Trên nương, bụi đất lầm lên sau mỗi nhát cuốc. Bụi đất cứ lầm lên đến cả quần áo, đến cả mặt người đang hối hả dọn nương, chuẩn bị đốt cỏ cho kịp mùa gieo hạt.
Sáng nay, khi vác cuốc lên rẫy, chị còn đem theo một cái mẹt và có đến cả hai chiếc giỏ cơm, người Thái gọi đó là “cóm khảu”. Một chiếc cóm khảu đựng món xôi sắn cho bữa ăn trưa, một chiếc cóm không đựng gì. Nhìn mặt trời đỏ đọc khuất hiện trong làn khói bụi quẩn lên trong ngày trên đỉnh núi phía tây, chị biết, đã đến mùa mặt trời đỏ, đến mùa trứng kiến!
Nhớ có lần mế chị bảo chị, đại thể rằng, dù con gái có đi lấy chồng thật xa chắc cũng chẳng thể nào quên đi cho được dư vị ngọt bùi của món bánh trứng kiến quê hương. Cái món ăn dân dã mà cao sang, mỗi năm chỉ có một lần vào mùa mặt trời đỏ, mùa dân bản hối hả đi nương - mùa kiến làm tổ trên cành - mùa lá vả non xòe ra mát mắt…
Để rồi, năm nay, từ ngay trong cữ Tết Thanh minh, chị cứ nắc nỏm hoài rằng, vì sao con gái chị và lũ trẻ chưa về? Con gái chị lấy chồng tận dưới đồng bằng. Vì chị biết, chỉ sau những trận mưa đầu mùa, khi những mầm cỏ gianh trồi lên xanh rì mặt rẫy là không khí được gột sạch, mặt trời không đỏ nữa và tất cả trứng kiến cũng đã nở thành con kiến.
Ảnh minh họa: Nguyễn Minh
Ở đồng rừng quê chị, cữ này cũng là cữ giáp hạt. Giáp hạt hạt thóc, hạt gạo trong nhà, giáp hạt cây củ trên nương, giáp hạt cả hạt nước trên đồng, trên núi. Nhưng lại là lúc tất cả mọi người, cả đến đàn kiến, cả cây cối và vạn vật đều dự cảm được sự chuyển vần của thời tiết, để vất vả chuẩn bị cấy trồng, để vất vả sinh sôi…
Rồi cuối ngày dọn nương hôm ấy, chọn một tổ kiến đen treo trên cành cao, vung một đường dao dứt khoát, chuyển tay đón ngọn cây có tổ kiến chừng bằng chiếc mũ đội đầu và chị với lên dùng dao róc phía ngọn cho gọn và bắt đầu những động tác gõ lên tổ kiến. Những nhát gõ vừa gọn, vừa đều sao cho cả kiến, cả trứng kiến nhè nhẹ rơi dần vào mẹt.
Nói vậy nhưng để có thể lấy trọn ổ trứng của đàn kiến biết thương những chiếc trứng trắng mẩy của mình đâu có dễ. Chỉ chậm một chút thôi, mỗi con kiến rơi xuống, theo bản năng, đều có thể công một quả trứng chạy như biến vào gốc cây ngọn cỏ. Vậy là, nếu chỉ chậm chạp một chút thôi, lúc trông lại sẽ chỉ còn… chiếc mẹt không.
Rồi, nếu chỉ không khéo một chút thôi, trứng và kiến không chỉ rơi vãi lung tung mà người đi lấy trứng kiến còn có thể bị những con kiến bắn vào quần áo, bám vào tóc tai, bám vào tay thon, cong mình chích cho những đòn chí tử… Có khi còn phải… bỏ cả của để chạy lấy người.
Mùa trứng kiến này con gái chị và lũ trẻ không về. Nhà báo Hoàng Quách Cầu (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), bác của con gái chị bảo tôi: “Những bà mế ở đất Phù Hoa này có thể, chỉ qua việc lấy trứng kiến của các cô gái trong bản mà chọn được dâu con!”. Phải chăm chỉ, phải chịu khó, phải khéo léo lắm một cô gái mới có thể làm hài lòng bà mế khi cùng đi lấy trứng kiến. Đó là những cô gái quen làm, những cô gái nết na.
Nói về mảnh đất Phù Yên này, nhớ, nhà báo Hoàng Quách Cầu còn có lần bảo tôi, là vì để tránh phạm húy, từ đầu thế kỷ XIX, mảnh đất Phù Hoa xưa được đổi tên thành châu Phù Yên. Cùng với thời một cái chợ Đông Hoa ở kinh thành được gọi chệch thành chợ Đông Ba, còn tỉnh Thanh Hoa nghiễm nhiên trở thành Thanh Hóa bây giờ. Tôi yêu mảnh đất Phù Hoa - Phù Yên.
Tôi nhớ Phù Yên - Phù Hoa, với nhiều điều đáng nhớ. Trong nỗi nhớ xa xăm đó, có nỗi nhớ đằm sâu về cảnh vật, về con người Phù Hoa trong mùa trứng kiến.
Có hai loại kiến có thể cho trứng để làm thành món bánh trứng kiến. Một loài kiến đen có tên tiếng Thái là “mốt háy” và một loại kiến vàng có tên là “mốt xôm xả” là có thể cho ta ổ trứng. Trứng kiến đen “mốt háy” làm bánh ngon hơn hẳn món bánh trứng kiến vàng “mốt xôm xả”.
Mế chị đã có lần bảo con gái mế như vậy. Người vùng này, ai ai cũng dễ dàng phân biệt đâu là tổ “mốt háy” và đâu là tổ “mốt xôm xả”. Bây giờ, ở nơi con gái chị lấy chồng, chắc chẳng có ai biết và thấy cần phải phân biệt “mốt háy” và “mốt xôm xả” làm gì.
Vì Phù Yên hôm nay, với con gái chị, đã là một nơi xa ngái, giống như cái tên Phù Hoa đã trở thành ẩn tích. Vậy mà chị biết, con gái chị sẽ nhớ Phù Yên, nhớ mùa trứng kiến như chị nhớ mế chị khi bà đã đi xa, có đến hơn năm mùa trứng kiến.
… Sau khi nhịp nhàng đập cho hết tổ trứng kiến, lại nhẹ nhàng đánh động cho những con kiến bò đi, rồi chị nghiêng xoay chiếc mẹt đổ cả ổ trứng kiến vào chiếc “cóm khảu” dự phòng có nắp mang theo. Nhà có hai loại cóm khảu nha, loại có nắp và loại không có nắp. Vậy là dăm ba con kiến còn lẫn trong ổ trứng sẽ được đem về loại nốt và quan trọng hơn, trứng kiến sẽ không hề bị dập nát.
Nhào bột mịn và dàn đều trên mâm. Tấm lá vả non to bằng bàn tay xòe đặt dưới, múc trứng kiến đã được xào lẫn lá hành và một vài thứ gia vị gia truyền lên trên mặt bột, rồi nhón tay gấp đôi tấm lá vả non lại là có được tấm bánh hình vầng trăng khuyết.
Cũng có thể gói kín như các loại bánh thông thường. Chị nhớ, mế chị còn dặn, không dùng hành củ cũng không cần cho thêm thịt, mỡ. Độc vị trứng kiến với các loại gia vị gia truyền sẽ làm người ăn cảm nhận được mùi vị đặc biệt của bánh trứng kiến Phù Hoa.
Những tấm bánh trứng kiến sau khi được đồ trên chõ gỗ, được ăn với cả lá vả bao ngoài rồi đây… sẽ làm thành chính… nỗi nhớ như là nỗi nhớ nhà da diết của mỗi người Phù Yên đi xa. Dù còn một vài món ăn có thể chế biến từ trứng kiến như cháo trứng kiến, trứng đúc cùng trứng kiến…
Nhưng chỉ một món bánh trứng kiến đủ để mãi nhớ về vùng đất thân yêu, trong mùa mặt trời đỏ, với những vất vả lo toan mà quá đỗi thân gần.
Rồi cả tôi nữa, cũng như những người đã đi xa Phù Yên, tôi cũng nhớ Phù Yên từ vô vàn những điều đã trở thành kỷ niệm. Trong đó có nỗi nhớ căn nhà sàn bên mặt hồ Noong Bua, nhớ lại những chiều một mình đi trên đèo Ban trong mùa mặt trời đỏ.
Nhớ những người dân bản hiền lành đã mặc cho dăm ba chục con kiến công đi những quả trứng tròn khi lấy ổ trứng kiến trên rừng như là của để dành cho đến mùa sau. Nhớ vị trứng kiến ngọt bùi làm dịu lại những ngày tháng 3 khó nhọc như nhớ về cái nơi mà mình đã nặng lòng yêu dấu.