 4.

Các mâm gỗ được trưng bày tại phòng khách. Ảnh: Nguyễn Việt.

Do đời sống phát triển, người dân dần không còn dùng mâm gỗ, thay vào đó là mâm đồng, mâm nhôm. Lúc này mâm gỗ được nhiều gia đình giữ lại làm kỷ niệm hoặc làm vật dụng dùng để đậy điệm thùng thóc, thùng gạo. Cũng có gia đình vứt xó bếp, xó buồng, ngoài vườn hay bị ném xuống ao, làm củi đun.

Ông Hoa thích sưu tập mâm gỗ bởi ông đã được trải nghiệm với mâm gỗ từ thời thơ bé. Sau này lớn lên ông yêu thích, muốn tìm, lưu giữ lại các đồ vật trong đời sống sinh hoạt của người nông dân xưa. Trước để thỏa mãn niềm yêu thích của mình, sau muốn lưu lại cho thế hệ sau hiểu được văn hóa, tập quán, lối sống của cha ông.

Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 5.

Ông Hoa bên các kệ trưng bày mâm gỗ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, với nghề làm điện, nước và nghệ nhân cây cảnh ông Hoa càng có dịp đi nhiều nơi gặp nhiều người, quen nhiều người, nhờ vậy việc sưu tập mâm gỗ cũng thuận lợi hơn. Đi đâu hoặc nghe ai nói chỗ nào có mâm gỗ là ông Hoa tìm đến hỏi xin hoặc mua thậm chí đổi mâm gỗ lấy công trình (ông Hoa làm công trình điện, nước cho nhà dân, lấy công bằng mâm gỗ thay vì bằng tiền).

Ban đầu ông tìm, sưu tập ở địa phương trong làng ngoài xóm, sau mở rộng ra trong huyện, trong tỉnh, các tỉnh, thành ngoài, chủ yếu các tỉnh Bắc Bộ. Câu chuyện sưu tập mỗi chiếc mâm là một tình huống khác nhau. Có mâm mất công sức đi lại nhiều lần mới thuyết phục được chủ mâm đồng ý bán lại. Tiền mua mâm nhiều khi ít hơn tiền đi lại mua mâm. Cũng có mâm ông sưu tập được trong hoàn cảnh người dân tát nước ao phát hiện có mâm gỗ dưới đáy ao, biết được ông đến xin về cọ rửa cho sạch sẽ.

Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 6.

Mâm gỗ được ông Hoa cận thận ghi nguồn gốc và chủ cũ của chiếc mâm được ông mua lại. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đến nay, sau gần 30 năm sưu tập, ông Đào Nhất Hoa đã có trong tay bộ sưu tập mâm gỗ đồ sộ, với gần 500 chiếc, cái mâm có niên đại gần nhất cũng cỡ khoảng 100 năm. Ngoài một số ít ông để trưng bày ở phòng khách, còn lại ông cất trong buồng, nhà dưới và cất nhiều nơi khác.

Theo ông Phan Văn Đức, người chuyên nghiên cứu văn hóa, lịch sử và sưu tập đồ cổ ở Hải Dương: Mâm gỗ có từ rất lâu trong đời sống của người Việt, được dùng để bày thức ăn trong bữa ăn hàng ngày của người dân hoặc dùng bày đồ lễ trong việc thờ cúng ở đình, đền, chùa.

Mâm gỗ của gia đình nhà giàu quyền quý được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Mâm gỗ trong các đền, đình, chùa được sơn son thiếp vàng, còn mâm gỗ của đại đa số của người dân để thường không chạm khắc, không sơn son thiếp vàng. Vào đầu thế kỷ XX cụ thể sau 1954 người Việt rất ít dùng loại mâm này đến 1975 hầu như không còn dùng mâm gỗ nữa mà chuyển sang dùng mâm đồng.

Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 7.

Mâm gỗ ông Hoa sưu tầm được còn được cất lên gác nhà. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Đức đánh giá: Những chiếc mâm gỗ của ông Hoa là mâm của gia đình dân thường, vì nó không được chạm trổ, sơn son thiếp vàng, có niên đại khoảng thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nếu bộ sưu tập có gần 500 chiếc mâm gỗ thì đó là một bộ sưu tập lớn, độc nhất vô nhị, sưu tập được khối lượng ấy mâm cũng rất công phu.

Bởi vì, đặc trưng vật dụng đồ gỗ nhất là gỗ sung, gỗ mít không bền như đồ gốm, sành, sứ hay các đồ kim loại nếu bảo quản tốt khi người dân không dùng sẽ vứt đi, làm củi đun. Mặt khác thời tiết còn làm gỗ bị mốc, mục, nứt vỡ khó giữ gìn. Cũng bởi mâm gỗ giá trị kinh tế không cao nên ít người sưu tập, cũng chính vì thế ông Hoa mới có bộ sưu tập đồ sộ, độc đáo có một không hai.

Làm bảo tàng cho mâm gỗ

Không chỉ sưu tập, ông Hoa còn mong muốn các mâm gỗ được bảo quản tốt, giữ gìn được lâu và trở thành nơi tìm hiểu, trải nghiệm cho các thế hệ sau hiểu về đời sống của cha ông.

Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 8.

Ông Hoa bên chiếc mâm gỗ còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Hoa cho biết: Tôi mong muốn ngành chức năng, các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để tôi mở bảo tàng tư nhân. Lúc đó, bảo tàng sẽ trưng bày chủ lực là mâm gỗ, ngoài ra còn trưng bày các đồ, vật dụng có liên quan đến cuộc sống, lao động, sản xuất của người Việt xưa.

Đây sẽ là nơi lưu giữ những kỷ vật, đồ dùng sản xuất, sinh hoạt của cha ông. Lúc đó, tôi sẽ tổ chức nhiều các hoạt động trải nghiệm cho các cháu học sinh tìm hiểu về hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời sống thường ngày của người nông dân xưa. Đó là cách giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản của cha ông.

Ngỡ ngàng về bộ sưu tập 500 mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của ông nông dân ở Hải Dương - Ảnh 9.

Ông Hoa bảo quản, sắp đặt lại mâm gỗ trên kệ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Trao đổi về giá trị bộ sưu tập mâm gỗ của ông Đào Nhất Hoa, ông Phan Văn Đức đánh giá rất cao bộ sưu tập này. Ông Đức cho biết: Bộ sưu tập mâm gỗ của ông Hoa rất có ý nghĩa về mặt văn hóa lịch sử, phong tục tập quán. Trong văn hóa người Việt hình ảnh chiếc mâm hay mâm cơm gia đình thể hiện sự đoàn kết, đoàn tụ gắn bó yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Việc ông Hoa sưu tập được những chiếc mâm gỗ xưa giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về phong tục tập quán, lối sống, văn hóa ẩm thực của cha ông.

Clip: Ngỡ ngàng với bộ sưu tầm 500 chiếc mâm gỗ "độc nhất vô nhị" của người nông dân ở Hải Dương. Thực hiện: Nguyễn Việt.

"Trong Luật Di sản Văn hóa cũng có quy định rõ ràng về việc thành lập Bảo tàng tư nhân, nếu ông Hoa thấy mình bộ sưu tập mâm gỗ đủ các yêu cầu theo quy định về mở bảo tàng tư nhân thì ông có thể làm các thủ tục để xin phép thành lâp Bảo tàng tư nhân. Việc được thành lập bảo tàng tư nhân và hoạt động hiệu quả góp phần bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa lịch sử của bộ sưu tập hay các hiện vật khác đến các thế hệ người Việt được rộng rãi hơn" – ông Đức cho hay.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem