Dân Việt

Hé lộ 'bệ đỡ' cho dự án nghỉ dưỡng nghìn tỷ Đông Trường Sơn (Hòa Bình)

Vũ Khoa 26/05/2023 08:33 GMT+7
Dù đã lựa chọn lại nhà đầu tư, dự án nghỉ dưỡng nghìn tỷ Đông Trường Sơn, tỉnh Hòa Bình vẫn "khó thoát" khỏi nhóm nhà đầu tư liên quan Tập đoàn An Thịnh của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương và Nguyễn Thị Thu Thủy.

Trước đó, Dân Việt có bài viết "Bị chính quyền Hoà Bình "tuýt còi", Chủ đầu tư dự án Đông Trường Sơn vẫn ngang nhiên hoạt động, cản trở PV tác nghiệp", phản ánh tình trạng Chủ đầu tư dự án Đông Trường Sơn cố tình thi công dự án, bất chấp sự "tuýt còi" của UBND xã vì chưa đủ điều kiện, thủ tục. Sự việc đã gây bức xúc trong dư luận địa phương, cũng như gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương. Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp Liên danh triển khai dự án có mối quan hệ rất chặt chẽ với Tập đoàn An Thịnh, một doanh nghiệp cũng gắn liền với nhiều vụ lùm xùm.

Hé lộ 'bệ đỡ' cho dự án nghỉ dưỡng nghìn tỷ Đông Trường Sơn (Hòa Bình)

Dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn, nằm trên địa bàn xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khởi điểm, dự án được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng (một thành viên Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng) quy hoạch và Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Hòa Bình trực tiếp triển khai làm chủ đầu tư. Thời điểm đó, dự án dự kiến được thực hiện trong quý III/2012 và hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong quý IV/2015.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án bị đình trệ suốt nhiều năm dẫn đến việc UBND tỉnh Hòa Bình "phải tìm" "nhà đầu tư mới" cho dự án.

Tháng 7/2019, dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn lọt vào danh sách các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND được HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua ngày 19/7/2019. 30/9/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định số 2082/QĐ-UBND, phê duyệt danh mục dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Qua đó, đưa dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn vào triển khai trở lại trở lại.

Năm 2019, dự án Đông Trường Sơn được tái khởi động, giữ nguyên quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt năm 2012. Theo đó, dự án có tổng diện tích quy hoạch là 98 ha, bao gồm 3 phân khu chức năng chính gồm khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, khu công trình công cộng và dịch vụ, khu cây xanh công viên, thể thao, vui chơi giải trí.

Tháng 6/2020, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 1327/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn. Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Reenco Hòa Bình, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng và Công ty Cổ phần phát triển đô thị An Thịnh. Đây là liên danh nhà đầu tư duy nhất tham gia đấu thầu dự án. Dự án được triển khai thi công bởi công ty con của liên danh là Công ty TNHH Legacy Riverside.

Dự án nghìn tỉ Đông Trường Sơn tại tỉnh Hòa Bình về tay Tập đoàn An Thịnh như thế nào? - Ảnh 2.

Về hình thức dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn đã có "nhà đầu tư mới", thuộc về liên danh gồm 3 công ty, bao gồm nhà đầu tư đã từng được chấp thuận chủ trương ban đầu - Reenco Hòa Bình. Tuy nhiên, cả 3 doanh nghiệp tham gia dự án từng "đắp chiếu" lâu ngày này đều có mối liên kết hết sức khăng khít với Tập đoàn An Thịnh của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương và Nguyễn Thị Thu Thủy. Và dù đã lựa chọn lại nhà đầu tư, dự án vẫn "khó thoát" khỏi nhóm nhà đầu tư liên quan doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương.

Cụ thể, đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Hòa Bình (thành lập năm 2010) - nhà đầu tư chính thức duy nhất ở thời điểm sơ khởi của dự án có cổ đông sáng lập quan trọng bà Nguyễn Thị Thu Thủy nắm giữ 50% vốn. Dữ liệu cho thấy, bà Nguyễn Thị Thu Thủy được cập nhật vào danh sách cổ đông sáng lập của Reenco Hòa Bình vào tháng 10/2018. Trước đó, danh sách cổ đông sáng lập của Reenco Hòa Bình công khai gồm 13 cá nhân và pháp nhân nắm giữ gần 25% vốn của công ty.

Bên cạnh đó, bà Thủy còn là cổ đông lớn của Tập đoàn An Thịnh nắm giữ 20% vốn, bằng số vốn của bà Nguyễn Thị Thanh Hương ở thời điểm thành lập Tập đoàn An Thịnh. Không những vậy, cổ đông lớn nhất nắm giữ 60% vốn Tập đoàn An Thịnh là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị An Thịnh - một doanh nghiệp mà bà Nguyễn Thị Thu Thủy đã dùng 5,4 triệu cổ phần của mình thế chấp tại Ngân hàng đảm bảo cho khoản vay cá nhân.

Bàn tay doanh nghiệp nhiều tai tiếng tại dự án Đông Trường Sơn

Năm 2019, chủ tịch Hội đồng quản trị của Reenco Hòa Bình vẫn là bà Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh năm 1981. Công ty có địa chỉ tại, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Vốn điều lệ là 200 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn An Thịnh của bà Hương giữ 55% cổ phần.

Tiền thân là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, tháng 8/2016, Tổng công ty Sông Hồng chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Ngày 2/6/2010, doanh nghiệp này chính thức chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức CTCP với tên gọi là Tổng Công ty CP Sông Hồng. Ngày 10/4/2015, cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên UPCoM.

Hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty liên tục đi xuống. Doanh thu các năm liên tục giảm, năm 2019 rớt xuống còn vỏn vẹn hơn 63,1 tỷ đồng. Tỷ lệ thuận với sự lao dốc của doanh thu là sự đi xuống của lợi nhuận.

Doanh nghiệp tiếp theo trong liên danh này là Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng, thành lập vào ngày 12/07/2000, có địa chỉ trụ sở chính Lô BT12-18 Khu biệt thự ven suối Con Gái, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ở thời điểm cuối năm 2022, Công ty này có vốn điều lệ là 380 tỉ, trong đó Tập đoàn An Thịnh giữ 51% tỉ lệ cổ phẩn, bà Nguyễn Thị Thanh Hương giữ 48% cổ phần.

Doanh nghiệp còn lại là Công ty CP Phát triển đô thị An Thịnh hoạt động vào năm 2011, có địa chỉ tại 112 B4, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, vốn điều lệ là 368 tỉ đồng (tháng 11/2019).

img
img
img
img

Lộ trình tăng vốn điều lệ của Tập Đoàn An Thịnh cùng nhóm doanh nghiệp Liên danh triển khai dự án Đông Trường Sơn 

Dự án nghìn tỉ Đông Trường Sơn tại tỉnh Hòa Bình về tay Tập đoàn An Thịnh như thế nào? - Ảnh 3.

Vừa qua, liên danh nhà thầu này bị phản ánh cố tình thi công dù chưa hoàn thiện đủ nhiều thủ tục pháp lý, còn tồn tại một số vấn đề trong giải phóng mặt bằng. Theo báo cáo của UBND xã Tân Vinh, tổng diện tích đất bị hủy hoại tại đồi Quèn ma, xóm Vé, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được ghi nhận là trên 7ha. Theo UBND xã Tân Vinh, đây là hành vi vi phạm hủy hoại, làm biến dạng địa hình do Công ty TNHH Legacy Riverside thực hiện.

Điều đáng nói, Chủ đầu tư không chỉ mắc vi phạm một lần, mà chính quyền địa phương phải nhiều lần bị nhắc nhở, yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Tình trạng này đặt ra câu hỏi liệu Chủ đầu tư dự án Đông Trường Sơn có đang coi thường chính quyền địa phương, gây khó cho công tác quản lý địa bàn?

Cần nói thêm, Tập đoàn An Thịnh hiện đang là một Chủ đầu tư bất động cỡ "bự" với hàng loạt dự án Hà Nội, Hoà Bình The Legacy Hà Nội (quận Thanh Xuân, Hà Nội); Legacy Phú Cát (huyện Thạch Thất, Hà Nội); Khu sinh thái Legacy Hồ Lụa (huyện Thạch Thất, Hà Nội); The Spring Town (huyện Lượng Sơn, tỉnh Hòa Bình)..

Thế nhưng trong thời gian triển khai các dự án, cái tên An Thịnh thường gắn liền với những lùm xùm. Trong đó, những vụ tai tiếng cho thấy Chủ đầu tư này thường nóng vội khi triển khai các dự án như: động thổ khi chưa được giao đất, đưa người dân vào ở khi chưa đủ điều kiện, bán nhà hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện…

Dù luôn vội vàng, thế nhưng "dấu ấn" điển hình nhất của An Thịnh là dự án chậm tiến độ hơn 12 năm, Khu đô thị Phú Cát City. Chính vì mối liên quan mật thiết của Liên danh nhà đầu tư dự án Đông Trường Sơn với Tập đoàn An Thịnh, dư luận lúc này đang đặt rất nhiều nghi ngại thời gian về đích của dự án, liệu Khu đô thị chiếm 98ha đất này có một lần nữa rơi vào cảnh "trùm mền, đắp chiếu"?